Bà Anna Singer, một chuyên gia pháp lý Thụy Điển, đang thực hiện cuộc điều tra kéo dài một tuần tại Seoul nhằm làm rõ những nghi vấn trong các hoạt động nhận con nuôi từ nước ngoài, điển hình là từ Hàn Quốc.
Chuyến đi này cũng nhằm giải đáp các cáo buộc về việc làm giả nguồn gốc của hàng nghìn đứa trẻ Hàn Quốc được các gia đình Thụy Điển nhận nuôi từ những năm 1970 - 1980.
Chia sẻ với Hãng tin AP hôm 21-3, bà Singer cho biết bà sẽ gặp các cơ quan liên quan tại Seoul để thu thập thông tin chi tiết về cách Hàn Quốc đã tìm kiếm và lập hồ sơ cho những trẻ em được người nước ngoài nhận làm con nuôi.
Bà Anna Singer, giáo sư luật tại Trường đại học Uppsala, được Chính phủ Thụy Điển chỉ định dẫn đầu cuộc điều tra khởi xướng năm 2021 về nguồn gốc của những đứa trẻ Hàn Quốc được đưa đến Thụy Điển làm con nuôi.
Mục tiêu của cuộc điều tra là xác định những điểm bất thường như việc làm giả giấy tờ của các cơ quan, tổ chức trong quá trình xử lý các trường hợp nhận con nuôi đến từ 80 quốc gia khác nhau.
Nhiều người Hàn Quốc được nhận làm con nuôi đã lên tiếng cáo buộc các cơ quan có liên quan năm đó đã ngụy tạo hồ sơ để có thể đẩy nhanh quá trình nhận con nuôi của những cặp vợ chồng người nước ngoài.
Điển hình như việc làm giả giấy tờ chứng minh những đứa trẻ Hàn Quốc là trẻ mồ côi mặc dù chúng vẫn còn cha mẹ tại quê nhà.
Phần lớn những người Hàn Quốc được nhận làm con nuôi đều ở giai đoạn những năm 1970 - 1980, khi chính phủ lâm thời của Hàn Quốc xem việc gửi những đứa trẻ Hàn Quốc làm con nuôi là một cách để tăng cường quan hệ với các nước phương Tây.
Bên cạnh đó, việc đưa những đứa trẻ Hàn Quốc đến làm con nuôi của những gia đình ở nước ngoài cũng là cách giảm bớt những áp lực lên nền kinh tế khi đó.
Hàn Quốc đã gửi khoảng 200.000 trẻ em sang các quốc gia phương Tây để làm con nuôi trong 6 thập kỷ qua, trong đó hơn một nửa trẻ em được gửi đến Mỹ.
Pháp, Đan Mạch và Thụy Điển là những quốc gia đón nhận nhiều trẻ em Hàn Quốc nhất châu Âu với gần 10.000 đứa trẻ kể từ những năm 1960.
Theo các chuyên gia và nhân viên chuyên làm thủ tục nhận con nuôi, hầu hết các cơ quan nhận con nuôi ở phương Tây đều có thể phát hiện chính quyền Hàn Quốc đã tác động đến các thủ tục để có thể gửi nhiều đứa trẻ đi trong thời gian ngắn hơn.
Không những vậy, nhiều đứa trẻ vẫn còn cha mẹ nhưng lại được ghi nhận trên giấy tờ là trẻ mồ côi do cha mẹ chúng gặp khó khăn về tài chính hoặc đã ly hôn.
Cuộc điều tra do Chính phủ Thụy Điển khởi xướng diễn ra ngay sau các cuộc điều tra tương tự của Thụy Sĩ, Đan Mạch, Bỉ và Hà Lan.
Những năm gần đây, một số quốc gia châu Âu bắt đầu điều tra về quy trình nhận con nuôi nước ngoài trước những lo ngại về những đứa trẻ bị đẩy khỏi gia đình của chúng một cách sai trái.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận