Theo Hãng tin AFP, Các lực lượng vũ trang Thụy Điển đưa ra quyết định dựa trên "báo cáo xuất hiện thông qua các nguồn mở về cách thức ứng dụng TikTok xử lý thông tin người dùng và những hành động của công ty mẹ ByteDance".
"Bản thân việc sử dụng điện thoại di động và máy tính bảng đã có thể là một rủi ro bảo mật. Chúng tôi không muốn TikTok được cài trên thiết bị làm việc của mình" - thư ký báo chí của Các lực lượng vũ trang Thụy Điển Guna Graufeldt giải thích thêm.
Tuần trước, Quốc hội Na Uy - nước láng giềng của Thụy Điển - đã cấm sử dụng TikTok trên các thiết bị kết nối với hệ thống của Quốc hội nước này. Pháp cũng đã cấm công chức tải "các ứng dụng giải trí", gồm cả TikTok, trên điện thoại phục vụ công việc.
Ủy ban châu Âu cũng như chính phủ Hà Lan, Anh, Mỹ, Canada và New Zealand cũng đã cấm các quan chức sử dụng TikTok trên các thiết bị làm việc.
TikTok - với hơn 1 tỉ người dùng toàn cầu, thuộc sở hữu của công ty mẹ ByteDance (Trung Quốc) - đã nhanh chóng trở thành nền tảng mạng xã hội có số người dùng nhiều thứ sáu thế giới.
Nhưng sự trỗi dậy này diễn ra song song với những hoài nghi của Mỹ và các nước phương Tây khác về việc Bắc Kinh có thể dùng TikTok như một "con ngựa thành Troy" để truy cập dữ liệu người dùng nước ngoài và phục vụ các mục đích chính trị.
Trong khi đó, Bắc Kinh nói lệnh cấm TikTok cho thấy sự bất an của Mỹ và rằng Washington đang lạm dụng quyền lực để chèn ép các công ty nước ngoài.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh gần đây đặt vấn đề: "Làm sao mà một siêu cường hàng đầu thế giới lại có thể sợ một ứng dụng yêu thích của giới trẻ như thế?".
Những lo ngại về TikTok tăng lên vào tháng 12-2022 khi ByteDance lúc đó thừa nhận họ sa thải 4 nhân viên - gồm 2 người ở Mỹ và 2 người ở Trung Quốc - vì đã truy cập dữ liệu của 2 nhà báo và những người liên quan vào mùa hè năm ngoái, trong lúc các nhân viên này nỗ lực tìm hiểu nguồn rò rỉ tin nội bộ cho báo chí.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận