Sáng 28-9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã (sáp nhập huyện xã) giai đoạn 2023-2025 của 13 tỉnh, thành phố.
Chi tiết sáp nhập xã, huyện của 13 tỉnh, thành phố
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà đã trình bày tờ trình của Chính phủ về phương án sáp nhập.
Cụ thể tỉnh Bắc Giang thực hiện sắp xếp 4/10 đơn vị cấp huyện thuộc diện khuyến khích, để hình thành 4 đơn vị cấp huyện mới.
Gồm nhập huyện Yên Dũng vào TP Bắc Giang và điều chỉnh địa giới hành chính huyện Lục Ngạn và huyện Sơn Động, thành lập thị xã Chũ.
Sáp nhập 34/209 đơn vị cấp xã để hình thành 17 đơn vị cấp xã mới; thành lập 16 phường và 2 thị trấn trên cơ sở 18 đơn vị cấp xã hiện hữu.
Sau sắp xếp, tỉnh Bắc Giang không thay đổi số lượng đơn vị cấp huyện; giảm 17 đơn vị cấp xã.
Với TP Cần Thơ, thực hiện sắp xếp 4/83 đơn vị cấp xã để hình thành 1 đơn vị cấp xã mới, giảm 3 đơn vị cấp xã.
Tỉnh Đắk Lắk thực hiện sắp xếp 11/184 đơn vị cấp xã để hình thành 7 đơn vị cấp xã mới, giảm 4 đơn vị cấp xã.
Với tỉnh Đồng Nai, thực hiện sắp xếp 22/170 đơn vị cấp xã để hình thành 11 đơn vị cấp xã mới, giảm 11 đơn vị cấp xã.
Với tỉnh Gia Lai, thực hiện sắp xếp 5/220 đơn vị cấp xã để hình thành 3 xã mới, giảm 2 xã.
Với tỉnh Khánh Hòa, thực hiện sắp xếp 12/139 đơn vị cấp xã để hình thành 5 đơn vị cấp xã mới, giảm 7 đơn vị cấp xã
Với tỉnh Lào Cai, thực hiện sắp xếp 2/152 đơn vị cấp xã để hình thành 1 đơn vị cấp xã mới, giảm 1 xã.
Với tỉnh Ninh Thuận, thực hiện sắp xếp 5/65 đơn vị cấp xã để hình thành 2 đơn vị cấp xã mới, giảm 3 đơn vị cấp xã.
Với tỉnh Phú Yên, thực hiện sắp xếp 9/110 đơn vị cấp xã để hình thành 5 đơn vị cấp xã mới, giảm 4 đơn vị cấp xã.
Với tỉnh Quảng Ninh, thực hiện sắp xếp 12/177 đơn vị cấp xã để hình thành 6 đơn vị cấp xã mới; thành lập TP Đông Triều trên cơ sở thị xã Đông Triều và thành lập 4 phường trên cơ sở 4 xã thuộc thị xã Đông Triều.
Sau sắp xếp, tỉnh Quảng Ninh không thay đổi số đơn vị cấp huyện (13 đơn vị); giảm 6 đơn vị cấp xã.
Với tỉnh Thái Bình, thực hiện sắp xếp 28/260 đơn vị cấp xã để hình thành 10 xã mới, giảm 18 xã.
Với tỉnh Tiền Giang, thực hiện sắp xếp 10/170 đơn vị cấp xã để hình thành 4 đơn vị cấp xã mới, giảm 6 đơn vị cấp xã.
Với tỉnh Vĩnh Long, thực hiện sắp xếp 10/107 đơn vị cấp xã để hình thành 5 đơn vị cấp xã mới, giảm 5 đơn vị cấp xã.
Như vậy, Chính phủ đề nghị thực hiện sắp xếp 5 đơn vị cấp huyện và 186 đơn vị cấp xã để hình thành 5 đơn vị cấp huyện và 99 đơn vị cấp xã mới của 13 tỉnh, thành phố.
Sau sắp xếp, 13 tỉnh, thành phố không thay đổi số lượng đơn vị cấp huyện; giảm 87 đơn vị cấp xã.
3 huyện, 67 xã không sắp xếp do yếu tố đặc thù
Về các trường hợp không thực hiện sắp xếp do yếu tố đặc thù có 3 đơn vị cấp huyện gồm huyện Tân Phú Đông (Tiền Giang), huyện Cô Tô (Quảng Ninh) và huyện Đắk Pơ (Gia Lai) và 67 đơn vị cấp xã thuộc diện phải sắp xếp.
Tuy nhiên, Chính phủ đề nghị không thực hiện sắp xếp trong giai đoạn 2023 - 2025 do có yếu tố đặc thù.
Báo cáo nêu rõ tổng số cán bộ, công chức, viên chức y tế và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã dôi dư của 13 tỉnh, thành phố là 1.935 người. Các tỉnh đã xây dựng phương án chi tiết để giải quyết số cán bộ dôi dư nêu trên theo đúng quy định.
Báo cáo nêu rõ 13 tỉnh, thành phố có 148 trụ sở dôi dư và các tỉnh, thành phố đã có phương án giải quyết số lượng trụ sở, tài sản công dôi dư này.
Trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cơ bản tán thành với các phương án sáp nhập huyện, xã.
Cùng với đó là phương án sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy, bố trí, sắp xếp đội ngũ cán bộ, phương án giải quyết trụ sở, tài sản công tại các đơn vị thực hiện sắp xếp của 13 tỉnh, thành phố theo báo cáo của Chính phủ.
Sau sắp xếp, 13 tỉnh, thành phố không thay đổi số lượng đơn vị cấp huyện trực thuộc, giảm 87/2.046 đơn vị cấp xã (chiếm 4,25% tổng số đơn vị cấp xã trên địa bàn), từ 2.046 đơn vị còn 1.959 đơn vị.
Tại phiên họp, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đều thống nhất với phương án sáp nhập huyện, xã tại 13 tỉnh, thành phố theo tờ trình của Chính phủ.
Kết luận phiên họp, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết các ý kiến phát biểu của thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội không có ý kiến khác so với tờ trình của Chính phủ.
Tại phiên họp, 100% thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội có mặt đã biểu quyết thông qua 13 nghị quyết về sáp nhập huyện, xã của 13 tỉnh, thành phố.
Trong đó thời điểm có hiệu lực thi hành của các nghị quyết của 12 tỉnh, thành phố là ngày 1-11-2024.
Riêng nghị quyết của tỉnh Bắc Giang sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2025 (do có nhiều đơn vị cấp huyện, cấp xã có thay đổi, điều chỉnh).
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận