Như vậy, nếu được thông qua, cú đòn chống độc quyền đầy bất ngờ đến từ chính quyền của Tổng thống Obama sẽ chấm dứt tham vọng của AT&T trong việc giành ngôi vị nhà cung cấp mạng di động số 1 nước Mỹ từ tay Verizon Wireless.
Nếu AT&T thất bại trong việc kháng lại bản án đưa ra bởi Bộ Tư pháp Mỹ, họ sẽ tổn thất khá nặng về kinh tế, cụ thể là nhà mạng số 2 xứ cờ hoa sẽ phải trả lại hãng mẹ của T-Mobile là Deutsche Telekom khoảng 6 tỉ USD tiền mặt cùng nhiều tài sản khác như hợp đồng mua bán đã ghi rõ ban đầu.
Phóng to |
Ảnh: Wall Street Journal |
Thông báo được đưa ra bởi cơ quan lập pháp Mỹ không khác gì một cái tát vào mặt giám đốc điều hành của AT&T là Randall Stephenson, nhân vật đang khấp khởi hi vọng sẽ dựa vào thương vụ lịch sử để thoát khỏi cái bóng của vị tiền nhiệm Ed Whitacre.
Phiên tòa có thể sẽ mất nhiều tháng và nhiều triệu USD để giải quyết. Và chưa gì mà cổ phiếu của AT&T tại Phố Wall đã bắt đầu rớt giá, bởi giới phân tích nhận định vụ kiện chính là một cú “được ăn cả, ngã về không” cho AT&T. Nói cách khác, nhà đầu tư của AT&T đang đối mặt quá nhiều rủi ro.
Các quan chức Bộ Tư pháp Mỹ (DOJ) cảnh báo nếu thế giới công nghệ để cho AT&T vươn lên thành nhà mạng lớn thứ tư thế giới, người tiêu dùng sẽ hứng chịu hậu quả nghiêm trọng.
“Nếu việc sáp nhập diễn ra trót lọt, sẽ chỉ còn ba nhà mạng chiếm giữ đến 90% thị phần, do đó những công ty cạnh tranh trong thị phần còn lại, về mọi phương diện - kể cả giá cả, chất lượng và sức phát triển - đều bị hủy diệt” - Thứ trưởng James Cole trả lời báo giới.
Kẻ thắng người thua nếu AT&T thất bại
Phóng to |
Ảnh: Digitaltrends |
“Kẻ thắng”
Rõ ràng nếu liên minh AT&T và T-Mobile không thể thành hình, Sprint sẽ là kẻ hưởng lợi lớn nhất, bởi nếu không, Sprint sẽ bị bỏ lại rất xa sau AT&T và Verizon, và điều này có thể dẫn đến hãng này sẽ không thể tồn tại nổi.
Khi thông tin về việc DOJ “sờ gáy” AT&T được loan ra, cổ phiếu của Sprint lập tức nhảy vọt… 8%, còn phó giám đốc Vonya B.McCann thì không giấu nổi sự sung sướng khi gọi đơn kiện của DOJ là “một thắng lợi quyết định dành cho người tiêu dùng, công nghiệp mạng di động và đất nước”.
Trong một thế giới mà các tập đoàn tài phiệt mặc sức tung hoành bất chấp lợi ích của thị trường cũng như người tiêu dùng, uy tín của chính phủ cũng vì thế mà bị đặt câu hỏi. Bằng việc “bật đèn xanh” cho DOJ chống lại AT&T, chính phủ của ông Obama đã chứng minh họ không phải là con rối trong tay các thế lực kinh tế (như nhiều người vẫn tưởng), và sẵn lòng chống lại bất cứ tham vọng độc quyền nào cũng như bảo vệ lợi ích của người tiêu dùng Mỹ.
Hãy xem liệu DOJ có thể chống lại đội ngũ luật sư của AT&T hay không.
Deutsche Telekom có lẽ là kẻ hoan hỉ nhất vào thời điểm hiện tại. Trước đó AT&T đã thỏa thuận với Deutsche Telekom rằng hãng mẹ của T-Mobile USA sẽ được nhận khoản tiền bồi thường lên đến 3 tỉ USD và nhiều nhất là 6 tỉ USD nếu vụ kháng án không thành công. Nói ngắn gọn, kiểu gì Deutsche Telekom cũng “bỗng dưng có… tiền” mà không phải bán đi bất cứ thứ gì. Và nếu trường hợp tệ nhất xảy ra cho đối tác AT&T, Deutsche Telekom vẫn có thể ung dung rao bán T-Mobile USA cho bất cứ ai muốn mua.
Liên minh AT&T và T-Mobile từ lâu đã bị chỉ trích là một bàn thua trông thấy cho người tiêu dùng. Với việc chỉ riêng AT&T cùng Verizon đã nắm trong tay hơn 90% thị phần mạng di động trên toàn nước Mỹ, người dùng tại đây sẽ có rất ít lựa chọn ngay cả khi chất lượng dịch vụ không ra gì.
Và lý do quan trọng nhất, đó là việc tồn tại quá ít gương mặt trên một thị trường sẽ khiến rủi ro dàn xếp giá giữa các hãng cao hơn, và cuối cùng dẫn đến hậu quả là giá sử dụng dịch vụ cũng ngày một tăng lên. Nói như Harold Feld - giám đốc pháp lý của hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Public Knowledge, lời tuyên chiến của DOJ nhằm vào AT&T là “món quà mừng Labour Day (Lễ lao động Mỹ) tuyệt vời nhất mà người dân Mỹ từng được hưởng”.
Dĩ nhiên đây sẽ là thế lực bị tổn thất nhiều nhất. Khoan hãy tính đến số tiền 3-6 tỉ USD sắp sửa mất trắng vào tay Deutsche Telekom AG, bởi đây chỉ là “hạt cát” nếu so với những gì AT&T sẽ mất nếu thất bại trong việc thâu tóm T-Mobile: 43% thuê bao mạng di động trên khắp nước Mỹ.
Rất nhiều nhà đầu tư, cả lớn lẫn bé, sẽ được hưởng lợi nếu thương vụ diễn ra êm thấm. Nhưng nếu trường hợp xấu nhất xảy ra, hàng loạt ngân hàng như Greenhill & Co, J.P.Morgan, Evercore Partners, Morgan Stanley, Deutsche Bank, Credit Suisse và Citigroup sẽ ngay lập tức mất 150 triệu USD tiền mặt dành cho các loại phí tổn liên quan trực tiếp đến vụ đầu tư vào liên minh AT&T/T-Mobile. Chưa hết, những ngân hàng này sẽ còn mất tiếp khoảng 36 triệu USD khoản tiền "lẽ ra sẽ được nhận" nếu vụ sáp nhập “kết thúc có hậu”.
Cuối cùng chính là những cá nhân và tổ chức đang đầu tư vào cổ phiếu của AT&T. Với việc chưa gì mà giá cổ phiếu của hãng này đã giảm 6%, có lẽ chỉ có những ai đang đầu tư vào Sprint hoặc Verizon mới có thể ăn ngon ngủ yên trong những ngày này.
Đúng là có rất nhiều khách hàng ghét vụ mua lại T-Mobile của AT&T, và nhiều người khác đồng ý với họ. Nhưng mọi chuyện không phải lúc nào cũng rành mạch như vậy.
Cần nhắc lại điều quan trọng nhất, AT&T đã cam kết sẽ mang dịch vụ 4G LTE tốc độ cao đến cho ít nhất 95% khách hàng Mỹ, chưa kể đối tượng mong chờ dịch vụ này nhất chính là những ai đang sống ở miền hẻo lánh và thôn quê, nơi mà việc tiếp cận với Internet cũng như sóng di động vẫn không phải là điều dễ dàng.
Chưa hết, với hệ thống sóng quang phổ vô tuyến nhận được từ T-Mobile, AT&T sẽ cải thiện được tiếng xấu trong chất lượng sóng của họ.
Tóm lại, sẽ có rất nhiều người được hưởng lợi về phương diện chất lượng dịch vụ nếu AT&T thành công trong việc mua lại T-Mobile.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận