Phóng to |
Tại buổi hội thảo của CSIS ngày 10-7 - Ảnh chụp lại từ màn hình |
Tóm tắt trên trang web, Quốc hội Mỹ nói nghị quyết lên án hành vi đe dọa hay sử dụng vũ lực cản trở quyền tự do đi lại trên không ở châu Á - Thái Bình Dương (liên quan tới vùng nhận dạng phòng không - ADIZ do Trung Quốc áp đặt ở biển Hoa Đông); yêu cầu Trung Quốc không áp dụng ADIZ ở biển Hoa Đông và tránh các hành vi gây hấn ở các nơi khác; kêu gọi Trung Quốc rút giàn khoan Hải Dương 981 và các lực lượng trên biển đi cùng ra khỏi vị trí hiện nay và kêu gọi trả lại nguyên trạng như trước ngày 1-5-2014.
Nghị quyết cũng nhấn mạnh các bên không được có các hành vi đơn phương xâm phạm tuyên bố DOC được thông qua hồi năm 2002 giữa Trung Quốc - ASEAN và kêu gọi các bên sớm thông qua Bộ quy tắc ứng xử COC.
Trong văn bản gửi báo giới vào tối qua 11-7, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình nêu rõ: “Việt Nam hoan nghênh việc nghị quyết 412 của Thượng viện Hoa Kỳ yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan Hải Dương 981 và các lực lượng hộ tống khỏi vị trí hiện tại, không có các hoạt động trái với Quy tắc quốc tế về phòng ngừa đâm va trên biển (COLREGs); lên án các hành động cưỡng bức, đe dọa hoặc sử dụng vũ lực, thay đổi hiện trạng hay gây bất ổn ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương”.
Đồng thời, ông Lê Hải Bình cho biết Việt Nam mong muốn các quốc gia trong và ngoài khu vực, trong đó có Hoa Kỳ, tiếp tục có đóng góp mạnh mẽ, thiết thực, hiệu quả và có tính xây dựng cho hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải, hàng không ở khu vực.
Mỹ không nên lịch sự tiếp với Trung Quốc
Trung Quốc tiếp tục phủ nhận UNCLOS Liên quan tới vấn đề luật pháp, tại hội nghị, đại diện Trung Quốc một lần nữa lập luận rằng Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS) không đủ để giải quyết các vấn đề phức tạp ở biển Đông hay lập luận kiểu “làm sao luật quy định là đá thì không có người sống được”. Tiến sĩ Jia Bing Bing của ĐH Thanh Hoa cho rằng nhiều thời điểm quan trọng ở biển Đông khó mà xác định được, kể cả ở tòa quốc tế. Theo ông Jia, “luật chưa bao giờ là cách tốt nhất để giải quyết các tình huống phức tạp như biển Đông”. Lý lẽ của phía Trung Quốc là “UNCLOS không có quản lý về các vấn đề lịch sử và không bao gồm hết tất cả các khía cạnh của các vấn đề trên biển nên Trung Quốc không cần phải xuất hiện ở tòa”. Tổng lãnh sự Philippines ở San Francisco Henry Bensurto giải thích rõ thêm vụ kiện của nước ông tập trung “giải quyết mâu thuẫn trên biển chứ không phải là mâu thuẫn lãnh thổ”. Theo ông, vụ kiện của Philippines muốn làm rõ bản chất của đường 9 đoạn, đảm bảo tự do hàng hải, đảm bảo vùng đặc quyền kinh tế EEZ ở biển Đông. “Mãi đến năm 1998, Trung Quốc mới nhắc tới “quyền lịch sử” tại biển Đông”, ông Bensurto nhấn mạnh và khẳng định đường 9 đoạn ở biển Đông vi phạm UNCLOS. Về chuyện liệu Trung Quốc có chịu phán quyết của tòa hay không, ông Bensurto chỉ ra thực tế là các nước lớn thường tuân thủ phán quyết tới 99,5% - điều cho thấy không phải vô vọng trong chuyện ép Trung Quốc tuân thủ tòa án. |
Những thông điệp mạnh mẽ cũng được các học giả và các quan chức đưa ra trong ngày đầu tiên của hội thảo hai ngày về biển Đông ở Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) tổ chức tại Washington hôm 10-7. Tại hội thảo được coi là uy tín bậc nhất về biển Đông này, các học giả cho rằng Trung Quốc đã trở thành mối đe dọa đối với bất ổn ở Đông Nam Á và cần phải chấm dứt các hành vi gây hấn trên biển, nhưng cũng đều thừa nhận khó có khả năng Bắc Kinh chịu xuống thang trên biển trong lúc này.
“Giờ là lúc thay đổi cách đối thoại và không nên quá lịch sự trong đối thoại ngoại giao” - AP trích lời nghị sĩ Mike Rogers, chủ tịch Ủy ban tình báo Hạ viện Mỹ, tuyên bố. Ông Rogers chỉ trích “những gây hấn tham lam, trắng trợn” của Trung Quốc tại biển Đông và kêu gọi Chính phủ Mỹ cần thẳng thắn và mạnh mẽ hơn trong đối phó với Trung Quốc. Ông Rogers cũng kêu gọi Mỹ cần tăng cường chia sẻ thông tin tình báo và hợp tác với các nước để đối phó với Trung Quốc. Ông khẳng định Mỹ không thể để tình hình ở biển Đông xấu thêm và gọi đó là lợi ích an ninh quốc gia của Mỹ.
Đòi chủ quyền 2.000 xác tàu chìm
Nhấn mạnh tình hình phức tạp kể từ khi Trung Quốc kéo giàn khoan Hải Dương 981 vào Hoàng Sa, ông Trần Trường Thủy, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu biển Đông tại Học viện Ngoại giao, coi việc này đánh dấu “mức độ hung hăng mới của Trung Quốc” và Bắc Kinh đang coi biển Đông như là của riêng mình cùng lúc tiếp tục chiến lược “chia cắt và lấn chiếm”. Ông chỉ ra thực tế sự vô lý khi Trung Quốc thậm chí đòi chủ quyền đối với hơn 2.000 xác tàu chìm ở đáy biển Đông và đòi khai thác.
Patrick Cronin, giám đốc cao cấp của chương trình an ninh châu Á - Thái Bình Dương tại Trung tâm An ninh mới (CNAS), cho rằng Washington và đồng minh cần trừng phạt hành vi của Trung Quốc như một biện pháp răn đe. “Chúng ta cần cho lãnh đạo Trung Quốc hiểu rằng các thay đổi đơn phương và sử dụng vũ lực là không thể chấp nhận” - ông nói. Vì lý do này, theo ông, việc củng cố hợp tác với các nước như Nhật, Philippines, Việt Nam, Malaysia... hay duy trì quân sự ở Philippines, Singapore là cần thiết. Theo ông Cronin, cần có biện pháp để đối trọng lại việc Trung Quốc đang dùng sức mạnh kinh tế để gây sức ép với các nước láng giềng và tình hình biển Đông.
Về ảnh hưởng tình hình biển Đông, TS Alan Dupont của ĐH New South Wales (Úc) chỉ ra nguy cơ xung đột biển Đông sẽ mang tính toàn cầu chứ không còn giới hạn ở khu vực nữa. “Trung Quốc đã thành công trong việc đối đầu, chia rẽ ASEAN trong suốt năm năm qua. Giờ tình thế sẽ khó hơn. ASEAN lo lắng hơn bao giờ hết” - ông nhấn mạnh. Đồng quan điểm về chuyện ASEAN bị chia rẽ, GS Carl Thayer của Học viện Quốc phòng Úc chỉ ra thực tế là hải quân ASEAN khó có thể kết hợp vì Trung Quốc có thể coi đây là hành vi gây hấn.
Phillip Saunders của ĐH Quốc phòng Mỹ cho rằng: “Trung Quốc đánh giá cân bằng khu vực đang có lợi cho mình và nghĩ rằng các nước láng giềng sẽ buộc phải nhượng bộ”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận