Lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện Mỹ, ông Chuck Schumer, phát biểu trước trụ sở Quốc hội Mỹ ngày 4-8 - Ảnh: REUTERS
Theo báo New York Times, dự luật cơ sở hạ tầng vừa được thông qua tại Thượng viện dài tới 2.700 trang. Các nghị sĩ của Đảng Dân chủ và Cộng hòa đã tranh cãi quyết liệt về các nội dung trong dự luật trước khi chấm dứt bằng phiên bỏ phiếu ngày 10-8.
Với 69 phiếu thuận và 30 phiếu chống tại Thượng viện, dự luật sẽ được chuyển xuống Hạ viện để tiếp tục bỏ phiếu trước khi đến bàn làm việc của Tổng thống Biden.
Nếu chính thức có hiệu lực, đạo luật này sẽ dành 1.000 tỉ USD cho các dự án xây dựng cầu và đường trên khắp nước Mỹ trong 5 năm tới và các chương trình xã hội mới trong thập kỷ tới.
Chẳng hạn, nhiều khu vực nông thôn của Mỹ sẽ có dịch vụ Internet băng thông rộng, từ đó thúc đẩy nền kinh tế địa phương và đời sống người dân tại đây phát triển. Đạo luật cũng hỗ trợ các gia đình có trẻ nhỏ, người già được hưởng các dịch vụ giáo dục và chăm sóc tốt hơn hiện tại.
Đạo luật sẽ dành hàng trăm tỉ USD để nâng cấp hoặc xây mới các công trình hạ tầng cũ kỹ trên khắp nước Mỹ. Các dự án này sẽ tạo ra công ăn việc làm cho thêm hàng triệu người khác.
Đạo luật cũng tăng tài trợ cho các chương trình tạo ra các tuyến đường an toàn cho người đi bộ, khuyến khích trẻ em đi bộ hoặc xe đạp đến trường.
Một quỹ thí điểm trị giá 350 triệu USD cho các dự án giảm va chạm giữa xe cộ và động vật hoang dã cũng sẽ được rót tiền nếu đạo luật chính thức có hiệu lực, theo New York Times.
Hãng tin Reuters nhận định việc gói ngân sách 1.000 tỉ USD được thông qua là một chiến thắng lớn cho Tổng thống Biden. Nhà lãnh đạo thuộc Đảng Dân chủ đã liên tục thúc đẩy dự luật và cho rằng đây là cách để tái thiết nước Mỹ tốt đẹp hơn sau COVID-19.
Ngay trước thềm bỏ phiếu, một nhóm nghị sĩ Dân chủ đã công bố dự luật phân bổ ngân sách cho an ninh xã hội trị giá 3.500 tỉ USD. Con số này tương đương quy mô của nền kinh tế Đức năm 2020.
Dự luật này sẽ phân bổ số tiền khổng lồ trên trong vòng 10 năm, rót tiền cho các chương trình chăm sóc sức khỏe và giáo dục miễn phí, các sáng kiến cơ sở hạ tầng không nằm trong dự luật 1.000 tỉ USD và các chương trình khác nhằm chống lại tình trạng ấm lên toàn cầu.
Quốc hội Mỹ được dự báo sẽ tiếp tục tranh cãi dữ dội với dự luật 3.500 tỉ USD vừa được công bố. Một số nghị sĩ Cộng hòa đã chỉ trích cả hai dự luật là một sự phí phạm tiền của, lo ngại nợ công của Mỹ sẽ vượt tầm kiểm soát.
Chủ tịch Hạ viện Mỹ, bà Nancy Pelosi, tuyên bố Hạ viện sẽ không hành động nếu Thượng viện không thông qua cả hai dự luật 1.000 tỉ USD và 3.500 tỉ USD, theo Reuters.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận