Ủy ban quân vụ Thượng viện Mỹ tranh luận về đạo luật ủy quyền quốc phòng (NDAA) 2021 - Ảnh: SASC
Ngày 11-12, Thượng viện Mỹ đã thông qua đạo luật ủy quyền quốc phòng (NDAA) - một dự luật ngân sách quốc phòng trị giá 740 tỉ USD dành cho Bộ Quốc phòng Mỹ tài khóa 2021. Trước đó, ông Trump đã dọa sẽ ngăn chặn dự luật này trước khi rời nhiệm sở.
Thượng viện Mỹ, hiện do Đảng Cộng hòa kiểm soát, đã thông qua dự luật với số phiếu thuận - chống là 84 - 13, tức cao hơn mức 2/3 số phiếu thuận cần thiết tại Thượng viện Mỹ để vượt qua được quyền phủ quyết của Tổng thống Trump.
"Đây là tin tuyệt vời dành cho binh sĩ và an ninh của quốc gia chúng ta. Tôi mong đợi nó sẽ thành luật trước cuối năm nay... Đạo luật giúp quốc gia chúng ta an toàn hơn và hỗ trợ những binh sĩ làm nhiệm vụ bảo vệ đất nước" - chủ tịch Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ James Inhofe đánh giá về việc thông qua dự luật trên.
Tổng thống Trump sẽ có 10 ngày (ngoại trừ các chủ nhật) để phủ quyết, ký ban hành hoặc cho phép dự luật trở thành luật mà không cần chữ ký của ông.
Hãng tin AFP đánh giá NDAA sẽ đặt Tổng thống Trump vào thế khó xử trên nhiều mặt trận. Đạo luật yêu cầu Tổng thống Mỹ áp trừng phạt lên Thổ Nhĩ Kỳ trong vòng 30 ngày vì việc Ankara mua hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 của Nga, dù ông Trump đã phản đối các biện pháp trừng phạt như vậy nhắm vào Thổ Nhĩ Kỳ và Tổng thống Recep Tayyip Erdogan của nước này.
"Việc một đồng minh trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) như Thổ Nhĩ Kỳ quyết định mua và thử hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 của Nga là không thể chấp nhận được" - chủ tịch Ủy ban Quan hệ đối ngoại Thượng viện Mỹ Jim Risch bình luận.
Đầu tuần này, Hạ viện Mỹ thông qua NDAA với số phiếu thuận - chống là 335 - 78, cũng nhiều hơn 2/3. Với việc Thượng viện Mỹ mới thông qua, dự luật sẽ được đưa tới bàn làm việc của ông Trump chỉ vài tuần trước khi ông kết thúc nhiệm kỳ 4 năm.
Theo Hãng tin Reuters, những người ủng hộ dự luật hi vọng sự ủng hộ mạnh mẽ từ lưỡng đảng sẽ khiến ông Trump tái xem xét lời đe dọa phủ quyết của ông. Các dự luật NDAA đã trở thành luật trong 59 năm liên tiếp.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận