Bảo vệ gác cổng một trung tâm dạy nghề cho người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương, Trung Quốc - Ảnh: REUTERS
Dự luật Đạo luật ngăn chặn lao động cưỡng bức người Duy Ngô Nhĩ cho rằng hàng hóa được sản xuất ở khu vực Tân Cương được làm bởi lao động cưỡng bức, và do đó bị cấm theo Đạo luật thuế quan 1930, trừ khi có chứng nhận khác của cơ quan chức năng Mỹ.
Quy định hiện hành ở Mỹ cấm nhập khẩu hàng hóa nếu được chứng minh là do lao động cưỡng bức sản xuất.
Theo Hãng tin Reuters, đây là nỗ lực mới nhất của Mỹ nhằm trừng phạt Trung Quốc vì những gì Washington coi là một cuộc diệt chủng đang diễn ra ở Tân Cương.
Dự luật này còn phải được Hạ viện thông qua trước khi trình lên Nhà Trắng để Tổng thống Mỹ Joe Biden ký thành luật.
Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa Marco Rubio, người đề xuất dự luật này cùng thượng nghị sĩ Đảng Dân chủ Jeff Merkley, kêu gọi Hạ viện Mỹ hành động nhanh chóng.
"Chúng ta sẽ không nhắm mắt làm ngơ trước những tội ác chống lại loài người, và chúng ta sẽ không cho phép các công ty được tự do kiếm lợi từ những vụ lạm dụng kinh khủng đó" - ông Rubio nói.
Các thành viên Đảng Cộng hòa và Dân chủ cho biết họ mong đợi Hạ viện Mỹ sẽ ủng hộ mạnh mẽ dự luật nói trên, lưu ý rằng Hạ viện Mỹ từng thông qua một biện pháp gần như tương tự, với sự nhất trí cao, hồi năm ngoái.
Theo Reuters, dự luật Đạo luật ngăn chặn lao động cưỡng bức người Duy Ngô Nhĩ sẽ vượt xa các biện pháp đã được Chính phủ Mỹ thực hiện trước đây, trong đó có lệnh cấm nhập khẩu cà chua, bông vải và các sản phẩm năng lượng mặt trời từ Tân Cương.
Chính quyền ông Biden đã tăng cường các biện pháp trừng phạt Trung Quốc về vấn đề Tân Cương. Tuần trước, Mỹ đã đưa 14 công ty Trung Quốc vào danh sách trừng phạt kinh tế liên quan đến vấn đề này.
Trung Quốc đã bác bỏ việc bắt nhốt người Duy Ngô Nhĩ và các nhóm dân tộc thiểu số khác trong các trại cải tạo, nói rằng đó là các cơ sở dạy nghề. Đồng thời bác bỏ các cáo buộc diệt chủng và cưỡng bức lao động người Duy Ngô Nhĩ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận