28/09/2021 09:02 GMT+7

Thượng viện chặn dự luật giải cứu Chính phủ Mỹ khỏi bị đóng cửa

BÌNH AN
BÌNH AN

TTO - Ngày 27-9, giờ địa phương, Thượng viện Mỹ bỏ phiếu cho dự luật phân bổ ngân sách giúp Chính phủ Mỹ không bị đóng cửa và nâng mức trần nợ. Tuy nhiên, các thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa đã chặn dự luật này.

Thượng viện chặn dự luật giải cứu Chính phủ Mỹ khỏi bị đóng cửa - Ảnh 1.

Chính phủ Mỹ đang đứng trước nguy cơ đóng cửa sau ngày 30-9 - Ảnh minh họa: AXIOS

Dự luật trên vốn được phía Đảng Dân chủ kỳ vọng sẽ giúp ngăn chính phủ đóng cửa, song các thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa phản đối vì dự luật này có chứa nội dung về nâng trần nợ.

Trước đó, hôm 21-9, Hạ viện Mỹ đã bỏ phiếu thông qua dự luật dài 93 trang cho phép duy trì các mức ngân sách liên bang đến ngày 3-12-2021, và đình chỉ áp đặt mức trần nợ công của Mỹ đến ngày 16-12-2022. 

Dự luật này - do các dân biểu của Đảng Dân chủ ở Hạ viện đệ trình - được kỳ vọng giúp giải quyết 2 cuộc khủng hoảng: đóng cửa chính phủ và vỡ nợ quốc gia, điều mà các quan chức chính quyền ông Biden cảnh báo sẽ gây ra hậu quả kinh tế thảm khốc.

Tuy nhiên, các thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa tuyên bố bỏ phiếu chống lại bất kỳ nỗ lực nào nhằm nâng mức trần nợ. Dự luật cần 60 phiếu ủng hộ để thông qua, tức cần phải có ít nhất 10 thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa ủng hộ.

Ngày 27-9, chỉ có 48 phiếu ủng hộ (và 50 phiếu chống), không đủ để thông qua dự luật tại Thượng viện. Lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện Mỹ, ông Chuck Schumer (Đảng Dân chủ), đã thay đổi lá phiếu của mình từ "Có" thành "Không" - một động thái mang tính thủ tục để có thể trình dự luật một lần nữa.

Trước khi cuộc bỏ phiếu trên diễn ra, trang Axios cho biết nếu dự luật không được thông qua, Đảng Dân chủ sẽ thực hiện kế hoạch B là xóa bỏ phần nội dung nâng mức trần nợ khỏi dự luật. Họ sẽ đưa dự luật sửa đổi trở lại Hạ viện bỏ phiếu và sau đó trình lên Thượng viện.

Do đó, giờ đây có thể phía Đảng Dân chủ sẽ chuyển sang kế hoạch B. Nếu tiếp tục không thông qua được dự luật chi tiêu, điều đó sẽ đặt Chính phủ Mỹ vào con đường đóng cửa trong tuần này.

Nếu Chính phủ Mỹ đóng cửa, chuyện gì xảy ra?

Chính phủ Mỹ dưới thời tổng thống Donald Trump từng phải đóng cửa 35 ngày cho tới cuối tháng 1-2019 - lần đóng cửa lâu nhất trong lịch sử Mỹ. Lần này, dưới thời Tổng thống Joe Biden, Chính phủ Mỹ đang có nguy cơ đóng cửa lần đầu tiên kể từ đại dịch COVID-19.

Hôm 23-9, Nhà Trắng đã yêu cầu các cơ quan liên bang Mỹ bắt đầu chuẩn bị cho khả năng đóng cửa như trên vì ngân sách hiện tại sẽ cạn kiệt vào ngày 30-9. Các quan chức trong chính quyền ông Biden nhấn mạnh việc yêu cầu chuẩn bị như vậy phù hợp với các thủ tục truyền thống, được đưa ra 7 ngày trước khi hết ngân sách.

Tình huống đóng cửa chính phủ xảy ra khi Quốc hội Mỹ không thông qua được các dự luật chi tiêu hằng năm đúng hạn và các cơ quan chính phủ hết tiền để trả lương cho nhân viên, cũng như thực hiện nghĩa vụ đối với người dân Mỹ.

Với Chính phủ Mỹ, năm tài khóa hiện tại kết thúc vào ngày 30-9. Điều đó có nghĩa Quốc hội Mỹ cần phê duyệt khoản ngân sách mới vào thời điểm đó, nếu không chính phủ sẽ đóng cửa.

Việc trễ hạn chót không khiến toàn bộ hoạt động của chính phủ dừng ngay lập tức, nhưng sẽ khiến hàng trăm ngàn nhân viên liên bang phải về nhà và không được trả lương. Trong khi đó, nhiều nhân viên chính phủ trong diện "cần thiết" sẽ tiếp tục làm việc. Họ sẽ không được trả lương cho đến khi Quốc hội Mỹ thông qua khoản ngân sách mới.

Mỹ chuẩn bị cho khả năng đóng cửa chính phủ Mỹ chuẩn bị cho khả năng đóng cửa chính phủ

TTO - Nhà Trắng đã bắt đầu thông báo tới các cơ quan liên bang chuẩn bị cho khả năng Chính phủ Mỹ sẽ đóng cửa nếu dự luật "giải pháp duy trì" không qua được cửa Thượng viện Mỹ trước ngày 30-9.

BÌNH AN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp