Kế hoạch thực hiện Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn 2050 (Quy hoạch điện 8) mặc dù đã được xây dựng trong suốt gần một năm nay nhưng vẫn chậm ban hành khi có nhiều lần lấy ý kiến.
Tại kết luận cuộc họp Thường trực Chính phủ vừa được ban hành đã chỉ ra 17 địa phương vẫn còn phối hợp chưa chặt chẽ và hiệu quả với Bộ Công Thương trong việc xác định danh mục các dự án năng lượng tái tạo theo đúng tiêu chí, hướng dẫn.
Các địa phương phải rút kinh nghiệm vì chưa báo cáo
Vì vậy, Thường trực Chính phủ phê bình 17 tỉnh theo báo cáo đã chưa thực hiện nghiêm các quy định về quy hoạch. Các địa phương này cần rút kinh nghiệm và được yêu cầu khẩn trương phối hợp với Bộ Công Thương để hoàn thành xong trước ngày 30-4.
Tuy vậy Thường trực Chính phủ thống nhất chủ trương ban hành kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện 8 theo đề nghị của Bộ Công Thương, đảm bảo đúng quy định pháp luật. Trong đó lưu ý là không đưa vào kế hoạch các nội dung không có cơ sở pháp lý như vấn đề dự án dự phòng, điều hành linh hoạt.
Đồng thời nghiên cứu bổ sung thêm các nội dung để triển khai thực hiện. Trong đó, đối với việc phát triển điện gió ngoài khơi phục vụ xuất khẩu sản xuất hydrogen, amoniac xanh, bảo đảm phù hợp với định hướng trong Quy hoạch điện 8.
Trường hợp kết nối lưới phục vụ mua bán điện trực tiếp, tiêu dùng thì cần bảo đảm đồng bộ truyền tải và điện chạy nền.
Bổ sung trong kế hoạch việc giao PVN triển khai thí điểm dự án điện gió ngoài khơi; nghiên cứu phát triển điện mặt trời tập trung tại các hồ chứa thủy điện; mở rộng các nhà máy thủy điện hiện hữu, thủy điện trên các hồ chứa thủy lợi, điện mặt trời áp mái.
Thêm nữa, Thường trực Chính phủ cũng đề nghị cần có dự báo nhu cầu điện của các vùng có phụ tải cao, có nguy cơ thiếu điện khu vực miền Bắc để đưa ra cơ chế, chính sách, giải pháp. Có các dự án cụ thể để phát triển đồng bộ kịp thời, không được để xảy ra thiếu điện trong mọi tình huống.
Theo đó, bộ trưởng Bộ Công Thương được giao hoàn thiện dự thảo kế hoạch, tổ chức thực hiện quy hoạch và kế hoạch. Với lưu ý là cần chủ động làm tốt truyền thông, làm rõ với các địa phương về lý do chưa có danh mục các dự án năng lượng tái tạo được phê duyệt lần này.
Hoàn thiện danh mục dự án còn thiếu gồm 7.772MW điện gió trên bờ, 6.000MW điện gió ngoài khơi, 1.405MW thủy điện nhỏ, 467MW điện sinh khối, 750MW điện từ rác thải, 1.500MW điện mặt trời tập trung…
Giảm số dự án địa phương đề xuất do không đáp ứng tiêu chí
Trong số 46 địa phương gửi báo cáo xây dựng danh mục dự án năng lượng tái tạo tới Bộ Công Thương, có 22/46 địa phương đề xuất các dự án điện gió trên bờ; 11 địa phương đề xuất dự án điện sinh khối; 16 địa phương đề xuất dự án điện rác và 23 địa phương đề xuất dự án thủy điện nhỏ; 2 dự án thủy điện tích năng…
Đáng chú ý, tổng công suất các nguồn điện do Bộ Công Thương đề xuất, phê duyệt lần này thấp hơn so với đề xuất của địa phương do nhiều dự án thiếu thông tin theo các tiêu chí được đưa ra, hoặc còn vướng mắc pháp lý, thông tin chung chung không phù hợp…
Đơn cử, số dự án mà Bộ Công Thương đề xuất Chính phủ phê duyệt so với địa phương đề xuất đối với điện sinh khối là 299/309MW; với điện rác là 361,7/399MW; thủy điện nhỏ là 2.959/3599MW...
Trên cơ sở ý kiến chỉ đạo của Chính phủ, mới đây nhất, ngày 29-3 Bộ Công Thương đã có tờ trình đề nghị ban hành kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện 8. Theo đó, bộ này kiến nghị Thủ tướng phê duyệt kế hoạch thực hiện quy hoạch với danh mục các dự án nguồn và lưới điện quan trọng, ưu tiên đầu tư, danh mục dự án năng lượng tái tạo của 46 địa phương.
Đối với các dự án nguồn năng lượng tái tạo của các địa phương khác, Bộ Công Thương tiếp tục hoàn thiện trình Thủ tướng sau 10 ngày kể từ khi kế hoạch được ban hành để làm cơ sở Thủ tướng phê duyệt với các địa phương còn lại. Như vậy, đề xuất này của Bộ Công Thương rút ngắn 20 ngày so với yêu cầu của Thường trực Chính phủ đưa ra trước đó.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận