Giáo sư Ngô Vĩnh Long (1944 - 2022) - Ảnh: Facebook Ngô Vĩnh Long
Tin giáo sư Ngô Vĩnh Long qua đời ở Mỹ vào ngày 12-10 vì bạo bệnh đến với thân hữu và học trò của ông vào tối qua, thật bàng hoàng.
Mấy hôm trước qua email gởi cho nhóm trí thức bạn bè, giáo sư Long báo sức khỏe ông kém đi làm mọi người rất lo lắng. Bạn bè động viên ông, khuyên ông giảm bớt công việc. Vậy mà, tin buồn đã đến quá nhanh.
Người bạn thân thiết của ông - tiến sĩ Vũ Quang Việt (New York) - đau xót nói với thân hữu: Xin báo anh Long vừa mới mất đêm qua. Như vậy, tôi đoán là anh đi rất nhẹ nhàng, vì sáng tôi còn nói chuyện với anh và thấy giọng còn mạnh mẽ.
Giáo sư Trần Văn Thọ (Tokyo) chia sẻ qua email: Sáng nay nghe anh nói bệnh tình đã trầm trọng, không cứu được nữa, ai cũng mong bác sĩ chẩn đoán sai. Nhưng cuối cùng chúng ta đã mất anh. Thương tiếc vô cùng!
Bà Phạm Chi Lan (Hà Nội) nhận xét: Vậy là anh ấy đã làm việc đến những ngày cuối cùng, dù đang rất mệt, và đã ra đi rất nhanh, quá nhanh, quá đột ngột! Anh Long ơi, cầu mong anh yên nghỉ nơi Vĩnh hằng. Thương tiếc anh lắm lắm.
Giáo sư Cao Huy Thuần (Paris) hồi tưởng: Ai đã một lần gặp anh Ngô Vĩnh Long không quên được phong thái hòa nhã, hiền hậu và những câu nói cùng nụ cười hóm hỉnh, ý nhị của anh.
Giáo sư Ngô Vĩnh Long (hàng ngồi, thứ ba từ trái sang) chụp hình kỷ niệm với một số đại biểu tại Hội thảo về Biển Đông, tháng 5-2016 - Ảnh: PHÚC TIẾN
Qua những lần gặp giáo sư, tôi được biết bản thân ông là người Sài Gòn, lớn lên ở khu Bàn Cờ từ những năm 1950. Ngay gia đình ông cũng là một điển hình dòng máu pha trộn ba miền phản ánh nhiều đặc điểm lịch sử truân chuyên của đất nước.
Ảnh từ sách Sài Gòn không phải ngày hôm qua của tác giả Phúc Tiến
Cha ông là người Bắc Ninh, mẹ ông là người Huế, gia đình vào Nam sinh sống từ sớm. Bốn anh em ông sống trong xóm nghèo, nhà tranh vách đất, đều cố gắng học hành.
Theo một cuộc phỏng vấn của báo Lao Động vào năm 2022, giáo sư Ngô Vĩnh Long thổ lộ từ nhỏ ông đã học giỏi tiếng Anh, đi phụ việc cho người Mỹ làm bản đồ khắp miền Nam và một phần Campuchia, Lào vào những năm 1959 - 1963.
Sau khi đỗ tú tài xuất sắc, năm 1964, ông giành được học bổng đi học tại Đại học Harvard và mặc dù tham gia phong trào sinh viên chống độc tài Nguyễn Khánh nhưng ông đã được những người Mỹ quen biết trợ giúp để được phép xuất cảnh đi học.
Song ngay khi đặt chân lên đất Mỹ, ông vừa học, vừa tham gia phong trào chống chiến tranh. Tiến sĩ Vũ Quang Việt - du học sinh ở Mỹ từ năm 1968 và cùng tham gia phong trào với ông - cho biết:
Dù yêu thích nghiên cứu, nhưng anh Long vẫn không quên bổn phận đối với Tổ quốc! Đó là làm sao chấm dứt chiến tranh, mang lại hòa bình và hòa giải giữa người Việt Nam. Tờ báo mang tên "Thời báo Gà" ở Harvard ra đời sau những năm 1968 là nhằm vận động anh chị em sinh viên Việt Nam tham gia phong trào ngăn chặn chiến tranh, với châm ngôn rất rõ "gà cùng một mẹ chớ hoài đá nhau".
Ông Việt nói giáo sư Long là một trong số rất ít người có sách xuất bản ngay từ thời còn là sinh viên, chỉ bốn năm sau khi tới Mỹ. Đó là cuốn Before the Revolution: The Vietnamese Peasants under the French (Trước Cách mạng: Người nông dân Việt Nam trong chế độ Pháp thuộc) do Đại học MIT xuất bản năm 1968.
Năm 1978, giáo sư Ngô Vĩnh Long hoàn thành luận án tiến sĩ chuyên ngành Lịch sử Đông Á và các ngôn ngữ vùng Viễn Đông. Ông tham gia nghiên cứu và giảng dạy về Đông Á và Việt Nam, là một chuyên gia uy tín trên nhiều giảng đường và diễn đàn khoa học và quốc tế.
Sau chiến tranh, ông về Việt Nam nhiều lần, thực hiện nhiều chuyến điền dã và đóng góp nhiều ý kiến cho đất nước. Ông còn tham gia giảng dạy tại Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Kinh tế quốc dân Hà Nội.
Từ năm 1985, ông là giáo sư giảng dạy tại khoa lịch sử Trường đại học Maine (tiểu bang Maine, Mỹ).
Trong 20 năm trở lại đây, giáo sư Ngô Vĩnh Long cùng các thân hữu là trí thức ở nhiều nước tham gia sáng lập các cuộc "Hội thảo hè" làm tại Việt Nam và nước ngoài để tạo thêm cơ hội cho trí thức trong và ngoài nước trao đổi cởi mở về các vấn đề kiến thiết đất nước với tinh thần xây dựng và "gà cùng một mẹ chớ hoài đá nhau".
Qua Facebook, ông chia sẻ nhiều bài viết, tâm sự nặng tình quê hương, những bức ảnh chụp rất đẹp về thiên nhiên và con người cho thấy không chỉ tài năng nghệ thuật mà hơn cả là tấm lòng nhân văn của tác giả.
GS Ngô Vĩnh Long (thứ ba từ trái sang) tại Hội thảo về Biển Đông ở Đại học Yale, tháng 5-2016 - Ảnh: P.T.
Lần cuối, tôi được hân hạnh gặp giáo sư Ngô Vĩnh Long tại một cuộc Hội thảo về Biển Đông ở Đại học Yale (Mỹ) năm 2016. Giáo sư Long cùng với nhiều trí thức ở hải ngoại đã kiên trì tham gia tìm kiếm nhiều tư liệu lịch sử quý báu và lên tiếng bảo vệ chủ quyền biển đảo của Việt Nam trên các diễn đàn quốc tế.
Tôi rất tâm đắc lời ông chia sẻ trong cuộc phỏng vấn với báo chí: Người thầy không có tiền bạc, nhưng có cái lớn hơn là bỏ cả cuộc đời mình để đầu tư cho thế hệ tương lai của một dân tộc, một đất nước, thậm chí là cả thế giới. Đó là niềm vinh quang và hạnh phúc của người thầy mà không phải nghề nào cũng có được. Giáo dục không chỉ đào tạo những người lao động mà còn đào tạo công dân và những con người có trách nhiệm cao với dân tộc, quốc gia và cả thế giới.
Chia tay giáo sư Ngô Vĩnh Long, tôi còn món nợ lớn chưa kịp hỏi ông nhiều về chuyện lịch sử Sài Gòn, trong đó có xóm Bàn Cờ mà nhiều người là "đồng hương" với ông...
Giáo sư Ngô Vĩnh Long sinh ngày 10-4-1944 tại tỉnh Vĩnh Long. Theo thông tin từ bà Ngô Thị Tường Vân - em gái của giáo sư, ông qua đời sáng ngày 12-10 (giờ New York) tại Bangor, Maine, Mỹ.
Hôm 1-10 vừa rồi, giáo sư Ngô Vĩnh Long còn viết trên Facebook "trấn an bà con" trên mạng: "Xin báo cáo với bà con, bạn bè, là tại sao lâu rồi mà tôi không vào Facebook. Tôi không muốn bà con lo giùm, nhưng nghĩ lại không biết lý do lại càng lo".
Giáo sư cho biết từ đầu tháng 9 mắt trái của ông tự nhiên không thấy được, tuy mệt và ho nhiều, ông vẫn cố gắng đi dạy và hướng dẫn sinh viên cao học. Và mặc dù bệnh, ông chỉ than vãn: Cái khổ là mùa thu này lá cây sẽ rất rực rỡ, nhưng tôi không biết tôi có thể đi chụp ảnh hay không...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận