Đại biểu tham dự hội thảo ngày 27-12. Một câu hỏi được đặt ra tại hội thảo: Một cử nhân mới ra trường có lương gần 2,8 triệu đồng/tháng, làm sao ngành giáo dục thu hút được người tài? - Ảnh: M.G.
Nơi thưởng tết nhiều lên đến con số hàng chục, hàng trăm triệu đồng, nơi ít cũng ngót nghét một, hai tháng lương. Nhìn sang tỉnh bạn, đồng nghiệp chúng tôi cũng hân hoan với nhiều mức thưởng đáng mơ ước.
Riêng phần mình, chúng tôi đành ngậm ngùi bằng lòng với vài trăm nghìn đồng. Một người bạn của tôi ngồi nhẩm tính số tiền thưởng tết từ sự hỗ trợ của nhà trường, công đoàn cộng lại tất thảy cũng được... nửa triệu.
Chúng tôi tự an ủi nhau "có còn hơn không", tự động viên nhau "khéo ăn thì no, khéo co thì ấm" và tự bằng lòng với chính mình bởi còn biết bao nhiêu nhà giáo công tác ở những vùng sâu, vùng xa cuối năm thưởng tết là "con số 0" tròn trĩnh.
Nhà giáo suốt một đời sống thanh đạm với mức lương khiêm tốn, dè sẻn lắm mới đủ chi tiêu tiền ăn, tiền học, tiền ơn nghĩa... Nhà giáo vẫn luôn "lụy" ngân hàng mỗi dịp ốm đau, sửa nhà, mua xe rồi thắt lưng buột bụng chi trả dần hằng tháng.
Bốn, năm trăm nghìn giữa lúc vật giá leo thang này sắm sửa thế nào cho đủ đầy, vuông tròn? Tết nhất cũng phải bày biện nhà cửa, lo mâm cúng gia tiên, sắm cho con cái manh áo mới... Bao cái lo đều chờ đợi dịp cuối năm để có thể nhận thêm được ít nhiều sự hỗ trợ, chăm lo từ các đoàn thể. Vậy nhưng cảnh thiếu trước hụt sau năm nào cũng diễn ra, lặp lại, kéo dài.
Lời tôn vinh nhà giáo vẫn vang lên sang sảng, lời hứa chăm lo đời sống giáo viên vẫn được hẹn nhiều. Nhưng cuộc sống của nhà giáo hiện nay vẫn còn nhiều thiếu thốn, nhọc nhằn, vất vả, lo toan.
Đã khoác chiếc áo thanh cao của nghiệp "trồng người", người thầy đôi lúc bị mặc định không được ta thán về lương thưởng, nói cách khác người thầy không được bàn về chữ "tiền". Nhưng "Có thực mới vực được đạo", sẽ là niềm động lực lớn để người thầy tiếp tục cống hiến khi có thêm khoản thu nhập chu toàn cuộc sống dịp cuối năm!
Năm hết tết đến, bên cạnh niềm vui chung khi đất trời vào xuân, chúng tôi còn có nỗi niềm riêng: mong mỏi đời sống người giáo viên trong tương lai được chăm lo tốt hơn, đủ đầy hơn...
Lương giáo viên 2,8 triệu đồng/tháng sao thu hút người tài?
Ngày 27-12, khoa Hàn Quốc học, khoa quan hệ quốc tế và Trung tâm Hàn Quốc học thuộc Trường ĐH khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM) tổ chức hội thảo Hợp tác chiến lược Việt Nam - Hàn Quốc 2009-2019. Chia sẻ tại hội thảo, nhiều đại biểu cho rằng Hàn Quốc có sự phát triển nhanh chóng về kinh tế, khoa học, công nghệ thời gian qua có phần đóng góp không nhỏ từ chính sách đầu tư giáo dục của nước này.
Ông Lê Tùng Lâm, Trường ĐH Sài Gòn, đề xuất Việt Nam có thể học tập theo mô hình của Hàn Quốc để phát triển giáo dục. Ngoài các vấn đề triết lý, đổi mới tư duy quản lý, ông Lâm cho rằng hai vấn đề quan trọng khác cũng cần thay đổi là việc cử học sinh du học, chính sách trọng dụng nhân tài và đào tạo đủ năng lực vận dụng và tay nghề.
Theo ông Lâm, chính sách thu hút nhân tài phải được chú trọng hơn. Không ít du học sinh với bằng tiến sĩ, thạc sĩ trở về nhưng không có vị trí làm việc với mức lương tương xứng. Ông Lâm đặt vấn đề: một tiến sĩ ở Pháp về công tác tại trường ĐH với mức lương khoảng 4 triệu đồng/tháng, họ sống bằng gì? Một cử nhân mới ra trường có lương gần 2,8 triệu đồng/tháng, làm sao ngành giáo dục thu hút được người tài? (M.G.)
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận