17/01/2015 10:39 GMT+7

​Thương những đứa trẻ khó khăn, thiệt thòi

M.LĂNG - M.HOA - V.THỦY
M.LĂNG - M.HOA - V.THỦY

TT - Những câu chuyện về trẻ thơ vùng cao co ro, tím tái trong cái lạnh, trong mưa phùn làm tim bạn đọc thắt lại...

BS.CK 1 Trần Thị Minh Nguyệt, phó chủ tịch HĐQT Công ty thực phẩm dinh dưỡng Nutifood, trao bảng ủng hộ 1.200 hộp sữa (trị giá 597,6 triệu đồng) hưởng ứng chương trình “Tết cho học sinh biên cương” - Ảnh: Linh Nghi

Những ngày Sài Gòn trở lạnh, người dân ở vùng đất phương Nam nắng ấm lại càng thương hơn hình ảnh những em bé đầu trần, quần áo mong manh chịu đựng cái giá lạnh khắc nghiệt của mùa đông ở những vùng cao biên cương.

Ghé tòa soạn báo Tuổi Trẻ trên đường từ trường về phòng trọ, Thiên Mẫn (22 tuổi), sinh viên năm 4 Đại học Công nghệ TP.HCM, góp 500.000 đồng gửi gắm “để mua áo ấm cho các em học sinh miền núi”. Đó là món tiền nhỏ Mẫn dành dụm từ tiền làm thêm vào mỗi buổi tối từ 8g tới tận 11g đêm với công việc thu ngân ở quán cà phê.

Mẫn kể dưới quê Trà Vinh, má cô cũng là hội trưởng một nhóm từ thiện xây lắp cầu đường, cất nhà tình thương, mua gạo cho người nghèo và Mẫn cũng thường gửi tiền làm thêm về cho má. “Tụi nhỏ ở xa quá, má làm không tới. Em nhìn tụi nhỏ chịu lạnh thương lắm nên tháng này góp tiền mua áo ấm cho tụi nhỏ” - Mẫn xúc động.

Rồi cô lui cui lấy thêm 600.000 đồng, nói: “Đây là của mấy đứa bạn em ở trường. Trưa nay, bạn em rủ đi ăn hàng nhưng em ngăn nói ăn rồi cũng hết, nên góp mua áo ấm cho các em nhỏ vùng cao, các bạn đồng ý ngay” - Mẫn kể nghe ấm áp.

Thêm những phong bì lì xì

Trưa 16-1, một phụ nữ hối hả bước vào phòng tiếp bạn đọc của báo Tuổi Trẻ, trên tay là một bọc đầy bao lì xì. Chị rụt rè nói muốn gửi cho các bé trong chương trình “Tết cho học sinh biên cương”. Mỗi phong bao lì xì đã được chị bỏ vào một tờ 10.000 đồng mới cứng mà chị đã đổi, để dành từ lâu. Tổng cộng có 140 bao lì xì, chị còn gửi thêm 1 triệu đồng cho chương trình.

“Đọc Tuổi Trẻ thấy có người gửi bao lì xì cho tụi nhỏ, mình cũng bắt chước làm theo. Tối qua cặm cụi ngồi bỏ vô từng bao. Con mình mới 5 tuổi, cũng nhào vô đòi phụ mẹ” - chị kể.

Nhìn trán chị còn lấm tấm mồ hôi và gương mặt vẫn đỏ ửng vì nắng, tôi hỏi chị sao không để chiều rảnh rồi đi, trưa nắng nôi thế này, chị cười: “Chiều về còn con cái nữa, với lại kẹt xe lắm sợ qua không kịp. Trưa nay vắng khách, mình xin chủ cho tranh thủ chạy lên”.

Chồng chị là thợ mộc, còn chị là nhân viên của một cửa hàng nội thất ở phường Linh Tây (Q.Thủ Đức, TP.HCM). Quê chị ở Vĩnh Long, lên Sài Gòn mưu sinh đã 7-8 năm nay nhưng vẫn không dám ra nhà thuê mà ở nhờ người quen để tiết kiệm. Vậy mà khi đọc Tuổi Trẻ biết được chương trình “Tết cho học sinh biên cương”, chị chẳng phút chần chừ, so đo, đã vụt lên ngay ý nghĩ “mình cũng góp chút chút cho tụi nhỏ”. Hỏi tên, chị lắc đầu, ngượng ngùng bảo ngại lắm, đừng đưa tên lên báo.

Không hề biết Tuổi Trẻ phát động chương trình “Tết cho học sinh biên cương”, chị Diệu Linh (quận 3) đã đến tòa soạn báo Tuổi Trẻ gợi ý làm chương trình tặng áo ấm cho các em nhỏ ở những miền núi lạnh lẽo trong mùa này. Vậy nên khi biết Tuổi Trẻ đang có chương trình đúng mong muốn của mình, chị Linh vui lắm và đã góp luôn 700.000 đồng. 

Món quà của bà giáo

Bà từng là một cô giáo, năm nay đã 89 tuổi, đang sống trong căn nhà cũ trên đường Nguyễn Văn Đậu (Q.Bình Thạnh, TP.HCM). Bà bị té hồi tháng 9-2014, đến giờ vẫn ngồi xe lăn. Bàn chân phải đã teo nhỏ, lạnh buốt. Thế nên bà phải nhờ người cháu mang giúp 900.000 đồng lên báo Tuổi Trẻ gửi cho chương trình “Tết cho học sinh biên cương”.

Bà kể  . Xem đến bài những đứa trẻ vùng biên giới Kon Tum trong cái rét cắt da cắt thịt vẫn phải đi cạo mủ cao su, đi gọt củ mì thuê kiếm sống, bà khẽ run lên, đặt tờ báo xuống, thở dài: “Đến tận bây giờ vẫn còn những em học trò khổ như vậy. Vùng núi xa xôi khó khăn nên các em thiệt thòi quá”.

Và rồi ký ức của bà về những đứa trẻ cách đây hàng chục năm cứ thế ùa về.

Hồi đó, khoảng những năm 1965-1975, bà cùng một người bạn mở trường tiểu học tư thục. Có những em gia cảnh thiếu thốn, chỉ vì thích được đi học nên ba mẹ phải ráng gửi con vào. Bà nhận cưu mang một số em, nuôi cho ăn học đến khi thi được vào trung học. Nay tuổi đã nhiều, tình thương yêu của bà dành cho những đứa trẻ vẫn còn vẹn nguyên như ngày nào.

Bà dặn nếu Tuổi Trẻ có lên thăm mấy đứa nhỏ này, nhớ nhắn giùm bà: “Các con đừng nghỉ học, ráng đi học thì sau này mới bớt khổ”. Bà còn nhờ Tuổi Trẻ nhắn giùm với các thầy cô đang bám trường, bám bản ở những vùng biên giới: dù là nghề nào cũng cần có sự hi sinh, các thầy cô đã trót mang trong mình cái nghiệp nhà giáo rồi, ráng thương mấy đứa nhỏ, đừng để chúng nó bỏ học giữa chừng, tội lắm.

Chương trình “Tết cho học sinh biên cương” cũng nhận được sự quan tâm đặc biệt của nhiều doanh nghiệp. Ngay từ rất sớm, Công ty sản xuất cân Nhơn Hòa đã gửi báo Tuổi Trẻ 50 triệu đồng. Còn Công ty Nutifood gửi tặng chương trình 1.200 hộp sữa Dr.Luxia, trị giá 597.600.000 đồng.

Bà Trần Thị Minh Nguyệt (phó chủ tịch hội đồng quản trị Công ty Nutifood) cho biết: “Đây là loại sữa dinh dưỡng đặc chế cho trẻ. Nutifood đã đồng hành cùng Tuổi Trẻ trong nhiều năm. Tôi là bác sĩ chuyên về tư vấn dinh dưỡng. Trong những lần tôi đến những tỉnh xa thấy học sinh mầm non một ngày chỉ có 2.000 đồng tiền ăn. Cơm chúng còn chưa ăn đủ, tiền đâu mua sữa. Những hình ảnh đó xót xa lắm. Nên khi Tuổi Trẻ phát động chương trình này, không chỉ bản thân tôi mà cả công ty cũng cảm thấy như đã chạm đến mong mỏi của mình, là muốn có cầu nối để sẻ chia cho những đứa trẻ vùng sâu vùng xa”.

Bạn đọc đã ủng hộ hơn 1,2 tỉ đồng

Sau gần một tuần phát động, chương trình “Tết cho học sinh biên cương” đã tiếp nhận hơn 500 triệu đồng tiền mặt và quà là sữa, áo ấm, giày dép trẻ em trị giá hơn 750 triệu đồng của bạn đọc báo Tuổi Trẻ ủng hộ.

Chương trình dự kiến tổ chức trao 5.000 phần quà đến học sinh (400.000 đồng/phần) và 500 phần (500.000 đồng/phần) đến giáo viên có hoàn cảnh khó khăn thuộc bảy tỉnh biên giới Kiên Giang, Bình Phước, Kon Tum, Quảng Bình, Quảng Trị, Lai Châu và Lào Cai từ ngày 29-1 đến 10-2-2015.

Mọi đóng góp gửi về phòng tiếp bạn đọc báo Tuổi Trẻ, 60A Hoàng Văn Thụ, P.9, Q.Phú Nhuận, TP.HCM, văn phòng đại diện Tuổi Trẻ tại các tỉnh, thành. Hoặc tài khoản báo Tuổi Trẻ số 102010000118248 Ngân hàng Công thương chi nhánh 3 TP.HCM; ủng hộ trực tiếp trên mạng qua mục: http://pay.tuoitre.vn/cong-tac-xa-hoi. Điện thoại liên hệ 0913.804.883.

T.O.

 

M.LĂNG - M.HOA - V.THỦY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp