08/11/2019 10:31 GMT+7

Thương nhớ những mùa cá linh - Kỳ 2: 'Mùa hội' cá linh

QUỐC VIỆT - TIẾN TRÌNH
QUỐC VIỆT - TIẾN TRÌNH

TTO - Tháng 10 âm lịch, khi cơn gió bấc chơm chớm nặng ngọn, nước thượng đồng dập dờn vẫy cá, cây điên điển cong cành trổ bông... thì dưới sông lại bắt đầu thời khắc được dân châu thổ phương Nam trông đợi nhất trong năm - mùa cá linh ra.

Thương nhớ những mùa cá linh - Kỳ 2: Mùa hội cá linh - Ảnh 1.

Cá linh từng nhiều đến mức phải đổ bỏ - Ảnh: LÊ HOÀNG VŨ

Sau chiến tranh biên giới 1978, từ vùng biên VN qua Campuchia, thấy toàn cá là cá. Chúng tôi giúp nước bạn hồi sinh bằng cách mua cá linh của họ để chở sà lan về VN làm mắm. Đến chiều, các sà lan mấy trăm tấn đầy nhóc cá rồi mà họ cứ đòi đổ cá thêm. Tôi sợ sà lan chìm, phải cắt dây neo, chạy lánh ra sông.

Ông Nguyễn Văn Triệu (phó Ban liên lạc cựu chuyên gia giúp Campuchia)

Mùa cá linh ra

Hớp ngụm trà đậm đặc, lão ngư Tư Tửng (An Phú, An Giang) nhìn con nước đang vật vờ phía nắng lên, nói như độc thoại: "Tháng 10 rồi mà gió bấc cũng chẳng ra bấc, nước xuống cũng chẳng ra nước xuống, điệu này không chừng khó kiếm con cá để sắp nhỏ ăn chứ bán buôn gì...".

Bao bận rồi, mỗi mùa ông Tư Tửng lại thầm tiếc cảnh xôm tụ những mùa hội cá linh tháng 10 đã thành một thời xa vắng. Mặc dù những ngư dân dày dạn con nước miền Tây ấy vẫn ra sông chài lưới. Để rồi mỗi dịp tháng 10 đến, họ lại chấp nhận sự thật là đàn cá linh nhiều nghẹt nước ngày trước đã không còn theo họ đến hiện tại.

Trải qua nhiều mùa thất vọng nhưng năm nào cũng vậy, hễ gần đến mùng 10 tháng 10 là lão ngư Tư Tửng lại soạn lưới để đón đàn cá linh từ đồng bơi về sông. Biết rằng cá linh ngày càng hiếm hoi, nhưng năm nào ông cũng khấp khởi không yên. "Tui chuẩn bị tâm lý rồi. Năm rày không có cá mắm gì bộn đâu. Nhưng cũng phải mần ít cá cho đỡ ghiền. Nếu không ra sông, mình ngứa ngáy tay chân không yên", ông nói như tự an ủi mình.

Vào lối tháng 6, tháng 7 âm lịch mỗi năm, khi con nước đổ về xuôi cũng đưa bọt trứng cá linh về theo. Trứng cá linh phiêu sinh theo nước chảy rồi nở cá linh bột. Cá linh bột lớn nhanh thành cá linh non. Cá linh non tràn lan trên các cánh đồng mùa nước nổi. Đó là thời điểm ngư dân bắt đầu mùa cá linh xôm tụ như hội hè.

Đến cuối mùa nước đồng rút dần cũng là lúc đàn cá linh trưởng thành theo con nước ra sông. Người ta gọi đó là mùa cá ra. Cá linh non lớn rất nhanh. Khi trưởng thành cá đã to hơn ngón tay. Nếu cá linh non thích hợp chế biến trực tiếp các món ăn, người ta gọi là "đặc sản của đặc sản" thì cá linh lớn hợp làm mắm, nước mắm thơm lừng mũi.

Thương nhớ những mùa cá linh - Kỳ 2: Mùa hội cá linh - Ảnh 3.

Ghe lưới đánh bắt cá linh ở vùng đầu nguồn An Giang - Ảnh: LÊ HOÀNG VŨ

Hội cá

Ngư dân Nguyễn Văn Cội (xã Phú Hữu, An Phú, An Giang) chia sẻ người miệt này làm lưới cá luôn coi mình đi nghề "bà cậu". Họ tin vào sự che chở linh thiêng và luôn có lễ nghi mỗi khi vô mùa hạ bạc. Người đánh lưới cá linh hay dùng thanh tre chẻ xòe ra để làm những cái xôm dựng trước mũi ghe lưới thờ "ông tà". Trước khi xuống mẻ lưới đầu tiên, ngư dân đánh cá linh hay cúng ông tà. Lễ vật chủ yếu là trái cây để cầu cho một mùa cá đặng, sóng gió an lành.

Gần đời người gắn bó với thăng trầm những mùa cá ở sông Vàm Nao, lão ngư Ba Bê (xã Mỹ Hội Đông, huyện Chợ Mới, An Giang) nói ngày trước tới mùa cá linh là cánh ngư dân như ông vất vả. Họ thức trắng đêm canh lưới. Bởi lơ là cá linh vào đầy lưới, bứa đụt, bỏ lưới như chơi.

Mùa cá linh rộ, ghe lớn từ khắp miệt cũng tìm về các túi cá đợi mua. Nhiều ghe còn chở theo lu, khạp muối cá làm mắm, làm nước mắm. "Bận đó làm gì có điện thoại. Trước khi kéo lưới, chủ lưới thổi tù và sừng trâu để ghe mua cá nghe mà chạy đến cân. Nếu chờ không có ghe đến mua chủ lưới phải xả bỏ cá, nếu không cá vô đầy sẽ phá rách lưới", lão ngư kể.

Từ lối mùng 10 tháng 10 âm lịch, thời điểm vào vụ đông ken lưới cá linh. Những con sông nổi tiếng cá mú như Vàm Nao luôn có hàng trăm ghe xuồng với đủ loại câu, lưới. Ghe mua cũng lượn lờ quanh, đến khi nào chở cá khẳm ghe thì họ nhổ neo. "Mỗi ghe sức chứa một, hai ngàn giạ lúa, chỉ cần đậu một buổi là đầy ghe. Xuồng ghe đánh bắt thì nhiều, đôi khi vượt quá sức chứa của ghe mua", ông Ba Bê nói.

Đánh cá linh lên nhưng không bán được, đổ thì tiếc, nhiều người chở về bỏ cá vào các chảo bự để nấu dầu thắp sáng. "Hồi đó dầu lửa hiếm, có dầu cá linh để đốt cũng là cách hay. Chứ kéo lưới bán không được, bỏ thì tiếc hà rầm...".

Thương nhớ những mùa cá linh - Kỳ 2: Mùa hội cá linh - Ảnh 4.

Đánh bắt cá Linh - Ảnh: TTO

Nhớ một thời cá linh đầy nghẹt sông nước làm rách cả lưới chài, ông Nguyễn Minh Nhị, nguyên chủ tịch tỉnh An Giang, ví von: "Tiếng cá táp bóng mà nghe như tiếng cơm sôi". Tiếng cơm sôi của ông Bảy Nhị nói là nồi cơm tập thể bự "chà bá lửa", nấu mỗi lần cả chục lít gạo. Khi cơm sôi anh nuôi mở nắp, rộ tiếng sùng sục của nước cơm sôi trên lửa bếp.

Sinh ở đồng nước biên viễn An Giang, lớn lên đi bộ đội đồng bưng miệt này, thời bình lại làm lãnh đạo tỉnh nhà, ông Bảy Nhị là chứng nhân một thời cá linh đầy sông, đầy đồng. Dưới nước lắm cá, trên bờ cũng đầy cá. Vô mùa cá linh đi đâu cũng ngửi mùi mắm nặng nồng. Bây giờ cá linh là đặc sản quý hiếm. Nhưng bận ông còn trẻ trở về trước, tức từ khoảng đầu thập niên 1990 lùi quá khứ, loại cá này đúng nghĩa rẻ như bèo. Người ăn thừa mứa, đến con chó, con heo được ăn ké riết cũng ngán lè lưỡi.

"Tui còn kỷ niệm cười ra nước mắt với con cá linh này. Khoảng tầm cuối năm 1979 hay 1980 gì đó, vợ chồng khệ nệ khiêng thùng cá linh loại thùng sắt 20 lít đong lúa để cho bà con Việt kiều Campuchia tị nạn chiến sự ở biên giới Hồng Ngự. Tưởng đâu họ vui, ai dè lại bị cự nự như chưởi: có gạo cho thì lấy, chứ con cá thừa mứa đổ heo ăn này thì cho làm gì!", bà Bảy Hồng, một ngư dân rành rẽ nghề cá ở miệt biên giới Hồng Ngự (tỉnh Đồng Tháp), kể chuyện.

Bảy Hồng, tức bà Nguyễn Thị Hồng (67 tuổi) là cựu dân ở ngã tư Bảy Hiền, Sài Gòn chánh hiệu, đi kinh tế mới miệt Đồng Tháp sau năm 1975 và kết duyên một anh ngư dân truyền đời xứ này. Bà khẳng định không dám "dóc thêm" một lời: "Tui mê ổng một, mê xứ cá mú dữ thần thiên địa này đến ba lần. Cá gì mà nhiều đến lội đồng, lội rạch cũng đạp trúng". Chuyện cá linh nhiều đến mức phải đổ bỏ, vợ chồng bà là chứng nhân bao bận. Ghe thương lái không mua hết nổi cá, có ngày họ đổ cả mấy chục giạ cá linh, tầm đến cả 500-700kg cá. Nếu không đổ thì để thối ghe chài của mình.

"Thiệt bụng tui cũng nghe nói con cá linh này có thể đổ làm phân nhưng bận đó miệt này mới chiến tranh, có mấy người mần lúa mần vườn đâu mà phân với phướng. Vợ chồng tui cứ đổ đại xuống sông, để xác con cá linh nhỏ làm thức ăn cho con cá lớn. Mà cá lớn ăn cũng đâu hết, xác cá linh cứ nổi lềnh bềnh. Có người còn tiện tay đổ lén trên lộ làm bốc mùi hôi thối. Dân chửi hà rầm"...

Cá linh mùa nước nổi châu thổ phương Nam bây giờ không còn bằng 1/10, thậm chí 1/100 ngày trước. Vì sao nên nỗi?

Kỳ tới: Những mùa cá không đặng

Thương nhớ những mùa cá linh - Kỳ 1: Những mùa cá linh khẳm xuồng Thương nhớ những mùa cá linh - Kỳ 1: Những mùa cá linh khẳm xuồng

TTO - "Nước không chưn sao kêu nước đứng/Cá không thờ sao gọi cá linh". Loại cá từng một thời đầy khẳm ghe xuồng ngư dân châu thổ phương Nam nay cạn kiệt dần và có thể trở thành… ký ức đẹp của ngày xưa xa vắng. Có cách nào để hồi phục?

QUỐC VIỆT - TIẾN TRÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp