PGS.TS Võ Văn Nhơn (trái) chia sẻ tại buổi ra mắt sách - Ảnh: L.ĐIỀN
Nhân dịp này, PGS.TS Võ Văn Nhơn và Đạt Nhân - biên tập viên của sách Đông A - cùng họa sĩ Duy Hưng - người minh họa cho Thương nhớ mười hai ấn bản lần này - cùng làm một cuộc trò chuyện vào sáng 11-12 tại Đường sách TP.HCM xoay quanh chủ đề yếu tố mỹ thuật trong minh họa văn chương.
Mỹ thuật + văn chương = độc đáo
Đây cũng chính là duyên do của ý tưởng hình thành tủ sách Văn chương & Mỹ thuật. "Đông A nhận thấy chúng ta có nhiều tác phẩm văn chương rất hay nhưng chưa có được dòng sách gồm các ấn bản đầu tư nhiều hơn về minh họa, kết hợp mỹ thuật để tạo ấn tượng hơn nữa cho sách, tất nhiên là nội dung phải chỉn chu" - Đạt Nhân trình bày và cho biết tủ sách này sẽ theo đuổi cách làm đó.
Với 2 quyển Thương nhớ mười hai (Vũ Bằng) và Bỉ vỏ (Nguyên Hồng), những người thực hiện đã dày công tìm kiếm họa sĩ thực hiện phần tranh minh họa.
Mười ba bức tranh minh họa cho Thương nhớ mười hai được giao cho họa sĩ Duy Hưng. Anh đã tạo ra không khí hoài cổ trong những bức tranh minh họa vẽ theo phong cách tranh lụa của các danh họa Việt Nam hồi đầu thế kỷ 20, một không khí mà bản thân Hưng cho là "rất hợp với Thương nhớ mười hai".
Trên tinh thần trân trọng văn chương và mỹ thuật, tủ sách ưu tiên chọn tác phẩm trước, rồi tìm họa sĩ phù hợp. Như thực hiện tác phẩm Người kép già của Kim Lân thì họa sĩ Thành Chương (con trai của Kim Lân) được mời vẽ minh họa; Bỉ vỏ do họa sĩ Phượng Vỹ vẽ minh họa.
Phượng Vỹ là con của Hoàng Trung Thông, Hoàng Trung Thông lại là bạn của Nguyên Hồng, lúc nhỏ Phượng Vỹ từng chứng kiến không khí chuyện trò của tác giả Nguyên Hồng và bố mình, nên cảm xúc của người họa sĩ khi vẽ minh họa trong trường hợp ấy hẳn có gì đặc biệt hơn.
Tủ sách còn để ngỏ với niềm tôn trọng văn chương
Thầy giáo Võ Văn Nhơn bày tỏ niềm vui khi được biết tủ sách Văn chương & Mỹ thuật sẽ lần lượt gia công thực hiện phần minh họa đặc biệt cho các tác phẩm xuất sắc từ thời trước 1945.
Theo ông, các tác phẩm văn học "tiền chiến" ấy từng có số phận không may. Có lúc các tác phẩm văn học bị rẻ rúng, như văn chương của Tự lực văn đoàn trước 1975 ở miền Bắc không được giảng dạy, còn Vũ Trọng Phụng từng bị đánh giá là tự nhiên chủ nghĩa.
"Sau năm 1975 tôi đến thăm Xuân Diệu, được nghe ông thú nhận là ông từng phải làm thơ tình chui" - thầy Nhơn chia sẻ để thấy văn chương không phải lúc nào cũng được người đời trân trọng.
Nay với tinh thần của tủ sách này, PGS.TS Võ Văn Nhơn gợi ý nên đầu tư làm các tác phẩm đặc sắc ở cả hai miền Nam - Bắc.
"Nên có cả Số đỏ, các tác phẩm của Tự lực văn đoàn, miền Nam có các tác phẩm của Tân Dân Tử, Hồ Biểu Chánh, Phi Vân, và đặc biệt là Vũ Anh Khanh - một người từng viết tiểu thuyết có số bản in cao bán rất chạy tại miền Nam", thầy Nhơn gợi ý.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận