Ngoài chở hành khách, hàng hóa, đò Vĩnh Thuận còn đảm nhận dịch vụ đám cưới - Ảnh: NVCC
Cực nhọc chạy đò đêm
Bà Bảy Châu kể sau năm 1990, nhiều chủ đò khách mới thiết kế hệ thống đèn pha hoàn chỉnh để người lái đò (tài công) có tầm quan sát tốt mỗi khi chạy đêm. Trước đó, nhiều chuyến đò chạy đêm đều phải cử người... cầm đèn pha soi đường, hướng dẫn tài công lái tàu.
"Người soi đèn ngồi trên mui tàu phía tài công, cầm ngọn đèn pha lớn quét khắp mặt sông. Nếu phát hiện xuồng ghe phía trước hoặc chướng ngại vật thì phải quơ đèn vào phía đó rồi la lớn thông báo cho tài công biết, sau đó rọi đèn hướng dẫn tài công lái đò tránh sang chỗ khác".
Ông Võ Thanh Phong (cháu nội chủ Hãng đò Vĩnh Thuận, có thâm niên gần 20 năm chạy đò khách) cho biết ngày trước chướng ngại vật trên sông chủ yếu là những miệng đáy và những đống chà của ngư dân bố trí trên sông để bắt tôm cá. Miệng đáy là những hàng cọc gỗ cắm xuống lòng sông với những tấm lưới lớn, dài.
Các chủ miệng đáy thường treo đèn trên các cọc gỗ nhằm báo hiệu cho ghe xuồng biết để tránh, nhưng do ngày xưa chỉ treo đèn dầu hỏa nên dễ bị gió làm tắt. Còn đống chà là nhiều cành cây được ngư dân chất thành cụm trên sông dẫn dụ tôm cá vào trú ngụ để bắt.
Một mối nguy hiểm khác là các xuồng ghe dân câu, lưới đêm trên sông. "Chạy đò đêm, người tài công chỉ trông cậy vào người giữ đèn pha trên mui.
Đối với ghe xuồng làm nghề câu lưới, nếu ngư phủ còn thức thì nhìn thấy đèn pha của tàu họ sẽ bơi xuồng tránh chỗ khác, còn họ đã ngủ, đậu xuồng im một chỗ thì người soi đèn phải báo cho tài công lái đò tránh. Sợ nhất là đò bị đâm vào đống chà hay miệng đáy, thiệt hại rất khó lường", ông Phong kể.
Theo ông Phong, hầu hết tài công đều ngại chạy đò đêm, nhưng có những tuyến đường quá xa, buộc đò phải xuất bến chạy đêm, như tuyến Cái Mơn (Chợ Lách, Bến Tre) - Cái Bè (huyện Cái Bè, Tiền Giang) phải khởi hành lúc 4 giờ sáng, tuyến Cái Bè - Phú Tân, Tân Châu (An Giang) đò xuất bến lúc 18 giờ.
Trong những năm chạy đò Vĩnh Thuận, những chuyến đò đêm khiến ông Phong nhớ nhất là những lần hợp đồng chở hoa kiểng từ Cái Mơn, Chợ Lách về Sài Gòn bán tết và chở người nuôi ong di chuyển ong mật.
Ông Phong kể: "Những năm đầu thập niên 1990, gần tết, đò Vĩnh Thuận hay nhận hợp đồng chở hoa kiểng nhà vườn Cái Mơn đưa về Sài Gòn bán tết. Sáng sớm 20 tháng chạp, nhà vườn chất hoa kiểng xuống đò. Con đò chở hoa kiểng phải sớm có mặt tại bến Bình Đông, Sài Gòn để nhà vườn kịp bán tết.
Theo hợp đồng, từ ngày 20 tháng chạp đến chiều 30 tết đò Vĩnh Thuận phải neo lại bến Bình Đông, làm "khách sạn nổi" cho các chủ hoa kiểng có chỗ nghỉ ngơi.
Xế chiều 30 tết, đò Vĩnh Thuận nhổ neo chở những chậu kiểng bán không hết về lại xứ Cái Mơn đã gần nửa đêm. Sau khi tất toán hợp đồng với nhà vườn, đò Vĩnh Thuận lại nhổ neo chạy về Cái Bè để... nghỉ ăn tết.
"Những năm hợp đồng chở hoa kiểng Cái Mơn đi Sài Gòn, hầu như năm nào tui cũng phải... đón giao thừa giữa sông nước mênh mông. Hồi đó, Nhà nước chưa cấm đốt pháo, nên lúc đón giao thừa trên sông tụi tui hay đem vài phong pháo ra đốt trên mui đò cho đỡ buồn. Phải 7 giờ - 8 giờ sáng ngày mùng 1 tết, tụi tui mới về đến bến Cái Bè", ông Phong nhớ lại.
Riêng chở ong mật, ông Phong cho biết lúc nào cũng phải chạy đêm. "Hồi trước những cù lao trên sông Tiền như Tân Phong, cồn Tre..., nhà vườn trồng nhãn rất nhiều nên nghề nuôi ong mật cũng phát triển.
Nhưng cây nhãn chỉ ra hoa có một mùa, hết mùa hoa nhãn thì người nuôi ong phải di dời đàn ong đi nơi khác để tìm những loại hoa khác cho ong hút mật.
"Hồi đó người nuôi ong hay hợp đồng chuyển ong từ các cù lao vào những cánh rừng tràm bạt ngàn trong vùng Đồng Tháp Mười miệt Tân Hưng, Vĩnh Hưng, Mộc Hóa (tỉnh Long An). Xế chiều, tui phải đưa đò đến điểm hẹn, nhưng phải chờ đến trời sụp tối, khi lũ ong mật đã chui hết vào tổ trong thùng ong để ngủ, mới nổ máy cho đò xuất phát.
Tụi tui thức trắng đêm chạy ngang dọc trên các con kênh Đồng Tháp Mười theo hướng dẫn của chủ đàn ong, phải bảo đảm đúng 6 giờ sáng đò phải đến nơi đã chọn trước để kịp cho đàn ong tỏa ra đi tìm hoa tràm hút mật. Mỗi lần chở ong như vậy, tui phải ngủ đến trưa mới có sức chạy đò về", ông Phong kể.
Đò dọc một thời được dân miền Tây Nam Bộ xem là “buýt đường sông” - Ảnh: tư liệu
Đò đêm vừa chạy vừa... bán quán
Nhớ lại thời chạy đò đêm, ông Phong tâm sự: "Hồi đó chạy đò đêm phải cần đến hai tài công, người này buồn ngủ thì người kia thay.
Đò chạy đêm lúc nào cũng trang bị vài chục chiếc võng để khách đi đò nghỉ lưng, vì chạy những tuyến đường xa hơn trăm cây số đường sông, không ai ngồi được suốt đêm. Nhưng quan trọng nhất là trên đò phải có... cái quán ăn uống phục vụ khách, nếu đò không có quán là khách không đi".
Ông Phong cho biết từ năm 1991 đò Vĩnh Thuận đã mở tuyến Cái Bè - Chợ Vàm (Phú Tân, An Giang), Cái Bè - Tân Châu (An Giang). Đây là tuyến đường thủy xa nhất mà đò Vĩnh Thuận vận chuyển hành khách, hàng hóa. Do đường sá xa xôi, đò Vĩnh Thuận chạy tuyến này vài năm thì tạm ngưng, mãi đến năm 1999 mới hoạt động trở lại trên hai tuyến thủy lộ này.
"Những năm 1990 do giao thông đường bộ từ quốc lộ 1 lên hướng Tân Châu, Phú Tân rất khó khăn nên nhiều hành khách và tiểu thương đi đò khách. Hàng hóa từ Cái Bè chở lên trên đó chủ yếu là trái cây, kể cả trái cây nhập từ Sài Gòn về, còn trên Tân Châu, Phú Tân chuyển về đều là hàng rẫy như ớt, bắp", ông Phong nhớ lại.
Nói đò chạy Cái Bè - Tân Châu, Cái Bè - Phú Tân, nhưng thật sự thì đò chạy Phú Tân đậu bến An Hữu (xã An Hữu, huyện Cái Bè), đò chạy Tân Châu thì đậu ở bến phà Mỹ Thuận để đón khách, lên hàng.
Hằng ngày, đò xuất bến, sau đó chạy dọc sông Tiền ngược thượng lưu, ghé các trạm dọc đường như Rạch Ruộng (xã Tân Thanh, huyện Cái Bè), thành phố Cao Lãnh (Đồng Tháp, xưa là thị xã) để tiếp tục ăn hàng, đón khách.
Chạy lên khỏi Thanh Bình (Đồng Tháp), đò băng ngang sông Tiền để ghé các trạm ở cù lao Chợ Mới (An Giang) trả hàng, trả khách dài lên đến Phú Tân, Tân Châu. Đoạn đường dài hơn 100km nên 18 giờ đò xuất bến thì 6 giờ sáng hôm sau mới đến bến cuối.
Những tháng mùa nước nổi, nước sông Tiền chảy mạnh chiều về hạ lưu, đò đi nước ngược nên phải 8 - 9 giờ sáng hôm sau mới tới nơi. Nghỉ một ngày, 16 giờ đò lại quay mũi về Cái Bè. "Do chạy đêm, đường xa, khách đói bụng, nên dưới đò phải có bếp ăn để nấu cơm, hủ tíu, bánh canh... bán cho khách lót dạ.
Hai chiếc bếp lò đặt sau lái đò để nấu cơm và thức ăn, còn trên mui đò thì chất đầy củi. Khách ăn cơm với tép rang, thịt kho, cá kho, dưa leo rau sống. Ăn xong, ai muốn uống cà phê, nước ngọt, thậm chí muốn... uống bia, chủ đò đều phục vụ chu đáo. Hồi đó mọi việc cơm nước phục vụ khách đi đò đều do các thành viên trong gia đình Vĩnh Thuận đảm trách", ông Phong kể.
Theo ông Phong, ngoài chuyện cực nhọc những chuyến đò đêm, ít người biết nghề chạy đò còn nhiều nỗi niềm khác. "Hồi đò Vĩnh Thuận được điều động chạy tuyến Chợ Lách (Bến Tre) - Mỹ Tho (Tiền Giang), mỗi tháng tui chỉ được về thăm nhà ở Cái Bè một ngày. Nhớ vợ con quá nên cố gắng tạt về thăm, rồi phải vội vàng quay lại chứ không thể bỏ con đò cho người khác", ông Phong tâm sự.
**************
Giống xe khách trên bờ, đò khách dưới sông cũng có lơ. Nhưng lơ đò có cái tên rất lạ gọi là bạch lô.
>> Kỳ tới: Bạch lô đứng mũi chịu sào
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận