12/04/2016 08:06 GMT+7

Thượng nguồn tích nước, hạ nguồn khan

TTO - Mekong là con sông lớn nhất ở Đông Nam Á, bắt nguồn từ cao nguyên Tây Tạng (Trung Quốc) và chảy qua lãnh thổ của 6 nước là Trung Quốc (tỉnh Vân Nam), Myanmar, Lào, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam.

Ông Đào Trọng Tứ - Ảnh: Chí Quốc
Ông Đào Trọng Tứ - Ảnh: Chí Quốc

Mặc dù là một nước nằm trong lưu vực sông Mekong nhưng Trung Quốc không thừa nhận nguyên tắc sử dụng nước sông quốc tế. Trung Quốc không tham gia Ủy hội sông Mekong (chỉ tham gia với tư cách là bên đối thoại).

Tất cả hoạt động khai thác tài nguyên nước sông Mekong ở phần lãnh thổ Trung Quốc đều được thực hiện đơn phương, không có bất cứ một hợp tác nào với các quốc gia hạ lưu.

Một trong những lý do khác khiến Trung Quốc không tham gia hợp tác ở Mekong chính là muốn được phát triển nguồn tài nguyên này tự do, tránh sự can thiệp và gây khó dễ của các nước hạ lưu. Việc xây dựng các công trình thủy điện trên dòng chính Mekong của Trung Quốc đã gây nên sự lo ngại sâu sắc của các quốc gia hạ lưu.

Từ năm 1993 đến nay, Trung Quốc đã xây dựng 6 công trình thủy điện ngăn dòng chính sông Mekong như: Công Quả Kiều (công suất lắp 750 MW, dung tích nước 510 triệu m3), Tiểu Loan (4.200 MW, 14.130 triệu m3), Mạn Loan (1.500 MW, 920 triệu m3), Đại Triều Sơn (1.350 MW, 890 triệu m3), Nọa Trát Độ (5.500 MW, 22.700 triệu m3) và Cảnh Hồng (1.500 MW, 1.230 triệu m3).

Dự kiến đến năm 2020, trên sông Lan Thương (cách Trung Quốc gọi sông Mekong) sẽ có thêm 2 nhà máy. Dự kiến đến năm 2030 sẽ có 7 nhà máy thủy điện của Trung Quốc đồng loạt vận hành với tổng công suất lắp máy 23.000 MW, với dung tích các hồ chứa khoảng 53 tỉ m3 nước nhằm đáp ứng nhu cầu điện năng trong nước và xuất khẩu điện sang Thái Lan.

Ngoài ra, nhiều dự án thủy điện trung bình và nhỏ cũng sẽ được xây dựng trong lưu vực sông Lan Thương để khai thác hết tiềm năng thủy điện, thúc đẩy phát triển công nghiệp địa phương.

Như vậy có thể thấy tổng lượng nước sông Mekong trên lãnh thổ Trung Quốc khoảng 76 tỉ m3 năm, tổng dung tích các hồ chứa 15 thủy điện khoảng 53 tỉ m3 - có nghĩa các hồ chứa này “hứng” đến 70% tổng lượng dòng chảy năm và 40% lượng dòng chảy năm để điều tiết các hồ thủy điện của dòng Mekong.

Một quốc gia không chấp nhận các nguyên tắc quốc tế trong sử dụng nguồn nước chung - việc xây dựng và khống chế một phần quan trọng nguồn nước dòng chính sông Mekong chắc chắn dẫn đến những thách thức lớn đối với sự phát triển của các quốc gia hạ lưu và đặc biệt với khu vực ĐBSCL của Việt Nam.

Mặc dù Lào và Campuchia cũng có những công trình thủy điện, nhưng dù sao cũng là thành viên của Ủy hội sông Mekong nên vẫn còn “dễ nói chuyện”. Vấn đề quan trọng nhất của dòng Mekong vẫn là chuyện Trung Quốc ở thượng nguồn đã tích gần hết nước thì việc các tháng mùa khô sẽ không có nước xuống đến hạ lưu là chuyện đương nhiên!

TS ĐÀO TRỌNG TỨ 

(Chuyên gia thể chế và chính sách tài nguyên nước, phó chủ tịch hội tưới tiêu Việt Nam)

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp