Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter (thứ hai từ trái sang) trong lần ra thăm tàu sân bay USS Stennis đang tuần tra ở Biển Đông ngày 15-4 - Ảnh: US Navy |
“Tôi không hiểu tại sao chúng ta không tuần tra mỗi tuần hoặc mỗi tháng |
Thượng nghị sĩ Bob Corker (chủ tịch tiểu ban đối ngoại) |
Tờ Navy Times cho biết nhân chuyến thăm của Tổng thống Barack Obama đến Việt Nam vào tháng 5-2016, bốn thượng nghị sĩ trình Luật sáng kiến an ninh hàng hải châu Á - Thái Bình Dương, kêu gọi tăng cường hỗ trợ an ninh cho các đồng minh ở Đông Nam Á, mở rộng các hoạt động quân sự của Mỹ trong khu vực này, tăng cường các cuộc tuần tra khẳng định “tự do hàng hải” ở Biển Đông.
Luật này yêu cầu chính quyền báo cáo Quốc hội Mỹ những kế hoạch liên quan đến các hoạt động tự do hàng hải cũng như những động thái của Trung Quốc trong các vùng biển tranh chấp.
Tuần tra thường xuyên hơn
Tại buổi điều trần của Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Antony Blinken (người vừa có chuyến thăm Việt Nam) trước tiểu ban đối ngoại Thượng viện Mỹ, một số nghị sĩ đã phê phán những chính sách về Biển Đông của chính quyền Tổng thống Obama còn “yếu ớt và lờ đờ”.
Chủ tịch tiểu ban, thượng nghị sĩ Bob Corker khẳng định: “Các hoạt động tuần tra bảo vệ tự do hàng hải ở mức như thế thì xem như là không có gì hoặc chỉ tượng trưng”, và ông kêu gọi hải quân Mỹ nên thực hiện tuần tra ở Biển Đông hằng tuần hoặc hằng tháng.
Theo ông Blinken, Trung Quốc đang có những hành vi đối chọi với các nước xung quanh và đã gây nguy cơ “xung đột, bất ổn cũng như cô lập” nếu nước này không thay đổi cách tiếp cận và làm rõ những tuyên bố của họ ở Biển Đông, theo luật pháp quốc tế.
Trung Quốc vi phạm luật pháp quốc tế
Nghị sĩ Ben Cardin cho biết Luật sáng kiến an ninh hàng hải châu Á - Thái Bình Dương là phản ứng của Mỹ đối với hành vi thách thức của Trung Quốc bất chấp luật pháp quốc tế liên quan đến vấn đề Biển Đông.
Các thượng nghị sĩ cũng đã đưa ra quan điểm cứng rắn khi cáo buộc Bắc Kinh vi phạm Luật biển quốc tế khi từ chối tham dự phiên tòa trọng tài thường trực (PCA) ở The Hague, phân xử việc Philippines kiện Trung Quốc đòi chủ quyền vô lý ở Biển Đông.
Giới chức Mỹ bình luận luật trên được đưa ra cũng nhằm gây ảnh hưởng đến các chính sách của chính quyền Tổng thống Obama trước chuyến thăm châu Á của ông diễn ra vào tháng tới.
Tờ Foreign Policy bình luận luật được đề xuất lúc này nhằm gửi tín hiệu cho Bắc Kinh thấy rằng các nghị sĩ Mỹ đang theo dõi kỹ các chiến thuật gây hấn của Trung Quốc.
“Khi Trung Quốc tiếp tục những chính sách gây hấn và bành trướng của mình thì Mỹ đóng vai trò là người quan sát hoặc người phản ứng chứ chưa phải là một diễn viên chính” - thượng nghị sĩ Robert Menendez của Đảng Dân chủ phê phán.
Chính quyền Tổng thống Obama luôn kiên định trong việc kêu gọi Trung Quốc tôn trọng luật quốc tế và phản đối việc sử dụng vũ lực ở Biển Đông. Tuy nhiên, lời kêu gọi này dường như không có hiệu quả.
Singapore tố Bắc Kinh gây chia rẽ Đại diện ngoại giao Trung Quốc đã phản ứng việc cựu tổng thư ký ASEAN Ong Keng Yong (người Singapore) và cố vấn chính sách của Bộ Ngoại giao Singapore Bilahari Kausikan nói rằng Bắc Kinh đang gây chia rẽ ASEAN bằng việc nhất trí với ba nước thành viên của khối về vấn đề Biển Đông. Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Lưu Chấn Dân sau đó phát biểu rằng ông ta bị sốc khi nghe “những bình luận” của các nhà ngoại giao Singapore. Ông Lưu cho biết Trung Quốc đang đợi Singapore làm rõ về những bình luận trên và nói hai nhà ngoại giao của đảo quốc sư tử đã hiểu lầm câu nói của Ngoại trưởng Vương Nghị. Ông Lưu biện hộ rằng mỗi quốc gia ASEAN đều có chủ quyền của mình và Trung Quốc sẽ không bao giờ muốn chia rẽ khối này. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận