Chị em bà Tạ Thu Thủy (phải) tới góp tiền tại tòa soạn báo Tuổi Trẻ sáng 4-5 - Ảnh: M.Hoa |
Mái tóc đã bạc trắng, ông kể rằng bản thân vốn không khỏe, mang nhiều bệnh nhưng thấy người dân nơi ấy khổ thì không chịu được.
Ông ngồi nói chuyện lâu về Nepal, kể về ký ức của ông trong chuyến đi Kathmandu năm 2008 rằng người dân ở đấy hiền lành và rất tốt bụng.
“Họ nhìn cũng rất giống người Việt, nhất là phụ nữ. Người Nepal không khá giả nhưng cuộc sống thanh bình, không ồn ào, bon chen” - ông Trụ kể lại. Đất nước ấy trong lòng ông vốn thanh sạch, an lành do vậy nhìn cảnh đổ nát, hoang tàn ông Trụ thấy buồn vô cùng và càng thêm thương Nepal.
Cũng từng đến đất Phật Nepal, đến Kathmandu, thăm vườn Lâm Tì Ni (Lumbini), thầy Thích Minh Cảnh ở tu viện Huệ Quang (Q.Tân Phú, TP.HCM) cũng có cùng cảm giác bình yên về Nepal. Thầy Cảnh, 78 tuổi, nhờ học trò mang đến 1.000 đôla Úc để cứu trợ Nepal sáng 5-5.
Bản thân cũng đang trị bệnh, thầy Cảnh kể: “Xem báo đài thấy đồng bào Nepal có tinh thần tương trợ lẫn nhau lắm. Đường sá chưa tốt, nhiều nơi không nhận được hàng cứu trợ nên nhiều người vẫn đói, thấy thương lắm. Tiền này là của người ta gửi giúp tôi chữa bệnh. Nhưng nay bệnh đã có phần hồi phục thì tôi dành giúp người khác”.
Sáng 5-5, còn có cụ bà mới lãnh lương hưu vội vã đón xe ôm từ Q.3 sang góp 2 triệu đồng “để kịp giúp người ta”. Cụ đã 78 tuổi, hai vợ chồng già đang nuôi người con bị nhiễm chất độc da cam đã 37 tuổi nhưng vẫn ngây ngô như trẻ lên ba nên càng thấm thía thế nào là nỗi đau.
Cụ nghèn nghẹn, nước mắt trào ra: “Lương bổng chẳng bao nhiêu nhưng thương họ không nhà cửa, không điện, không nước, không thức ăn”. Rồi cụ vội chào mọi người để “xe ôm đứng ngoài khỏi chờ lâu”.
Từ sáng sớm, ông Nguyễn Văn Kiệt (ngụ Q.8) cũng đã đến gửi tặng 32 triệu đồng. Ông là bạn đọc thường xuyên và thân quen của Tuổi Trẻ nhiều năm nay.
Ông bảo rất mừng khi báo tiếp nhận quyên góp cho nạn nhân ở Nepal và gửi gắm: “Nỗi khổ không từ một ai, không từ một quốc gia nào. Gia đình tôi cũng xin góp vào cùng mọi người, như một chút an ủi đến những người Nepal”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận