19/11/2023 11:03 GMT+7

Thương mùa lụt quê

Miền Trung mấy nay có lụt. Mưa lớn cả tuần. Còn miền Bắc thì rét. Đọc mấy bản tin như vậy, tôi đoan chắc những đứa con xa quê, nhứt là có quê miền Trung như mình sẽ lo lắm.

Ảnh chụp hôm 16-11, trên tuyến đường Lê Thánh Tôn bên trong Kinh thành Huế  - Ảnh: NHẬT LINH

Ảnh chụp hôm 16-11, trên tuyến đường Lê Thánh Tôn bên trong Kinh thành Huế - Ảnh: NHẬT LINH

Ký ức về lũ lụt đầy ắp trong mỗi người miền Trung. Tháng 10 mà có mưa kéo dài là biết nước sắp lên, chuẩn bị dọn lụt. Tôi nhớ có mùa lụt nước dâng lên đến hiên nhà. Hồi đó ngoại còn sống, lại già yếu nên được đưa lên chỗ cao tránh lụt trước.

Tôi với má ở nhà, kê bàn ghế, chèn chống nhà cửa, dọn mớ lúa lên gác để tránh lụt. "Nước dâng ri nhà mình có răng không má", tôi hỏi. Má chỉ nhìn con nước đục ngầu trước sân mà lo lắng: "Chừ nước có lên cũng chịu chứ biết làm răng. Nhà mình neo người quá…".

Cũng may, năm đó má con tôi chèo bè đi tránh nước lụt, bị lật giữa đồng nhưng kịp ngoi lên, thoát chết. Nước có vào nhà nhưng không cuốn kéo ngôi nhà hay lúa gạo, vốn là tài sản lớn nhứt của nhà mình.

Nhà mình neo người. Gần 30 năm rồi vẫn thế. Và cứ mỗi mùa nước lụt dâng xâm xấp mặt đường, con trai ở xa lại trở trăn khó ngủ. Có hôm tôi thức tới 1h sáng để cập nhật tin, nghe có tỉnh mình nằm ở tâm bão, nước dâng, sạt lở đất là lại thức tiếp, nhắn tin hỏi má chừng chừng.

"Má nhớ sạc pin điện thoại cho đầy kẻo nước lên, mưa gió thì điện cúp, không biết làm răng liên lạc đó nghen". Dặn má vậy nhưng cũng lo, vì lũ lụt luôn bất ngờ và bất thường. 

Năm nay tưởng đâu người miền Trung yên ổn rồi, ai dè nước lụt cũng dâng, thành nội cố đô, phố cổ Hội An ngập lai láng. Nhìn nước đục ngầu mà thương.

Lỡ nước vào nhà là biết cái cảnh bùn non đóng ngập nền. Hồi xưa nền đất thì khi có nước lụt vào, nhà mình không khác gì… cái chợ, bùn nhão nhoẹt.

Ở quê tôi vùng trũng, bốn bề là núi, lại nằm ở thượng nguồn sông Thu Bồn nên nước lụt cũng thường xuyên lên xuống. Năm nào nước lớn thì khi lụt tan, có ngọn tre khô vắt lên cả dây điện cao thế. "Nước lụt mà lên tới dây điện cao thế luôn hả?". Có lần, bạn tôi từ Sài Gòn về thăm quê tôi nghe kể đã bất ngờ như vậy.

Lũ lụt, bão to khiến hư hại nhà cửa, có khi gây chết người. Nhà cửa, tài sản rủi mất thì còn kiếm lại được, người mất thì khó gì bù đắp nổi. Vì vậy mà cứ hễ nước lên, những người xa xứ, có quê bị lũ lụt lại lo ngai ngái. Nghe bão tan, lụt lui, nhà mình vẫn yên ổn mới mừng.

Sau mùa lụt là mùa sạ ruộng. Lụt mang phù sa, mùn đất về cho lúa tốt nhưng cũng mang về bao nỗi lo toan.

Chỉ mong, mỗi mùa bão lụt về, mọi người được bình yên. Mùa rét có đến cũng không quá đậm quá hại, khiến người dân quê phía Bắc đã khó còn khổ hơn.

Cứ vậy, những dòng tin nhắn ủi an, động viên nhau mùa khăn khó, thấp thỏm này cũng khiến tình thương đầy thêm. Có người đã thấy ấm lòng khi có những người bạn hỏi han, nhắc nhở: "Nhớ kêu má mấy người mặc áo ấm kẻo lạnh, má lớn tuổi rồi lại đủ thứ bệnh hết á".

Thương quê - mùa bão lụtThương quê - mùa bão lụt

AT - Mảnh vườn còn sót lại những ngọn lá vàng ủ ê chưa rụng khi mùa thu ngang ngõ, nay cũng bắt đầu đi vào cõi bão dông. Một chút đốm nắng nhỏ nhoi hôm qua bên hiên nhà như còn nuối tiếc mái tóc dài em hay ra ngồi hong nắng, nay cũng lặng lẽ ra đi khi người dân quê tôi bắt đầu ngồi suy tư, lo lắng bên chiếc radio đợi tin bão phương xa. Tất cả im lặng, chỉ còn lại những nhịp đập của con tim.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp