03/05/2023 14:40 GMT+7

Thương mại Việt - Mỹ tăng 300 lần và còn nữa

Sau 10 năm thiết lập Đối tác toàn diện, quan hệ thương mại hai nước đã tăng hơn ba lần.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chụp hình với đoàn doanh nghiệp Mỹ thăm Việt Nam tháng 3-2023 - Ảnh: VGP

Thủ tướng Phạm Minh Chính chụp hình với đoàn doanh nghiệp Mỹ thăm Việt Nam tháng 3-2023 - Ảnh: VGP

Nếu tính từ năm 1995, khi hai nước bình thường hóa quan hệ, thương mại song phương đã tăng hơn 300 lần, từ 450 triệu USD năm 1995 lên mức 138 tỉ USD vào năm 2022.

"Tôi đã quan sát Việt Nam trong thời gian dài, và thật thú vị khi thậm chí một số nước láng giềng của Việt Nam hiện nay cũng nói với tôi rằng họ phải cạnh tranh với Việt Nam".

Ông TED OSIUS

Niềm tin lớn vào Việt Nam

Trước hết, việc Mỹ đưa phái đoàn doanh nghiệp lớn chưa từng có tới Việt Nam phản ánh niềm tin của công ty Mỹ vào chính trị và kinh tế Việt Nam.

"Thực tế việc hơn 50 công ty Mỹ tới Hà Nội là dấu hiệu cho thấy cộng đồng doanh nghiệp Mỹ vẫn đặt niềm tin lớn vào triển vọng tăng trưởng và lãnh đạo Việt Nam, bất chấp những trở ngại được dự báo trong năm nay về kinh tế Việt Nam cũng như toàn cầu do cuộc xung đột đang diễn ra ở Ukraine cũng như các lệnh trừng phạt Nga" - ông Ted Osius, chủ tịch kiêm tổng giám đốc Hội đồng Kinh doanh Mỹ - ASEAN (USABC), nói với Tuổi Trẻ.

USABC là cầu nối quan trọng cho hợp tác kinh tế giữa Mỹ với khu vực cũng như Việt Nam nói riêng. Ông Osius cho biết tổng cộng có 52 công ty đã tới Việt Nam hồi tháng 3, tìm cơ hội bán hàng, nguồn cung và đầu tư.

Ông Osius khẳng định các doanh nghiệp Mỹ nhìn thấy cơ hội rất lớn tại Việt Nam. Trong bối cảnh tình hình toàn cầu có nhiều nơi, ở khía cạnh nào đó, bước vào giai đoạn suy thoái thì Đông Nam Á lại là một trung tâm tăng trưởng. Đặc biệt, Việt Nam tăng trưởng hơn 8% năm ngoái, trong khi một số nước láng giềng đạt mốc hơn 5%.

Theo chiều ngược lại, ông Osius cho biết phái đoàn doanh nghiệp Mỹ trong chuyến thăm Việt Nam hồi tháng 3 đã được "trải thảm đỏ", và từng cuộc họp đều diễn ra với những kết quả rất cụ thể.

"Thông điệp từ Chính phủ Việt Nam rất rõ ràng và nhất quán: "Chúng tôi sẽ xử lý những lo ngại của các bạn và sẽ hành động nhanh chóng". Và chúng tôi cũng nhận được không chỉ cam kết bằng lời nói, mà còn là đầu mối liên lạc để trao đổi sau đó", cựu đại sứ Mỹ tại Việt Nam (2014 - 2017) kể.

Bình luận với Tuổi Trẻ, giáo sư David Dapice - chuyên gia kinh tế cao cấp tại Trường Quản lý nhà nước John F Kennedy, ĐH Harvard - cho rằng chuyến thăm của các công ty Mỹ vừa qua một phần nhằm tìm hiểu liệu vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài có thể chuyển từ lắp ráp sang các hoạt động có giá trị gia tăng cao hơn hoặc phức tạp hơn.

"Điều này đòi hỏi phải đào tạo nhân lực tốt hơn tại Việt Nam, vốn là yêu cầu lớn nhất Việt Nam có thể tự đáp ứng nhằm tăng cường khả năng cạnh tranh, dù bên cạnh đó cũng cần các yếu tố như cung cấp năng lượng xanh và cơ sở hạ tầng tốt hơn. 

Các doanh nghiệp Mỹ đang đến Việt Nam vì Việt Nam được đánh giá là an toàn hơn về chiến lược, đặc biệt khi căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc gia tăng" - ông nhận định.

Ông Dapice là một trong những nhân vật thông thạo câu chuyện thương mại Việt - Mỹ. Ông từng tham gia phiên điều trần công khai về cuộc điều tra nghi vấn thao túng tiền tệ theo mục 301 của Văn phòng đại diện thương mại Mỹ (USTR) năm 2020.

Theo giáo sư Dapice, điểm quan trọng có thể thay đổi bức tranh hợp tác kinh tế Việt - Mỹ là khả năng sẽ có các khoản đầu tư chất lượng cao, trong đó Việt Nam tiến lên nấc mới trong chuỗi giá trị.

Môi trường chính trị ổn định cũng là lý do được giáo sư Dapice tán thành. Ông cho rằng nỗ lực đa dạng hóa thị trường và chuỗi cung ứng là điều hợp lý về mặt kinh tế, khi lực lượng lao động Trung Quốc đang thu hẹp và già đi, không phù hợp với công việc nhà máy.

"Đa dạng hóa cũng là điều tốt để quản lý rủi ro. Việt Nam đang hưởng lợi về kinh tế từ những thay đổi hiện nay, và mối quan hệ suôn sẻ Việt - Mỹ là điều có ý nghĩa với Việt Nam. Thậm chí, sẽ còn tốt hơn nữa nếu cải thiện được quan hệ thương mại này, với lưu ý rằng hai nước vẫn có thâm hụt khoảng 116 tỉ USD" - ông Dapice nói.

Ông Joe Biden, khi còn là phó tổng thống Mỹ dưới thời chính quyền Barack Obama, đón tiếp Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm Mỹ vào tháng 7-2015 - Ảnh: Đại sứ quán Mỹ

Ông Joe Biden, khi còn là phó tổng thống Mỹ dưới thời chính quyền Barack Obama, đón tiếp Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm Mỹ vào tháng 7-2015 - Ảnh: Đại sứ quán Mỹ

3 thông điệp nổi bật từ điện đàm

Cuộc điện đàm giữa Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Mỹ Joe Biden vào tháng 3 vừa qua trở thành sự kiện then chốt cho quan hệ Việt - Mỹ năm 2023, năm đánh dấu tròn 10 năm Việt Nam và Mỹ xác lập quan hệ Đối tác toàn diện.

Trong cuộc trao đổi ngày 29-3, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Mỹ Joe Biden đã đánh giá tình hình quan hệ hai nước, đề ra hướng phát triển của mối quan hệ này trong tương lai, và bàn về các lĩnh vực hợp tác quốc tế.

Kết quả cuộc điện đàm có ba điểm nổi bật. Thứ nhất, hai bên nhất trí làm sâu sắc hơn quan hệ song phương. 

Thứ hai, Mỹ tái khẳng định tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và thể chế chính trị của Việt Nam, đồng ý rằng sự tôn trọng là một nền tảng quan trọng của quan hệ hai nước. 

Thứ ba, hai nhà lãnh đạo vui vẻ nhận lời thăm cấp cao lẫn nhau và giao các cơ quan thu xếp thời gian thích hợp.

Không chỉ có giá trị về "phần cứng", thông điệp từ cuộc điện đàm này là hàm ý chính sách quan trọng cho tương lai hợp tác quan hệ Việt - Mỹ. Quan điểm được ông Biden chia sẻ nêu trên đã phản ánh cam kết thắt chặt quan hệ của Mỹ trong khi dành sự tôn trọng đối với lựa chọn chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa phương hóa, đa dạng hóa của Việt Nam.

Mỹ nhiều lần khẳng định vai trò quan trọng của Việt Nam đối với chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, ủng hộ tính trung tâm của Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) cũng như tầm nhìn của ASEAN về Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. 

Sự hợp tác giữa Việt Nam và Mỹ chính xác phải là tập hợp những điểm chung trong hình dung của đôi bên về quan hệ song phương và chiến lược khu vực.

Trước chuyến thăm của Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken tới Việt Nam từ ngày 14 đến 16-4, trợ lý ngoại trưởng Mỹ phụ trách vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương Daniel Kritenbrink cho rằng Mỹ và Việt Nam "gần như hoàn toàn song hành về một kiểu Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương mà chúng tôi muốn thấy".

Ông Kritenbrink, người từng là đại sứ Mỹ ở Việt Nam, nhận xét cả hai đều mong muốn xử lý tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế là nền tảng trong mối quan hệ mới mà Mỹ và Việt Nam muốn xây dựng.

Khi xây dựng chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, Mỹ phải giải quyết bài toán của nhiều quốc gia đồng minh và đối tác: cân bằng giữa Mỹ và Trung Quốc. Việt Nam nhiều lần khẳng định quan điểm đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, và trong trường hợp này là "không chọn phe". 

Vì vậy, người Mỹ có thể chia sẻ mối quan tâm an ninh của Việt Nam, trong khi tìm điểm chung với Việt Nam trong cách tiếp cận với Trung Quốc xét về kinh tế.

Giáo sư David Dapice cho rằng cuộc điện đàm giữa Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Joe Biden rất quan trọng. 

"Đối với Mỹ, Việt Nam là một quốc gia độc lập, không phải đồng minh… Việt Nam cũng là sự thay thế đầy sức hút đối với các công ty Mỹ hoặc châu Á đang tìm cách đa dạng sự lựa chọn khỏi Trung Quốc" - giáo sư Dapice, người thường xuyên theo dõi các vấn đề hợp tác kinh tế Việt - Mỹ, nhấn mạnh. 

Dữ liệu: Ông TED OSIUS cung cấp - Đồ họa: Tấn Đạt

Dữ liệu: Ông TED OSIUS cung cấp - Đồ họa: Tấn Đạt

Đưa quan hệ Việt - Mỹ lên tầm cao mới

Tiếp Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken thăm Việt Nam hôm 15-4, Thủ tướng Phạm Minh Chính dành lời cảm ơn Bộ Ngoại giao Mỹ và cá nhân ông Blinken đã hỗ trợ, thu xếp cuộc điện đàm quan trọng giữa Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Mỹ Joe Biden cuối tháng 3 vừa qua.

Sau cuộc điện đàm này, Việt Nam đã chỉ đạo các cơ quan hữu quan phối hợp với phía Mỹ để triển khai nội dung và kết quả điện đàm, trong đó hướng tới tăng cường và đưa mối quan hệ song phương này lên một tầm cao mới.

Khẳng định quan hệ Đối tác toàn diện hai nước đã phát triển phi thường trên nhiều lĩnh vực, ông Blinken nhất trí với Thủ tướng Phạm Minh Chính rằng hiện nay Mỹ hy vọng sẽ đưa mối quan hệ song phương với Việt Nam lên tầm cao hơn nữa.

Theo ông Blinken, hai bên có thể thực hiện điều này bằng cách tập trung thúc đẩy quan hệ kinh tế, phối hợp ở nhiều lĩnh vực chung như biến đổi khí hậu, năng lượng mới, xây dựng chuỗi cung ứng linh hoạt… Đây cũng là trọng tâm trong chương trình nghị sự giữa hai nước.

Boeing, Netflix quan tâm Việt Nam

Trao đổi với truyền thông Mỹ trước khi tham gia đoàn doanh nghiệp Mỹ đến thăm Việt Nam, Hãng Boeing cho biết họ kỳ vọng sẽ có các cuộc thảo luận tập trung vào mối quan hệ hợp tác ngày càng tăng với Việt Nam, cũng như tìm kiếm phương án nâng cao năng lực ngành hàng không và quốc phòng ở Việt Nam.

"Boeing đã phát triển sự hiện diện tại Việt Nam thông qua việc đầu tư vào xây dựng năng lực địa phương, và phối hợp với các tổ chức ở Việt Nam trên nhiều lĩnh vực như sản xuất, hạ tầng, dịch vụ kỹ thuật, an toàn hàng không, phát triển bền vững, công nghệ và nghiên cứu, huấn luyện, phát triển kỹ năng" - hãng sản xuất máy bay Mỹ nói với Đài CNN.

Trong khi đó, một nguồn thạo tin về Công ty truyền thông Netflix cho rằng nền tảng thường được biết tới với dịch vụ phim trực tuyến này đang tìm cách đánh giá khả năng đáp ứng tiêu chuẩn, quy định mới về yêu cầu đăng ký giấy phép đối với các công ty truyền thông nước ngoài.

Netflix cũng được cho sẽ xem xét quy định về cung cấp nền tảng phát trực tuyến (streaming) tại Việt Nam. Hiện nay công ty này đã cung cấp dịch vụ cho Việt Nam với các bộ phim phụ đề tiếng Việt, nhưng chưa chính thức hiện diện ở Việt Nam.

Hãng tin Reuters hồi tháng 2 năm nay từng đưa tin Netflix sẽ mở văn phòng đầu tiên ở Việt Nam, nhưng công ty này không bình luận gì về kế hoạch trên.

Thương mại Việt - Mỹ đạt 112 tỉ USD, Thủ tướng nói "dư địa còn rất lớn"Thương mại Việt - Mỹ đạt 112 tỉ USD, Thủ tướng nói 'dư địa còn rất lớn'

TTO - Ngày 11-5 giờ Mỹ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tiếp Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Raimondo tại thủ đô Washington, nhân dịp tham dự Hội nghị cấp cao đặc biệt ASEAN - Mỹ, thăm và làm việc tại Mỹ và Liên Hiệp Quốc (LHQ).

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp