Thông tin trên được Phó thủ tướng Trần Lưu Quang cho hay tại diễn đàn Nhịp cầu phát triển Việt Nam 2023 tổ chức ở TP Đà Nẵng chiều 17-3.
Theo phó thủ tướng, thúc đẩy đổi mới sáng tạo là ưu tiên hàng đầu của các chính phủ để phục hồi và vươn lên sau đại dịch. Trong đó, chiến lược phát triển của Việt Nam là phát triển bền vững, phát triển kinh tế số, kinh tế tuần hoàn và tăng trưởng xanh.
Với mục tiêu này, Việt Nam đã đưa ra những cam kết mạnh mẽ cùng cộng đồng quốc tế về phát triển bền vững, giảm phát thải carbon và chuyển đổi sang năng lượng sạch.
Phó thủ tướng Trần Lưu Quang cho biết những năm gần đây tốc độ tăng trưởng kinh tế số của Việt Nam đạt trung bình 38%/năm. Năm 2022, giá trị kinh tế số của Việt Nam đạt khoảng 23 tỉ USD.
Việt Nam trở thành nước có tốc độ phát triển kinh tế số nhanh thứ hai thế giới, sau Ấn Độ, và tốc độ phát triển thương mại điện tử cao nhất khu vực Đông Nam Á. Theo dự báo của Google và Temasek, giá trị kinh tế số của Việt Nam có thể đạt 49 tỉ USD vào năm 2025 và 120 - 200 tỉ USD vào năm 2030.
Tại diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hà Kim Ngọc cho rằng Việt Nam cần thay đổi mô hình tăng trưởng dựa vào tài nguyên sang môi trường tăng trưởng xanh và bền vững hơn. Trong đó, tăng trưởng xanh, chuyển đổi số là ưu tiên và xu thế phát triển.
Theo ông Ngọc, việc chuyển mình từ nền kinh tế nông nghiệp thành nền kinh tế hiện đại, nhiều thành phần, kéo theo nhu cầu năng lượng tăng nhanh. Từ đó phát sinh các vấn đề đảm bảo an ninh năng lượng, ô nhiễm không khí, biến đổi khí hậu đòi hỏi cần xử lý trong nhiều năm tới.
Miền Trung - Tây Nguyên là khu vực chiến lược quan trọng
Trong định hướng phát triển miền Trung và Tây Nguyên, Phó thủ tướng Trần Lưu Quang nói đây là khu vực chiến lược quan trọng. Chủ trương của Đảng và Chính phủ là phát triển khu vực Tây Nguyên trên nền tảng chính là nông nghiệp, lâm nghiệp; công nghiệp chế biến là động lực và phát triển du lịch là đột phá.
Khu vực Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ trở thành vùng phát triển năng động, bền vững về kinh tế biển, có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại, có khả năng chống chịu thiên tai và biến đổi khí hậu. Đến năm 2045, hình thành một số trung tâm công nghiệp, dịch vụ ngang tầm khu vực.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận