21/11/2024 10:52 GMT+7

Thương mại điện tử: Không chỉ là bán hàng

Hàng Việt được hỗ trợ nhiều nhưng tại sao dịch chuyển lên kênh online vẫn chậm? Tại sao hàng ngoại vào Việt Nam qua các nền tảng thương mại điện tử vừa nhanh, vừa rẻ?...

Thương mại điện tử: Không chỉ là bán hàng - Ảnh 1.

Đại diện ban tổ chức tặng cây xanh cho các đại biểu

Đó là hai trong nhiều chủ đề được thảo luận sôi nổi tại hội thảo "Tiếp sức hàng Việt trên sàn thương mại điện tử" vào chiều 20-11.

Hội thảo do báo Tuổi Trẻ phối hợp với Hiệp hội Thương mại điện tử (TMĐT) Việt Nam (VECOM) tổ chức, với sự đồng hành của Tập đoàn KIDO, Công ty Shopee Việt Nam, cùng 250 khách tham dự nhận diện những thế mạnh của hàng Việt trong bối cảnh cạnh tranh mới.

Vì sao hàng Trung Quốc rẻ hơn hàng Việt?

Thống kê của Google cho thấy TMĐT Việt Nam tăng trưởng khoảng 18% trong năm 2023 và trong quý 3 vừa qua, thống kê trên các sàn cũng cho thấy tăng trưởng khoảng 18%. Xu hướng bán hàng trực tuyến qua hình thức livestream bùng nổ.

Nhiều kênh livestream chỉ mới tạo vài ngày và livestream hàng đêm đã thu hút đến 30.000 - 40.000 người xem, tức có thể đạt đến gần cả chục triệu lượt xem mỗi tháng..., thúc đẩy tăng trưởng doanh thu.

Ông Trần Quốc Bảo, phó tổng giám đốc Tập đoàn Kido kiêm giám đốc điều hành TMĐT E2E, khẳng định TMĐT đang trở thành một xu hướng tất yếu trong phân phối sản phẩm, và Tập đoàn Kido đã nhanh chóng nắm bắt cơ hội này.

Tuy nhiên thay vì chỉ tập trung vào việc bán sản phẩm riêng, Kido xác định xây dựng một kênh phân phối hiệu quả, mở rộng đầu ra không chỉ cho các sản phẩm của tập đoàn mà còn cho nhiều thương hiệu khác.

"Chúng tôi tham gia vào TMĐT không phải để cung cấp dịch vụ hay chỉ tập trung bán sản phẩm riêng. Chúng tôi định hướng xây dựng một kênh phân phối toàn diện, tạo đầu ra bền vững cho các sản phẩm khác nhau, từ thương hiệu của Kido đến các đối tác", ông Bảo chia sẻ trong phần thảo luận.

Định hướng này của Kido không chỉ giúp tăng cường khả năng tiếp cận người tiêu dùng mà còn thúc đẩy sự phát triển của toàn bộ hệ thống phân phối sản phẩm.

Tại các quốc gia livestream phát triển như Trung Quốc, khái niệm "công nhân livestream" đã xuất hiện. Các doanh nghiệp thậm chí thiết lập các "nhà máy livestream" với hàng ngàn phòng và vận hành theo ca, giống như một dây chuyền sản xuất chuyên nghiệp.

Đây là minh chứng rõ ràng cho việc lực lượng này đã tạo ra giá trị kinh tế đáng kể. Với xu hướng tất yếu đó, các doanh nghiệp thừa nhận bán hàng xuyên biên giới hay bán hàng trên nền tảng số được xem là "bình thường mới".

Ông Nguyễn Thành Trung, giám đốc Công ty TNHH Giải pháp công nghệ logistics (LTS), cho rằng trong xu thế bán hàng TMĐT xuyên biên giới, hàng Trung Quốc trở nên cạnh tranh vì thỏa mãn hai yêu tố "giao nhanh, giá rẻ". Thực tế một sản phẩm sản xuất tại Trung Quốc khi xuất xưởng đã có ngay lợi nhuận. Vì sao?

Theo ông Trung, giá trị bán ra hàng Trung Quốc trên sàn TMĐT vài chục nghìn đồng nhưng không đồng nghĩa nó đã bao gồm chi phí giao hàng, thuế phí... Các khoản này đã được ẩn đi nhờ phương thức kinh doanh mới: xu hướng đưa hàng từ nhà sản xuất trực tiếp đến người dùng và bỏ qua khâu trung gian.

Khi được nhập khẩu vào Việt Nam, sản phẩm được xem là hàng hóa cá nhân chứ chưa chắc đã là hàng buôn bán dẫn đến việc áp thuế nhập khẩu gặp rất nhiều khó khăn. Điều này không chỉ xảy ra ở Việt Nam mà còn xảy ra tương tự với các nước khác trên thế giới.

"Như vậy, một sản phẩm Trung Quốc khi đem vào Việt Nam nhưng bị thuế đánh thấp hơn so với các doanh nghiệp Việt Nam phải trả, đương nhiên là giá sản phẩm Trung Quốc phải rẻ hơn rồi", ông Trung nói.

Thương mại điện tử: Không chỉ là bán hàng - Ảnh 2.

Khách mời tham gia tọa đàm tại hội thảo "Tiếp sức hàng Việt trên sàn thương mại điện tử" vào chiều 20-11 - Ảnh: HỮU HẠNH

Đâu là thế mạnh của hàng Việt?

Với sự phát triển lớn mạnh của các hệ thống TMĐT và logistics, hàng nước ngoài tràn vào khiến doanh nghiệp bán lẻ trong nước phải đối mặt với thách thức về giá và tốc độ dịch vụ. Vậy hàng Việt có thế mạnh gì để cạnh tranh được với hàng nhập khẩu trên các nền tảng TMĐT xuyên biên giới?

Diệp Lê (32 tuổi), một KOL nổi tiếng với những phiên livestream đem lại doanh thu triệu đô, chia sẻ cô đã có dịp sang Trung Quốc và Hàn Quốc để xem một số doanh nghiệp các nước thực hiện livestream bán những đơn hàng khủng, cũng như tìm hiểu các cách thức hỗ trợ doanh nghiệp nước sở tại bán hàng xuyên biên giới.

"Tôi thấy rằng không có một công thức chung nào cho các doanh nghiệp ở Trung Quốc hay Hàn Quốc khi bán hàng ra thế giới. Và tôi tin Việt Nam mình cũng như thế. Vấn đề cần giải quyết khó nhất hiện nay với các đơn hàng quốc tế là cách kiểm soát chất lượng. Đây cũng là thế mạnh của hàng Việt", Diệp Lê nói.

Ông Nguyễn Minh Đức, phó tổng thư ký VECOM, cũng cho rằng nhân viên trí tuệ nhân tạo (AI) có thể thực hiện các phiên livestream đến vài nghìn đơn hàng, bán hàng thời trang đổi size, đổi màu... giúp doanh nghiệp giảm 70 - 80% nhân sự cho khâu bán hàng và hậu mãi.

Theo ông Đức, theo thống kê gần đây về 10 thương hiệu có doanh số cao nhất trên sàn TMĐT, chỉ có Vinamik là doanh nghiệp nội nhưng nằm cuối cùng trong danh sách.

Với những sản phẩm như thời trang, gia dụng..., tỉ lệ người mua quan tâm sản phẩm trong nước chỉ 17%. Ngược lại, đối với hàng bách hóa, nông sản, thực phẩm..., 80% người tiêu dùng quan tâm hàng Việt Nam.

"Cần dựa vào nguồn thế mạnh bản địa, am hiểu khách hàng sâu sắc và chăm sóc hậu mãi, hàng Việt có thể tận dụng công nghệ để hỗ trợ, tăng cạnh tranh trên sàn TMĐT", ông Đức nhấn mạnh.

Tự nhận mình là một trong những đơn vị tiên phong đưa nông sản Việt chế biến sâu ra thế giới, ông Nguyễn Ngọc Luận, giám đốc Công ty Meet More, cho rằng trong quá trình đưa hàng ra thế giới, thay vì dàn trải, hàng Việt cần đi sâu vào từng phân khúc cụ thể, tiêu chuẩn hóa chất lượng và tập trung vào nhóm sản phẩm thế mạnh. Đây là chìa khóa để thành công, nhất là trên các sàn TMĐT.

"Việc sử dụng thương hiệu OCOP (chương trình Mỗi xã một sản phẩm) là một bước tiến quan trọng để nâng tầm hàng Việt. Việc OCOP phân loại sản phẩm theo tiêu chuẩn 3 sao, 4 sao và 5 sao một cách rõ ràng đã giúp thương hiệu Việt có định hướng trọng tâm, tạo sức bật để cạnh tranh trên sàn TMĐT lẫn thị trường quốc tế", ông Luận nói.

Anh LÊ SĨ DŨNG (chủ shop Shoptid - Mỹ phẩm chính hãng và là Shopee KOL Seller - Người bán kinh nghiệm của Shopee tại TP.HCM):

Chi phí bán hàng online có thể "vượt mặt" doanh thu giai đoạn đầu

Khi bắt đầu kinh doanh online, chúng tôi nhận ra rằng trong nhiều trường hợp, chi phí marketing đôi khi còn vượt cả doanh thu trong giai đoạn đầu. Đây là thực tế mà nhiều doanh nghiệp gặp phải khi bước vào thị trường TMĐT - nơi không chỉ cạnh tranh mà còn đòi hỏi sự đầu tư bài bản về mặt hình ảnh, nội dung và quảng bá.

Chi phí dành cho marketing trên các nền tảng trực tuyến thường chiếm tỉ lệ cao, khoảng 45 - 50% doanh thu. Các chi phí này bao gồm quảng cáo trên Facebook và TikTok, sản xuất video, chạy chiến dịch khuyến mãi, và tạo các chương trình ưu đãi sản phẩm.

Ngoài ra, người bán hàng trên sàn TMĐT như Shopee hay TikTok Shop còn phải chịu mức phí sàn cơ bản dao động từ 15 - 18%, chưa kể các khoản bổ sung để tối ưu hóa hiệu quả bán hàng.

Vì vậy, khi tham gia kinh doanh online, doanh nghiệp phải lựa chọn sản phẩm phù hợp, tối ưu chi phí marketing và phải biết tận dụng công nghệ và dữ liệu, phân tích hành vi khách hàng để điều chỉnh chiến lược phù hợp.

Tiểu thương cũng sốt ruột!

Nhiều chuyên gia cho rằng cần đẩy mạnh chuyển đổi số cho tạp hóa, quầy sạp. TP.HCM có hơn 40.000 cửa hàng tạp hóa được trang bị đầy đủ, chuẩn hóa nguồn hàng... Nếu tất cả chuyển đổi số sẽ đủ sức tạo thành mạng lưới phân phối lớn cho hàng Việt, thương nhân đủ sức sống với hàng Việt.

Ông Lý Đại Lâm - đại diện cửa hàng Cà Ri Anh Hai, tiểu thương chợ Bến Thành - cho biết người tiêu dùng Việt vẫn có tâm lý ưu tiên hàng giá rẻ và đây cũng chính là lợi thế của hàng Trung Quốc.

Trước làn sóng hàng Trung Quốc trên kênh TMĐT, ông Lâm cho biết các tiểu thương cũng sốt ruột, vì thế cần có các buổi tập huấn bán hàng với các nền tảng số, giúp họ tiếp cận được thông tin trên sàn TMĐT, nắm bắt xu hướng hiệu quả hơn.

Doanh nghiệp Việt phải sớm thích nghi

Theo các doanh nghiệp, vấn đề của doanh nghiệp Việt Nam là thiếu quyết tâm lẫn tư duy sẵn sàng tham gia vào những cuộc chơi mới. Nhìn sang Trung Quốc, quốc gia này đã tạo ra các "nhà máy livestream" - nơi hàng nghìn phòng vận hành chuyên nghiệp theo mô hình dây chuyền. Người dân và tiểu thương Trung Quốc rất rõ ràng về cách làm TMĐT. Chỉ cần một kênh mới ra mắt, họ đã biết cách tận dụng và phát triển.

Còn ở Việt Nam, nhiều doanh nghiệp vẫn còn mơ hồ. Ông Trần Quốc Bảo cho rằng quan trọng là doanh nghiệp Việt đã thực sự lên các nền tảng số hay chưa?

Doanh nghiệp Việt đã thực sự tận dụng TMĐT hay chỉ dừng lại ở mức độ tham gia ban đầu? Nhiều chương trình hỗ trợ đã mở đường, nhưng việc doanh nghiệp có cam kết lâu dài hay không mới là yếu tố quyết định thành công.

Theo ông Bảo, Tập đoàn Kido trong những ngày đầu kinh doanh qua sàn TMĐT phải mất đến sáu tháng mới có kết quả khả quan. Ngay cả con số doanh thu TMĐT của Kido đã đạt trung bình 29 - 30 tỉ đồng/tháng vẫn còn khiêm tốn nếu so sánh với các kênh truyền thống nhưng cần cam kết dài hạn là yếu tố sống còn khi chuyển đổi sang kinh doanh TMĐT.

"Doanh nghiệp Việt cần vượt qua hai rào cản lớn là sự cam kết và kiên trì theo đuổi. Thứ nữa là giải quyết xung đột giữa kênh online và offline.

Một số doanh nghiệp e ngại rằng việc bán hàng online sẽ làm ảnh hưởng đến mối quan hệ với các nhà phân phối truyền thống hoặc đại lý bán lẻ. Điều này tạo ra tâm lý do dự và hạn chế sự phát triển mạnh mẽ của kênh TMĐT", ông Trần Quốc Bảo nêu.

Ông Nguyễn Minh Hùng, phó phòng quản lý thương mại Sở Công Thương TP.HCM, cho rằng dù mua bán trên nền tảng công nghệ vẫn phải qua giao nhận, logistics đóng vai trò cực kỳ quan trọng. Do đó các doanh nghiệp phải nhanh chóng thích ứng và xem công nghệ là chiến lược bán hàng, kênh phân phối mới. Quan trọng hơn, doanh nghiệp phải có định hướng tầm nhìn.

Theo ông Hùng, một doanh nghiệp A khoe xuất khẩu được 5 container, nhưng khi hỏi doanh nghiệp Trung Quốc thì năm rồi xuất khẩu 10 triệu đơn hàng tới 30 quốc gia. Các doanh nghiệp Trung Quốc tổ chức quy mô hoạt động đóng gói cho những đơn hàng xuất khẩu hàng xuyên biên giới thực trong công ty, kho hàng doanh nghiệp.

"Những kiện hàng nhỏ xuất khẩu xuyên biên giới nhưng chiếm hơn 10% trong tổng kim nghạch xuất khẩu của Trung Quốc. TMĐT không chỉ là một xu thế mà đã trở thành một kênh phân phối quan trọng, mở ra cơ hội lớn cho hàng Việt vươn xa", ông Hùng nói.

Ông NGUYỄN NGUYÊN PHƯƠNG (phó giám đốc Sở Công Thương TP.HCM):

Không hành động, khó khăn sẽ còn tiếp diễn

Để tiếp sức hàng Việt, cần nhiều khâu từ quảng bá, cạnh tranh bình đẳng, TMĐT tốt, bảo hộ... nhưng trước tiên cần chọn lọc những đơn vị làm tốt, có câu chuyện hay để lan tỏa. Chỉ có học hỏi, noi theo trường hợp thành công thì các doanh nghiệp mới chủ động thay đổi, phát triển.

Nếu chúng ta "chờ ngon lành để chơi" thì rất khó, nên phải tự cứu mình, cái gì dễ làm trước. Năm 2023 TP tổ chức hội chợ hàng Việt Nam xuất khẩu được 250 gian hàng, 2024 lên 450 gian, và mục tiêu 2025 lên 1.000 gian.

Từng doanh nghiệp thấy có sáng kiến, giải pháp nào hay cứ trao đổi, chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ và báo cáo TP cho chủ trương thực hiện. Chúng ta lo lắng, áp lực trước hàng nhập nhưng không hành động thì khó khăn sẽ còn tiếp diễn.

Ông BÙI ĐỨC THIỆN (đồng sáng lập kiêm giám đốc điều hành thương hiệu thời trang Erosska):

Cần có chiến lược dài hạn

Ba yếu tố then chốt giúp doanh nghiệp tận dụng tốt kênh phân phối TMĐT gồm "thích nghi phù hợp", "nhanh và nhạy", "tăng trưởng bền vững". Đây không chỉ là kim chỉ nam cho các doanh nghiệp trẻ mà còn là bài học cho mọi thương hiệu muốn thành công trong môi trường TMĐT đầy cạnh tranh.

Doanh nghiệp cần xem TMĐT như một phần quan trọng trong chiến lược kinh doanh và dành thời gian nghiên cứu, thử nghiệm để bán hàng hiệu quả. Nếu chỉ chạy theo phong trào, không ít doanh nghiệp sẽ đối mặt với thất bại bởi đây còn là một ngành thay đổi không ngừng với tốc độ chóng mặt. Một vấn đề phổ biến trong lĩnh vực TMĐT là nhiều doanh nghiệp trẻ tập trung quá mức vào việc tăng trưởng nhanh, dẫn đến thiếu chiến lược dài hạn.

Thay vì chỉ chạy theo những con số ngắn hạn, doanh nghiệp cần cân đối giữa doanh thu, lợi nhuận và việc xây dựng giá trị thương hiệu.

Ông NGUYỄN XUÂN THẢO (ủy viên ban thường vụ Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam - VLA):

Ứng dụng AI để truy xuất nguồn gốc hàng Việt

Một số giải pháp logistics có thể triển khai nhằm nâng cao sức cạnh tranh của hàng Việt trên sàn TMĐT theo định hướng bền vững, đó là phát triển hệ sinh thái logistics và chuỗi cung ứng xanh; sử dụng xe máy điện cho giao hàng chặng cuối nhằm giúp giảm thiểu tắc nghẽn giao thông và thân thiện với môi trường, giúp tăng hình ảnh của hàng Việt.

Ngoài ra, cần ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) và học máy (machine learning) trong kiểm soát và truy xuất nguồn gốc hàng hóa được hiệu quả và nhanh chóng, giúp người tiêu dùng tin tưởng vào hàng Việt hơn.

Song song đó, tăng cường hợp tác với Chính phủ và ngành hải quan để cải thiện quy trình hải quan và giảm thiểu các rào cản pháp lý, giúp hàng hóa lưu thông thuận lợi và giảm chi phí cũng như tăng tính bền vững đối với hoạt động logistics cho TMĐT.

KOC HUYỀN PHI:

Hàng Việt chưa tiếp cận nhiều công nghệ bán hàng

Rào cản lớn nhất đối với hàng Việt là chưa tiếp cận được nhiều công nghệ bán hàng và sàn TMĐT. Doanh nghiệp lớn có lực lượng nhân sự tốt nên ổn, nhưng cơ sở nhỏ, nông dân... chưa rành cách bán hàng trên sàn, thậm chí không biết sàn TMĐT là gì.

Gần đây, sau buổi TikTok Shop hỗ trợ đào tạo bán hàng, cô chú nông dân bất ngờ khi chỉ 2 - 3 tiếng là bán rất nhiều hàng, hơn hẳn cách bán truyền thống.

Ông TRƯƠNG GIA BẢO (phó chủ tịch Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam):

Người dùng dành nhiều thời gian hơn trên online

Traffic không đến từ các trang nội dung mà bây giờ là sân chơi của các mạng xã hội, short video... Với quảng cáo, khách hàng ở đâu thì quảng cáo ở đó. Người dùng đang dành nhiều giờ hơn trên online, vì thế ngân sách cho quảng cáo cũng theo xu hướng này.

Chi tiêu quảng cáo tại thị trường Việt Nam dự kiến đạt 2.763 triệu USD vào năm 2024. Với xu hướng kỹ thuật số đang phát triển hiện nay, dự kiến đến năm 2029 có đến 60% tổng chi tiêu quảng cáo sẽ đến từ các nguồn kỹ thuật số.

PGS.TS HOÀNG CÔNG GIA KHÁNH (hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế - luật, ĐH Quốc gia TP.HCM):

Công bằng về thuế là một thách thức

Đảm bảo công bằng về thuế đối với hoạt động TMĐT không chỉ là thách thức của Việt Nam mà là của tất cả các nước phát triển khi đụng đến sự phát triển vượt bậc của công nghệ. Trong TMĐT xuyên biên giới, theo luật định, dòng tiền đi từ người dùng qua trung gian thanh toán rồi ra nước ngoài đều phải qua ngân hàng thương mại.

Tuy nhiên số lượng giao dịch rất lớn và giá trị giao dịch lại rất nhỏ, khi đó nền tảng TMĐT sẽ kết nối như thế nào và Ngân hàng Nhà nước giám sát ra sao? Nếu không làm tốt sẽ có thể tạo ra sự không công bằng cũng như dẫn đến những vấn đề về tuân thủ quy định pháp luật khi so sánh với các doanh nghiệp khác.

Thương mại điện tử: Không chỉ là bán hàng - Ảnh 3.Tăng sức cạnh tranh cho hàng Việt trên sàn thương mại điện tử

Thống kê của Google cho thấy thương mại điện tử Việt Nam tăng trưởng khoảng 18% trong năm qua. Quý 3-2024, các sàn cũng ghi nhận tăng trưởng khoảng 18%.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp