07/12/2020 15:16 GMT+7

Thương lắm tiếng khóc bé thơ bị bỏ rơi ở bệnh viện

DIỆU QUÍ
DIỆU QUÍ

TTO - "Thương lắm! Có một em bé không tay, không chân được sinh ra ở đây. Người mẹ thấy con dị tật, lo sợ nên không quay lại đón bé nữa".

Thương lắm tiếng khóc bé thơ bị bỏ rơi ở bệnh viện - Ảnh 1.

Chị Ngọc Loan chăm sóc hai bé bị bỏ rơi ở khoa sơ sinh BV Hùng Vương - Ảnh: DIỆU QUÍ

Bác sĩ Bùi Thị Thủy Tiên, trưởng khoa sơ sinh Bệnh viện (BV) Hùng Vương (TP.HCM), cho biết như trên, nói rằng đó là một trong hàng trăm bé thơ bị mẹ chối bỏ mà BV từng cứu.

"Đọc tin thấy các bé mới sinh đã bị bỏ rơi ở hố ga, bãi rác, bụi cây đến chết mà tôi không cầm được nước mắt. Người hiếm muộn như tôi chỉ ước mong một ngày được nghe hai tiếng mẹ ơi.

Chị Nguyễn Thị Thanh Thủy (Q.Tân Bình, TP.HCM)

20 năm công tác tại khoa nhi - sơ sinh, bác sĩ Thủy Tiên nhận định tình trạng trẻ sơ sinh bị mẹ ruột bỏ rơi hầu như năm nào cũng có. Năm 2019, BV Hùng Vương ghi nhận có 18 bé "mồ côi mẹ", con số này trong năm nay là 21 bé.

Mới chào đời đã thiếu tình mẹ cha

Theo bác sĩ Tiên, trẻ bị bỏ thường rơi vào các trường hợp sinh non, dị tật, hội chứng Down, não úng thủy, tim bẩm sinh, mẹ nghiện ngập, gia cảnh khó khăn, thai ngoài ý muốn... "Khi em bé sinh ra có bất thường sẽ được đưa vào khoa sơ sinh của chúng tôi để điều trị, chăm sóc, theo dõi bệnh tình. Người mẹ chỉ được vào thăm con mỗi ngày một lần. 

Nhưng khi đưa con vào thì họ không tới thăm bé nữa hoặc thăm một, hai lần rồi bặt tăm. Còn một số trường hợp trẻ sinh ra khỏe mạnh, ở phòng hậu sản. Người mẹ sẽ giả dạng người đi khám thai để trốn ra ngoài. Số ít là trẻ được người đi đường nhặt từ bên ngoài đưa vào bệnh viện để chăm sóc.

Nhiều người thấy con non tháng khó nuôi, tốn kém và nghĩ con khó sống nên chối bỏ luôn. Những đứa trẻ cực nhẹ cân (800 - 1.000g) được nuôi dưỡng cũng gần hai, ba tháng. Vậy mà đến khi nuôi sống, gia đình trẻ lại bỏ trốn luôn, không đến nhận con. Chúng tôi thương yêu, chăm sóc các bé bị bỏ rơi như những trẻ bình thường khác, không phân biệt, đối xử gì cả" - bác sĩ Tiên xót xa tâm sự.

Không chỉ đơn giản là điều trị bệnh, thời gian rảnh các chị em điều dưỡng ở BV cũng ẵm bồng, chơi đùa, massage cho bé để bé cảm nhận hơi ấm, tình cảm yêu thương mà bé bị thiếu hụt. Khi bé không có người nhà đến thăm, BV sẽ gửi thư về nhà. Nếu sau ba lần vẫn không thấy mẹ đến, bé sẽ được liệt vào danh sách bị bỏ rơi. Nhiều trường hợp có ý định bỏ con ngay từ đầu, khai địa chỉ "ma" nên thư không gửi đi được.

Với trẻ khỏe mạnh, sau hai tháng xác nhận "mồ côi", BV sẽ làm hồ sơ, giấy khai sinh và chuyển đến một trong các trung tâm nuôi dưỡng bảo trợ trẻ em sau khi bé khỏi bệnh. Một số trường hợp sau khi gửi thư, người mẹ đến nói không có tiền nuôi. 

"Những trường hợp khó khăn tiền bạc, BV đều sẽ giúp đỡ, quan trọng là họ muốn đón con hay không thôi. Có người nghèo quá, không đủ tiền đóng viện phí sinh con, mấy chị em điều dưỡng và hộ sinh ở đây gom góp lại cho đủ. Tụi tôi sợ họ bỏ con tới mức phải dẫn họ đi đóng chứ không dám đưa tiền trực tiếp, sợ họ đem đi luôn mà không đón con" - chị Hồ Thị Ngọc Loan, hộ sinh khoa sơ sinh BV Hùng Vương, ngậm ngùi chia sẻ.

Nhiều bé ở BV vài tháng, gần một năm để điều trị đã bắt đầu lớn, biết lật, biết nhận dạng người quen. 

"Có những bé rất lanh, buổi tối thấy mình đi qua đi lại là bé dòm, kêu. Ngoan lắm, giống như bé biết thân biết phận, ăn xong rồi nằm ngủ, lớn chút nữa thì đòi ẵm. Mình ẵm lên nói "con nằm ngoan cho mẹ làm việc nha!" là nghe lời, nằm im ru" - chị Ngọc Loan trải lòng và dẫn chúng tôi vào thăm ba em bé bị bỏ rơi (độ tuổi 2, 3 và 5 tháng) đang có mặt ở BV. Trong đó hai bé sinh non, bé còn lại bị vàng da.

Âu yếm nhìn bé trai sinh non nay đã 5 tháng tuổi, chị Loan tâm sự bé bị nhiều bệnh như mắt có vấn đề, suy hô hấp, nhẹ cân, phải thở máy, truyền máu. Bé được cứu chữa tận tình nên đã khỏe hơn nhiều.

"Chắc con ăn Noel ở đây rồi mới đi" - chị mỉm cười nhìn bé thơ đang oe oe như chính con ruột của mình.

Thương lắm tiếng khóc bé thơ bị bỏ rơi ở bệnh viện - Ảnh 3.

Chị Ngọc Loan trên đường đưa một bé gái đến trung tâm nuôi dưỡng bảo trợ trẻ em. Bé quấn lấy chị không rời - Ảnh: NVCC

Mong người thân quay lại với con

Chị Loan kể lần nào đưa các bé đi, các hộ sinh, điều dưỡng ở đây ai cũng khóc. "Có bé dường như cảm nhận sáng mai sẽ bị chuyển đi nên tối hôm đó bé bỏ ăn, không ngủ!" - chị kể và mở điện thoại cho chúng tôi xem tấm ảnh chụp với một bé gái trên đường đưa đến trung tâm nuôi dưỡng. 

"Đi trên xe, tôi cảm nhận con buồn lắm. Lúc tới nơi, trao con cho người khác bồng, con khóc dữ lắm, ôm dính tôi. Con bị bỏ ở BV quận 11, được chuyển qua đây tới 8 - 9 tháng mới đi nên con quen mặt mình" - chị Loan xót xa kể. Mỗi lần đưa các bé đi, chị đều chụp hình để có dịp đến thăm thì biết bé đã lớn thế nào.

Khi biết được em bé nào đó có người nhận nuôi, hoặc cha mẹ tìm đến xin lại, chị Loan rất vui. Chị kể hơn 15 năm trước, có một bé trai được người Pháp xin nuôi và đưa ra nước ngoài. 

"Năm bé 8 tuổi, ông ấy dẫn bé về thăm lại BV để bé biết nơi mình được sinh ra. Nhìn bé lớn, đẹp trai, thấy thương lắm!" - chị nhớ lại.

Đặc biệt, ngoài những bà mẹ bỏ đi không lời từ biệt, cũng có một số người quay lại tìm núm ruột của mình sau một thời gian bỏ con. Chị Loan nói cách đây mấy hôm, một bà mẹ trẻ đến BV tìm con sau hai năm bỏ đi, hỏi sao giờ mới tới đón con, người phụ nữ ái ngại nói do mới ở tù về!

Một trường hợp khác, em bé sinh năm 2013 được mẹ đến tìm sau 7 năm bỏ rơi. "Bé đó giờ cũng đã 7 tuổi, BV chỉ còn lưu hồ sơ của bé nên tụi tôi đã hướng dẫn người mẹ này đến trung tâm mà bé được chuyển đến để tìm con" - chị Loan kể.

Tâm sự những chuyện đời quá xót xa này, bác sĩ Nguyễn Thị Từ Anh - trưởng khoa sơ sinh BV Từ Dũ (TP.HCM) - cho biết không phải ai sinh con xong cũng im lặng bỏ trốn; có trường hợp bà mẹ chủ động thông báo không đủ khả năng nuôi dưỡng, muốn gửi con lại nhờ BV chăm sóc.

Bác sĩ Từ Anh vẫn còn nhớ chuyện cách đây 20 năm. Hôm đó đang đi lên cầu thang trên khoa, bác sĩ thấy một người đàn ông vừa chạy xuống vừa khóc. Sau đó mới biết có một bé sơ sinh vừa bị bỏ rơi cùng túi quần áo, kèm bức thư. 

Trong thư nói rằng cả cha và mẹ bé đều đã bị nhiễm HIV, họ không thể nuôi được nên gửi con lại, nhờ BV chăm giúp. Bé may mắn sinh ra khỏe mạnh, các bác sĩ đã điều trị phòng ngừa cho bé rồi đưa tới trung tâm nuôi dưỡng và bảo trợ trẻ em.

"Tôi đoán người đàn ông đó là cha bé. Khi người ta rứt ruột bỏ con, họ cũng có nỗi khổ riêng chứ không phải ai cũng nhẫn tâm bỏ máu mủ của mình!" - bác sĩ Từ Anh kể lại.

34

Đó là số bé sơ sinh bị bỏ rơi ở hai BV Hùng Vương và Từ Dũ từ đầu năm đến nay, trong đó BV Hùng Vương 21 bé, BV Từ Dũ 13 bé.

Tìm lại con vì ân hận

Bác sĩ Từ Anh kể cách đây 10 năm, có một em bé sinh ra bị hội chứng Down, gia đình đã quyết định bỏ bé. Vài tháng sau, họ quay lại BV tìm con vì ân hận, không yên lòng được. Nhưng lúc đó bé đã được đưa tới trung tâm nuôi trẻ mồ côi. "Khi chúng tôi liên lạc, bên trung tâm cho biết ngoài bị Down, bé còn có nhiều dị tật bẩm sinh khác nữa nên đã mất rồi!" - bác sĩ xúc động kể.

Bé sơ sinh bị bỏ rơi 2 tháng ở bệnh viện đã được cha mẹ đến nhận Bé sơ sinh bị bỏ rơi 2 tháng ở bệnh viện đã được cha mẹ đến nhận

TTO - Cha mẹ cháu bé bị bỏ rơi 2 tháng ở bệnh viện đã ký vào biên bản sẽ không bỏ con và chịu trách nhiệm hoàn toàn với bé.

DIỆU QUÍ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp