20/01/2020 11:00 GMT+7

Thương làm sao ‘tết cuối tuần’ rưng rưng của người Việt mình

D. KIM THOA
D. KIM THOA

TTO - Sang Mỹ từ năm 2016, từ đó tới nay anh Vũ chưa có dịp về quê ăn Tết lần nào. Ngoài chuyện thu xếp thời gian nghỉ để cả nhà cùng về đã là chuyện rất khó thì mức lương của một người làm khoa học ở Mỹ cũng không quá dư giả ...

Thương làm sao ‘tết cuối tuần’ rưng rưng của người Việt mình - Ảnh 1.

Đi chợ hoa tết ở bang Texas - Ảnh: NGUYỄN DANH LAM

Ở những nước không ăn Tết nguyên đán, những ngày tết người Việt vẫn phải làm việc bình thường. Bởi vậy năm nào tết cổ truyền rơi vào dịp cuối tuần, không khí đoàn tụ của họ sẽ trọn vẹn hơn.

Chia sẻ với Tuổi Trẻ Online trong những ngày cuối năm âm lịch, nhiều người Việt đang sống và làm việc ở nước ngoài đồng cảm ở niềm vui chung nho nhỏ: vì năm nay tết nguyên đán rơi vào cuối tuần nên không khí tết cổ truyền cũng đặc biệt và rộn ràng hơn.

"Tết cuối tuần"

Đã ngót 15 năm anh Lê Đức Dũng, hiện đang công tác tại Phòng thí nghiệm nghiên cứu ung thư máu và ghép tế bào gốc, Bệnh viện ĐH Würzburg (Đức), chưa có dịp về Việt Nam ăn tết nguyên đán. Anh sang Đức từ năm 2005, sau đó học đại học, làm tiến sĩ rồi đi làm và nay thì định cư luôn.

Anh bảo hồi mới sang cũng nhớ Tết Việt lắm, nhưng rồi theo thời gian, cùng với nhịp công việc ào ạt cuốn đi, nỗi nhớ đó cũng dịu dần để thích nghi hơn với những cái "tết cuối tuần" như anh gọi.

Tết cổ truyền của người Việt thường rơi vào khoảng tháng 1 hoặc tháng 2 dương lịch, đó là thời gian người lớn vẫn đi làm, trẻ con vẫn đi học nên việc thu xếp về nước ăn tết không đơn giản. Với các con anh, tới giờ chúng vẫn chỉ biết đến Tết qua lời kể bố mẹ.

Theo anh Dũng, thường các gia đình Việt Nam chỗ anh sẽ chọn ngày cuối tuần gần Tết nhất để họp mặt, ăn với nhau bữa cơm tất niên, cũng để sẻ chia không khí đón tết dân tộc nơi xa xứ.

"Lâu rồi người ta cũng quen với kiểu Tết... cuối tuần bên này. Tuy nhiên ai cũng nhớ về Tết và thường mọi người hay gọi điện về gia đình nhiều hơn vào dịp này", anh Dũng chia sẻ.

Dù không về được, nhưng mỗi gia đình người Việt vẫn luôn bày những mâm cỗ, trái cây nho nhỏ để thắp hương trên bàn thờ tổ tiên trong ba ngày tết. Bây giờ ở thành phố Würzburg (bang Bayer) nơi anh Dũng ở, muốn mua sắm đồ tết chẳng khó, món gì cũng có, chỉ… đắt thôi.

15 năm chưa được về quê ăn Tết, nhưng anh Dũng vẫn nhớ và thèm món dưa hành đặc trưng ở vùng quê Nam Đàn, Nghệ An của mình, món ăn mà anh bảo phải ăn nhanh vì để lâu sẽ mất ngon. "Củ hành nhỏ nhỏ như ở quê mình ở bên này cũng không tìm thấy", anh kể.

Thương làm sao ‘tết cuối tuần’ rưng rưng của người Việt mình - Ảnh 2.

Quầy bán bánh chưng, bánh tét tại một khu chợ phục vụ tết cho cộng đồng người Việt tại bang Maryland - Ảnh: HỮU TÀI

Thương làm sao ‘tết cuối tuần’ rưng rưng của người Việt mình - Ảnh 3.

Quầy hàng tết phục vụ người Việt tại bang Maryland, Mỹ - Ảnh: HỮU TÀI

Thương làm sao ‘tết cuối tuần’ rưng rưng của người Việt mình - Ảnh 4.

Chợ hoa, cây kiểng phục vụ tết của người Việt tại bang Texas, Mỹ - Ảnh: NGUYỄN DANH LAM

Luôn mong một ngày được trở về

Chung hoàn cảnh "tết cuối tuần" như anh Dũng là anh Nguyễn Hồng Vũ hiện đang công tác tại Viện Nghiên cứu ung thư quốc gia City of Hope (Califfornia, Hoa Kỳ).

Đã thành thông lệ, vào dịp cuối tuần của tuần gần tết nhất (nếu rơi vào trúng tết nguyên đán như năm nay thì quá tuyệt), cả gia đình anh Vũ lại lái xe khoảng một giờ đồng hồ tới nhà người bạn thân ở cùng bang California để ăn tết cổ truyền.

Dĩ nhiên, để chuẩn bị cho buổi "ăn tết một ngày" đó, hai gia đình đã chuẩn bị từ khoảng một tuần trước việc gói bánh chưng, bánh tét, làm dưa món, nấu trứng kho hột vịt…. Năm nay "thủ tục" chuẩn bị được giản lược vì người bạn thân tranh thủ trước tết đưa chồng con về Việt Nam thăm gia đình rồi mới trở lại đón tết cổ truyền như đã hẹn.

Sang Mỹ từ năm 2016, từ đó tới nay anh Vũ chưa có dịp về quê ăn Tết lần nào. Ngoài chuyện thu xếp thời gian nghỉ để cả nhà cùng về đã là chuyện rất khó thì mức lương của một người làm khoa học ở Mỹ cũng không quá dư giả để có thể lo những chuyến đi lại rất tốn kém.

Dù vậy, trong tâm tưởng, nhà khoa học trẻ vẫn luôn mong một ngày gần trong tương lai, anh có điều kiện đi đi về về giữa Việt Nam và Mỹ, đặc biệt được tham gia đóng góp kiến thức của mình vào công tác giảng dạy trong lĩnh vực chuyên môn của anh tại Việt Nam.

Thương làm sao ‘tết cuối tuần’ rưng rưng của người Việt mình - Ảnh 5.

Quầy bán chậu hoa kiểng tại một khu chợ phục vụ tết cho cộng đồng người Việt tại bang Maryland, Mỹ - Ảnh: HỮU TÀI

Đón mùa xuân thứ 20 nơi xứ người

Năm nay Tết đến sớm hơn mọi khi. Chưa kịp dọn dẹp đồ trang trí Noel và tết tây thì đã chộn rộn nghĩ về ba ngày Tết âm lịch.

Mọi năm giờ này, thủ đô Washington D.C. như một tủ kem, bão tuyết buốt giá nối đuôi nhau tới mỗi tuần. Vậy mà năm nay trời ấm hẳn, ngày nào cũng trên 10 độ C, có khi nhảy lên tới 20, ai cũng vui mừng, tràn ra công viên tắm nắng.

Đây là mùa xuân thứ hai mươi tôi sống và làm việc ở xứ người. Cũng như phần lớn người Việt, dù có xa quê lâu thế nào, những ngày cuối năm như thế này, rất khó tả cảm xúc của mình.

Đi làm cắm đầu, cuối tuần ra khu người Việt mua đồ ăn, thấy người ta treo đèn kết hoa, bày bán bánh mứt, kẹo thèo lèo, hoa cúc vàng ươm… mới hay dù tha hương đến tận vùng đất nào trên quả đất này, người Việt vẫn giữ bao kỷ niệm của ngày lễ năm xưa. Đó là cách để quê hương mãi gần trong tâm tưởng.

So với hồi mới qua, điện thoại thẻ vài mươi đô gọi được nửa tiếng, webcam mờ mờ ảo ảo theo đường truyền điện thoại không thấy rõ hình người, vé máy bay lên tới cả tháng lương, thì giờ Facetime, Viber, Facebook Messenger đủ kiểu, vé rẻ òm nối người ta lại gần hơn.

Lên Facebook, Youtube, thấy bà con bên nhà rộn ràng chụp hình chợ hoa, bánh mứt, gói bánh tét, bánh chưng cũng thấy vui hơn dù rưng rưng trong dạ.

Tôi vẫn hay đùa, tuổi đời ngày một chồng chất, nhưng nỗi đợi mong, thèm thuồng ngày Tết vẫn không bao giờ bỏ được. Mấy năm nay dù bận rộn thế nào, tôi cũng thu xếp về ăn Tết với người thân.

Thiệt tình mà nói, không gì vui hơn được đi chợ Tết mua bánh mứt, ghé qua chợ hoa rinh vài chậu cúc đại đóa, vạn thọ, thược dược về chưng trong nhà.

Đêm đi lòng vòng khắp xóm, nghe mùi bánh tét nhà ai nấu trễ, mùi củ kiệu hăng hăng, mứt gừng thơm lừng lẫn nhang trầm nghi ngút theo gió thoang thoảng bay tới giữa không khí se lạnh ấm êm.

Tết cũng làm kẻ thiên di như tôi mềm lòng hơn hẳn. Đi ra đi vô, nhìn rui mè, kèo cột, cái tủ chiếc giường, chạnh lòng nhớ về hai đấng từ thân đã bỏ cuộc đời ra đi không bao giờ trở lại.

Ở Mỹ ăn uống điều độ, giữ cân, giữ dáng quá trời, thế mà về có mấy ngày, tới nhà này nhà nọ ăn tất niên, đi trên đường bạn bè kêu vào ăn cho vui, cuối cùng bể "phọc" (form).

Mấy đứa bạn tóc đã hoa râm, Tết tranh thủ về quê, để con cái ở nhà, tụ họp nhau ở quán cà phê, rôm rả chuyện trò, nhắc lại bao nỗi nhớ ấu thơ, kiểu lâu lắm rồi, không ai chạm vào, nên cứ tuôn tràn như suối.

Tết mà! Mỗi năm chỉ có một lần. Thôi cứ xả láng đi rồi ra giêng tính tiếp!

Nhà văn Nguyễn Hữu Tài (từ Maryland, Mỹ)

Người Việt thật may mắn khi luôn có gia đình, có tết Người Việt thật may mắn khi luôn có gia đình, có tết

TTO - 'Tôi nghĩ rằng người Việt thật may mắn, bởi họ không thường phải ở một mình, lúc nào cũng có bạn bè, gia đình, người thân, hết đám cưới đến sinh nhật, rồi những bữa cơm đoàn viên ngày tết', một người Úc sống ở Hội An chia sẻ.

D. KIM THOA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp