11/09/2014 05:58 GMT+7

​Thương hội và Nghĩa thục Diên Phong

HUỲNH VĂN MỸ
HUỲNH VĂN MỸ

TT - Cuộc doanh thương duy tân của Diên Phong phát đạt nhanh nhờ sự năng động, tháo vát của những người cùng hết lòng cho công cuộc duy tân cứu nước.

Cử nhân Phan Thúc Duyện - Ảnh tư liệu
Cử nhân Phan Thúc Duyện - Ảnh tư liệu

​Tựa như một sự phân định, nếu ở phía nam Quảng Nam, chí sĩ Lê Cơ tập trung xây nên một làng duy tân điển hình thì một số nhà duy tân ở phía bắc tỉnh này lại chung sức tạo lập một thương cuộc và một trường tân học có tầm vóc cho một khu vực rộng lớn hơn trong việc hiện thực hóa những chương trình duy tân trọng yếu buổi đầu...

Một thương cuộc lớn

Hội thương Diên Phong “đóng đô” ở làng Phong Thử, xã Điện Thọ (huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam), nhưng những năm gần đây một số tác giả đã gọi hội thương duy tân có tiếng này là hội thương Phong Thử.

Ông Phan Minh Xong, 86 tuổi, ở làng Phong Thử, giải thích:

“Làng Phong Thử thời đó thuộc huyện Diên Phong, khi lập hội thương tại làng mình, ông cố tui là Phan Thúc Duyện đã lấy chữ Diên của Diên Phong ghép với chữ Phong của Phong Thử mà đặt tên là hội thương Diên Phong. Nhiều công việc duy tân của ông cố tui làm mà cha tui kể lại tui còn nhớ rõ lắm...”.

Hội thương Diên Phong do cử nhân Phan Thúc Duyện (1873-1944), người làng Phong Thử, lập vào khoảng cuối năm 1906. Những năm 1960-1970, khi đi điền dã để viết quyển Phong trào Duy Tân, nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Xuân đã tiếp xúc được một số nhân chứng biết rõ về hội thương, về Trường tân học Diên Phong.

Không màng quan chức, sau khi đỗ cử nhân (1900), Phan Thúc Duyện nghiền ngẫm tân thư, kết giao với người cùng chí hướng và duy tân như một con đường tất yếu để ông đi.

Phan Thúc Duyện mở mang hội thương này nhanh nhờ trước đó ông đã cùng tham gia lập hội thương Hội An (đóng ở đô thị Hội An).

Hợp thương - vốn của nhiều người góp lại, những người góp vốn hội thương đã coi cuộc kinh doanh như là “công vụ” đối với công cuộc duy tân cứu quốc mà họ hăm hở tham gia.

“Vì là quốc thương chứ không phải chuyện tư cho nên kiếm lời được đồng nào chúng tôi chắt bóp quý báu đồng ấy. Chúng tôi không tiêu vào đó một xu, ăn uống xài phí gì lấy tiền nhà ra chứ không đụng vào tiền của nước...” - lời ông Võ Hoán, một thành viên của hội thương Diên Phong, kể lại với nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Xuân (Phong trào Duy Tân, Nguyễn Văn Xuân, NXB Lá Bối, 1972).

Nỗi ưu tư, khắc khoải trước sự khó nghèo, tăm tối kéo dài của đất nước, quê nhà vì chính sách cai trị hà khắc, bóc lột của thực dân, phong kiến; niềm hăm hở với sách lược duy tân đầy kỳ vọng đã thôi thúc những người hợp thương không nệ đồng vốn bỏ ra, dốc lòng cho đại cuộc.

Đây cũng là phép thử cho tư duy mới khai trí - trị sinh của những người làm duy tân, đối lập với tư tưởng hủ nho, cử nghiệp hẹp hòi, chỉ nghĩ đến chuyện làm giàu cho bản thân. Chính vì vậy mà hội thương Diên Phong có cơ ngơi, vốn liếng lớn, làm ăn khá giả.

“Một nhà lầu, một nhà ngang dài, hai nhà nhỏ để sinh hoạt ăn ở, hàng hóa bày đầy nhà”, tác giả Nguyễn Văn Xuân đã viết như vậy khi được nghe chính người trong hội thương Diên Phong kể lại sản nghiệp của hội thương này.

Là nhà duy tân xuất sắc trong lĩnh vực kinh tài, cử nhân Phan Thúc Duyện lập hội thương Diên Phong là để liên kết làm ăn với hội thương Hội An, hai bên cùng trao đổi hàng lên - xuống cho nhau, cùng học hỏi chuyện làm ăn từ các thương nhân người Hoa (ở Hội An) và cũng để cạnh tranh với họ.

Hàng vải dệt, tơ sợi, đường đen, đậu mè, dầu phộng thu mua trong vùng được Diên Phong chuyển xuống bán tại Hội An, rồi mua các loại hàng nhu yếu tại đây như mắm muối, vải vóc, dầu hỏa...chuyển về bán lại cho dân. Và không chỉ buôn bán trong tỉnh, hội thương Diên Phong còn giao thương ra tận Bắc.

“Chúng tôi mua thao Mã Châu, đũi bông chữ thọ mà người Hà Nội rất chuộng, vải La Thọ (những loại hàng dệt của vùng Quảng Nam - H.V.M.)... Sau này khi đã buôn thông thạo, tôi chế biến mua thêm những thứ Hà Nội ưa thích và mua của Hà Nội những thứ mà Nghệ An, Quảng Nam cần dùng: như mua the của Hà Nội một cây hai áo chỉ có 4 đồng về bán 8 đồng, thuốc trà 16 bánh 2 đồng về bán 4 đồng, lời gấp đôi...”, vẫn tác giả Nguyễn Văn Xuân dẫn lại lời ông Võ Hoán.

Cuộc doanh thương duy tân của Diên Phong phát đạt nhanh, lập sau thương hội Hội An nhưng lại trở nên là thương hội “quy mô, to lớn, chắc chắn toàn quốc lúc ấy chưa có thương hội nào lớn hơn” là nhờ sự năng động, tháo vát của những người cùng hết lòng cho công cuộc duy tân cứu nước.

Bến Hục nay chỉ còn là con lạch nhỏ bên sông Thu Bồn. Nhưng xưa là bến cập của ghe thuyền chở hàng của hội thương Diên Phong - Ảnh: H.V.M.
Bến Hục nay chỉ còn là con lạch nhỏ bên sông Thu Bồn. Nhưng xưa là bến cập của ghe thuyền chở hàng của hội thương Diên Phong - Ảnh: H.V.M.

Nghĩa thục Diên Phong

Ông Phan Minh Xong nói ông còn nhớ cha ông kể rằng lập hội thương là để làm đời sống người dân bớt khổ, sản vật họ làm ra có chỗ bán khiến họ ham làm, vật họ cần mua thì sẵn có tại làng, giá nhẹ hơn giá của tư thương.

Nhưng lập hội thương một phần cũng là để có của tiền dùng hoạt động duy tân và góp cho Duy Tân hội của Tiểu La Nguyễn Thành. Còn khoản nữa là để lo cho Trường tân học Diên Phong.

“Trường Diên Phong nằm ở gần bến Hục, cái bến mà ghe thuyền chở hàng cho hội thương Diên Phong cập. Trường học nằm phía sau, còn khu nhà hội thương nằm phía trước, chung trên một khu đất rộng, nay vẫn còn để trống một khoảng...”, ông Xong kể.

Được thành lập cùng lúc với hội thương, cuối năm 1906 Trường tân học Diên Phong có hai cơ sở và có hai ban, đều được xây gạch, lợp ngói.

Đây chính là ngôi trường nghĩa thục sớm nhất ở nước ta bởi đây là trường tân học duy tân, không thu học phí, không lệ thuộc vào chính quyền, chương trình dạy học tự nhà trường định liệu.

Điều đáng nói Nghĩa thục Diên Phong có được một số giáo sư là những nhà duy tân khoa bảng như tiến sĩ Trần Quý Cáp, các cử nhân Phan Thúc Duyện, Mai Dị, thông ngôn Pháp ngữ Phan Thành Tài.

Học sinh được học các môn khoa học thường thức, địa lý, sử, cách ngôn từ sách của các tác giả Trung Hoa, VN, mở được tầm nhìn mới cho lớp trẻ (ban 1). Và thật lý thú, ở ban người lớn (ban 2) người học sẽ được nghe thầy diễn giảng những luận đề từ các tân thư của các nhà tư tưởng Trung Hoa nổi tiếng như Khang Hữu Vi, Lương Khải Siêu, chẳng hạn như giảng luận về thuyết dân quyền - một lý thuyết hãy còn mới mẻ với người dân thời ấy.

Thay vào môn âm nhạc hãy còn chưa có, học sinh ngâm nga những bài ca, bài thơ cổ vũ duy tân, khơi gợi lòng yêu nước vốn được các nhà duy tân trong tỉnh sáng tác khá nhiều.

Về toán học, quả là một bước nhảy vọt trong giáo trình của Trường tân học Diên Phong khi đã đưa hình học, đại số vào dạy học sinh.

Trong tham luận tại hội thảo khoa học về Phan Châu Trinh và Huỳnh Thúc Kháng tại Đà Nẵng hồi tháng 9-1992, giáo sư Lê Trí Viễn dã viết về nội dung này như sau:

“...Ông anh cả tôi còn giữ một cuốn vở khổ nhỏ, bìa giấy bồi sim trong đó có ghi các phép tính hình học, cả đại số và phép khai phương. Ông học tại một trong các trường, đó là Trường Phong Thử của ông cử Duyện...” (Phan Thúc Duyện trong phong trào Duy Tân VN, nhiều tác giả, NXB Văn Hóa, 1997).

Làng Phong Thử nay dân cư đông đúc, nhà cửa khang trang, tựa như là những khu phố. Dạo vào làng, đến bến Hục, ngang qua khu đất từng đặt thương hội và ngôi nghĩa thục ngày nào, nghe như còn âm vọng của một thời duy tân sôi nổi ở đây.

________________

Kỳ tới: Cả nhà cùng duy tân

 

 

 

 

 

 

HUỲNH VĂN MỸ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp