10/11/2024 12:45 GMT+7

Thương hoài hai tiếng 'mình à'

'Mình à'. Hình như có ai gọi mẹ. Những tiếng gọi từ muôn năm trước, thấm vào máu thịt nhau để biến ai đó xa lạ thành người thân thương.

Thương hoài hai tiếng 'mình à' - Ảnh 1.

Minh họa ĐẶNG HỒNG QUÂN

Song cửa nửa khép. Mùi nhang xộc vào cánh mũi. Mi mắt chớp cay, nhòe nhoẹt. Mẹ tựa cạnh chiếc bàn gỗ đóng vội, bên trên là tấm ảnh thờ mới rửa còn ẩm mùi keo.

"...Mình à".

Mẹ quay ngoắt ra sau. Đôi mắt mẹ chợt thất thần, như thông qua làn khói nhang trầm để ngắm một hình bóng cũ. Hình như có ai gọi mẹ. Những tiếng gọi từ muôn năm trước, thấm vào máu thịt nhau để biến ai đó xa lạ thành người thân thương.

Có lẽ, nỗi đau này là quá lớn với những người vốn đã chẳng đủ đầy yêu thương, như chúng tôi hiện tại.

1. Mẹ là người phụ nữ nông thôn. Chẳng ngọt ngào. Hình như chưa bao giờ tôi thấy mẹ nhẹ nhàng với ba, hoặc là khen con cái một câu nào đấy. Mẹ hay nhăn nhó mỗi lúc biển thất thu. Chén trong sóng cứ ít hôm lại va đập. Ba buồn rầu đốt điếu thuốc, làn khói thảm đạm chẳng khác gì màu áo phai bệch trên người.

Mẹ thấy được, lại cao giọng. Gạo chẳng còn, ông vẫn có tiền mua thuốc lá ư? Ba thở dài dụi tắt đầu lọc. Hình như tóc ba đã bạc thêm màu muối. Lúc ấy tôi giận mẹ vô cùng.

Trước hôm ba mất, chẳng hiểu sao mẹ chợt dịu nhẹ. Vài ngày nữa là giỗ ngoại, mẹ để dành cho ba mấy cái bánh in tự làm có nhân đậu xanh. Vì kiếm kế sinh nhai, chẳng có đợt nào gia đình được quây quần đông đủ. 

Ba đứng trước cánh cửa gỗ đã bong tróc những mảnh vụn cưa, vừa ăn vội, vừa hẹn ít hôm nữa sẽ về. Tối thứ sáu ấy ba về thật, chỉ là bằng cách thức đau đớn quá đỗi. Ba mất trên một chuyến khơi xa bạt gió.

Trong cái đêm vắng lặng chỉ có tiếng sóng biển vỗ mạn thuyền, lời trối trăng cuối cùng ba cũng chẳng kịp nói. Những vệt muối biển trắng cót bám lấy gót chân ba, in nhọc nhằn của cái nghề lướt trên sóng dữ vào tận giây phút sinh tử. Chúng tôi cứ nhìn mãi những con sóng tràn bờ giữa đêm đen kịt. Đâu đó trong những cơn gió thổi rì rào rặng phi lao, liệu chẳng biết có ba tôi ở đấy.

2. Từ ngày họ đưa ba về trên chiếc chiếu cói, mẹ luôn thất thần gọi "Mình à". Bao nhiêu cái hờn giận chua chát ngày trước, nay cứ hẫng nghẹn trong cuống họng, chẳng cách thoát ra. Những lời muốn nói hay chưa nói, chợt hóa thành tiếng khóc nghẹn ngào. Mẹ lẩm bẩm vài câu xin lỗi, rồi thì thào tự trách về những câu nói trước kia.

Mẹ bảo, giá mà mẹ bớt vài lời cằn nhằn khi nóng nảy chuyện cơm áo. Giá mà mẹ cho ba một khoảng trống đủ để làm những gì ông ấy thích. Giá mà họ không nghĩ đời này còn dài, để chẳng đợi mãi mà không chịu nói lời quan tâm nhau.

Ba mẹ đến với nhau bằng tình yêu. Nhưng tới khi ba mất, tôi mới cảm nhận được loại rung động ấy ở mẹ. Chắc là trong suốt mấy mươi năm làm chồng làm vợ, cái nghèo đã dằn xé thứ tình yêu ban đầu thành những vụn vặt áo cơm, tới nỗi họ bất giác biến thành phiên bản mình từng chán ghét nhất.

Tuổi thơ của tôi chẳng có tiếng ru êm ả, chỉ có âm thanh cãi vã của ba mẹ. Tôi từng nghĩ mình bất hạnh quá khi sinh ra trong gia đình khuyết thiếu tình yêu. Mãi tới lúc âm dương cách biệt, tôi mới biết, thật ra tình yêu ban đầu của ba mẹ đã trở thành tình thân, tình nghĩa, quấn quýt chẳng tách rời.

Thương hoài hai tiếng 'mình à' - Ảnh 3.Bức ảnh chú rể Bảo Quốc 56 năm trước: Hé lộ tình yêu thời 'ông bà anh'

Mới đây, bà Thu Thủy, vợ nghệ sĩ Bảo Quốc, đăng ảnh nhắc kỷ niệm ngày cưới của họ hơn 56 năm trước, khiến người mộ điệu cải lương thích thú.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp