04/02/2016 05:09 GMT+7

​Thương hồ trên Bến Bình Đông

 TẤN ĐỨC - MẬU TRƯỜNG
TẤN ĐỨC - MẬU TRƯỜNG

TTO - Năm hết, tết đến, nhiều người dân ở TP.HCM lại háo hức đổ về Bến Bình Đông (Q.8) để được tận thấy chợ hoa đậm chất sông nước giữa lòng đô thị.

Chợ hoa Bến Bình Đông - Ảnh: Tấn Đức
Chợ hoa Bến Bình Đông - Ảnh: Tấn Đức

Nơi đây, trên đoạn kênh trải dài hàng cây số từ P.13 qua P. 14 ghe, thuyền đậu san sát, biến dòng kênh thành dòng sông hoa kiểng, với đủ loại sắc hương.

Đây, những “lão” mai vàng năm cánh đang rung cười trước gió réo gọi xuân về. Kia, các “chị” bông giấy rực đỏ mặt sông, như muốn cho cả thiên hạ thấy sự hiện diện của mình. Cạnh bên, mấy “bác” vạn thọ, cúc mâm xôi, cúc Đài Loan kênh kiệu, ễnh mặt lên nhìn trời. Xa hơn, những “cô nàng” lily, violet, đỗ quyên, hoàng yến, uyên ương, ngọc điểm e ấp khoe hương sắc, quyến rũ khách qua đường!

Góp phần làm nên diện mạo đặc trưng của phiên chợ muôn hoa này đa phần là   những chủ nhà vườn và các thương lái đến từ miển Tây, trong đó có người đã gắn bó với chiếc ghe thương hồ từ hàng chục năm qua…  

Mai đi, tết về

Ghé một lô kinh doanh hoa kiểng gần chân cầu kinh ngang số 1, P.14 - chúng tôi tình cờ làm quen với anh Nguyễn Duy, 41 tuổi, quê ở xã Vĩnh Thành, huyện Chợ Lách (Bến Tre).

Từ lúc lên 5 tuổi Duy đã theo cha mẹ lênh đênh trên chiếc ghe lưới, rong ruổi đánh bắt cá tôm khắp vùng Đồng Tháp Mười. Mười lăm tuổi Duy được cha giao cầm lái chiếc ghe bầu trọng tải hơn chục tấn để thu mua các loại trái cây dừa, mít, cam, dâu… từ nhà vườn ở Chợ Lách, mang đi bỏ mối cho vựa khắp các tỉnh miền Tây.

Có những chuyến đi về đất Mũi Cà Mau nối dài cả tháng, bởi sau khi giao hàng anh nán lại tìm mua cá đối, cá rô phi, cá mặn xẻ thịt làm khô, hoặc ủ con ba khía  mang về bỏ mối cho các sạp khô để kiếm thêm đồng lời. Hai mươi tuổi, Duy chính thức trở thành thương hồ của chợ hoa xuân Bến Bình Đông.

Năm nào cũng vậy, tầm giữa tháng chạp âm lịch, khi chợ hoa xuân Bến Bình Đông bắt đầu mở lô (khai trương), vợ chồng Duy lại tạm ngưng việc mua bán trái cây, gửi đứa con nhỏ cho bà nội chăm sóc, rồi chạy ghe suốt 12 tiếng lên Sài Gòn.

“Hồi trước dân thương hồ họp chợ ở hai bờ kênh Tàu Hủ. Bờ phía đường Võ Văn Kiệt bây giờ dành cho người bán tắc kiểng, trái cây. Phía bờ Bình Đông cỏ cây mọc đầy, chưa có đèn đường như bây giờ - là nơi của người bán hoa kiểng các loại. Ban ngày chúng tôi bày hàng ra những bãi cỏ, đêm đến chất hàng xuống ghe, lùi ra khỏi bờ, neo ghe lại để ngủ, đề phòng người gian leo lên trộm vặt” - Nguyễn Duy nhớ lại.

Từ khi kênh Tàu Hủ được nạo vét, làm bờ kè, đèn đường việc họp chợ hoa xuân thuận lợi hơn nhiều. Tuy vậy, những chủ hàng như Duy vẫn ngai ngái lo: “Mấy anh trộm bây giờ gan mà khôn lắm, trước khi ra tay còn làm bộ đi mua hàng, lựa cây nào cao giá nhứt, khuya quay lại rinh”.

Đề phòng kẻ gian, hôm nào cũng vậy, tầm 1-2 giờ sáng, khi khách mua đã thưa, Duy lại bắt ghế bố trên vỉa hè, nằm canh cây kiểng, còn vợ anh được phân công ngủ dưới ghe giữ mớ cây chưa kịp chuyển lên bờ.

Để có đủ lượng hàng bán tết năm nay, ngoài một số gốc mai do chính tay mình chăm sóc, tạo dáng, vợ chồng Duy còn mua thêm mấy chậu cây cọ, sung, sứ, lan...

Bám trụ tại chợ hoa xuân đã tròn 10 ngày, nhưng khi nghe chúng tôi hỏi chuyện thu nhập, vẻ mặt của Duy “bí xị”: “Giờ có thêm nhiều điểm bán, hoa kiểng nhiều và đa dạng hơn, người mua có nhiều chọn lựa, nếu mình không tính toán kỹ thì gãy cổ (thua lỗ) như chơi”.

Rồi anh xòe tay tính: Chi phí cho một chuyến hàng từ Bến Tre lên Bến Bình Đông cỡ 40 triệu đồng, bao gồm vốn mua hoa kiểng (khoảng 30 triệu đồng), tiền dầu chạy máy (5 triệu đồng), tiền ăn uống, tắm rửa, vệ sinh (200 ngàn đồng/ người/ngày), tiền thuê lô (gần 3 triệu đồng/mùa)… cho nên phải thu vào gấp đôi số vốn bỏ ra thì mới hi vọng có ăn. Nhưng thực tế, mấy ngày qua sức mua vẫn chưa cao, dù vợ chồng anh đã hạ giá bán sát về giá vốn…

Chia tay chúng tôi, người đàn ông thương hồ đã hơn 20 năm gắn bó với chợ hoa xuân Bến Bình Đông chỉ tay vào gốc mai có dáng “song thụ” (cây có chung một gốc, nhưng chia thành hai nhánh to cao như anh em song sinh, mọc về hai hướng đối xứng nhau để giữ thăng bằng) để sát mé kênh, bày tỏ hi vọng: “Tui đã bỏ công chăm sóc, tạo dáng nhiều năm, lão mai này mới có dáng độc như vậy. Ai trả hơn chục triệu là tui gả (bán). Mai có đi thì tết mới về với vợ chồng tui”.

Xuôi về hướng cầu Chà Và, chúng tôi gặp một thương hồ khác - ông Út Đông (53 tuổi) ở Vĩnh Hòa, Chợ Lách. Chiếc ghe lườn cũ kỹ của vợ chồng ông chất đầy những giỏ hoa cúc, vạn thọ và nhiều loại cây kiểng, cây xanh đã vô chậu.

Thấy chúng tôi đưa máy ảnh lên, ông vội đánh tiếng: “Thông cảm, sáng giờ chưa mở hàng chú ơi”! Lân la bắt chuyện, ông cho biết, những năm gần đây, đường bộ phát triển mạnh, những cây cầu lớn nhỏ được xây qua sông, nối những vùng đất, cồn hoang lại với nhau khiến nghề thương hồ không còn thịnh.

Nếu như trước đây ghe của ông chỉ hoạt động trong địa bàn tỉnh Bến Tre cũng bán hết sạch hàng thì nay phải vượt hơn trăm cây số, từ Chợ Lách băng qua sông Hàm Luông, vượt kinh Chợ Gạo, sông Vàm Cỏ Tây, lên tới tận Bến Bình Đông mà hàng hóa vẫn còn đầy.

“Mỗi năm còn có mùa tết, bao nhiêu vốn liếng dồn hết vô đây, được ăn cả, ngã về không” - ông Út Đông nói.

Vợ chồng thương hồ Nguyễn Duy ở Bến Bình Đông - Ảnh: Tấn Đức
Vợ chồng thương hồ Nguyễn Duy ở Bến Bình Đông - Ảnh: Tấn Đức

Những thương hồ “không chuyên”

Chợ hoa Bến Bình Đông chạy dài khoảng hơn 2 cây số,từ dạ cầu Chà Và đến cầu kinh ngang  số 2, thuộc địa bàn P.13 và P. 14 ,Q.8.

Theo phó chủ tịch UBND phường 13- ông Thái Vĩnh Viễn, nhằm tạo ổn định lâu dài cho các hộ kinh doanh, từ nhiều năm qua, địa phương đã cho các hộ kinh doanh đăng ký, bốc thăm chia lô, với giá 3-5 triệu đồng/lô (bình quân khoảng 7 mét chiều ngang) và giữ nguyên vị trí của từng hộ. Hiện tại 220 lô (trong đó P. 13 có 131 lô) dọc vỉa hè tuyến đường Bình Đông đã phủ đầy.

Tuy nhiên thực tế số hộ tham gia kinh doanh hoa kiểng ở đây cao hơn nhiều lần, bởi các hộ đứng tên thuê lô thường để hàng dưới ghe, chỉ trưng bày một số hàng mẫu không quá cần có diện tích lớn, nên đã “chia” lại một phần cho người khác để nhẹ tiền thuê. Họ là những chũ vườn và những thương hồ “không chuyên”, mỗi năm góp mặt để tìm thê ít thu nhập.

Hơn 11 giờ đêm, chúng tôi ghé lại một lô chân cầu đi bộ số 7 (P13). Ông Bảy Đô, một chủ vườn đến từ Chợ Lách đang loay hoay mắc võng vào hàng rào bảo vệ bờ kè kênh Tàu Hủ để ngã lưng tạm, chờ lúc rạng sáng để đón chiếc ghe chở cây kiểng từ quê lên bổ sung vào mớ hàng mà ông đã chở lên mấy ngày trước.

Năm nào cũng vậy, hay tin chợ hoa Bến Bình Đông mở lô, ông Đô lại thuê ghe, thuê người bốc xếp, vận chuyển sản phẩm từ nhà vườn lên. Mỗi chuyến hàng, riêng chi phí vận chuyển đã ngốn hết 30 triệu đồng.

“Bây giờ chuyên nghiệp hóa hết rồi, mình chỉ lo trồng hoa kiểng, còn chuyện vận chuyển thì phải mướn hết thôi. Lời lỗ chưa biết ra sao, nhưng nghe tin mở lô là phải đi liền, không thì nhớ lắm” - ông Đô tâm sự.

Tham gia phiên chợ hoa ngày tết ở Bến Bình Đông, còn có những đội ghe trọng tải lớn cùng các tài công, đội ngũ bốc xếp chuyên nghiệp. Bình thường những chiếc ghe này dùng để chuyên chở dừa, lúa, cá, phân bón, …nhưng tới mùa hoa tết, lại tìm về các làng hoa để chở thuê.

Dù công vận chuyển cao ngất ngưỡng so với đường bộ, nhưng nói như ông Bảy Hải, một chủ vườn ở Chợ Lách: “Có những cây kiểng gía trị lên tới hàng chục, thậm chí cả trăm triệu đồng, không ai dám mạo hiểm vận chuyển bằng xe tải, lỡ đi đường giằng xóc, gãy cành, gãy tược thì coi như công công cóc”.

Đội ghe đông đảo, nhưng ai cũng có mối mang hẳn hoi. Thường mỗi ghe chỉ đi được một chuyến cho một chủ vườn, rồi ở lại chờ tới ngày về. Giá công vận chuyển  được tính theo trọng tải ghe và khoảng cách vận chuyển. Đi nhiều, chủ ghe và chủ hàng trở nên thân thiết như anh em.

“Người ta bán chạy mình cũng vui lây, còn như ế ẩm nhiều khi chúng tôi không nở lấy đúng giá đã giao kèo” - một chủ ghe 80 tấn đang chở hàng cho nhà vườn ở Bến Tre, cho biết.    

Tối ngày 2-2, tại Bến Bình Đông, UBND Q.8 đã khai mạc Hội hoa xuân tết Nguyên đán Bính Thân 2016, với chủ đề Chợ hoa tết “Trên bến dưới thuyền”.

Theo ban tổ chức, hội hoa xuân năm nay có 469 lô kinh doanh, tập trung tại hai tuyến đường Tạ Quang Bửu (P.5) và Bình Đông (P13, P14), trong đó khu vực Bến Bình Đông có 220 lô.

Theo đánh giá của ban tổ chức, chợ hoa xuân Bến Bình Đông đã tạo không gian vừa hiện đại vừa truyền thống và đặc biệt mang nét đặc trưng của miền sông nước, đậm dấu ấn trên bến dưới thuyền”.   

Anh Nguyễn Duy, một thương hồ hơn 20 gắn bó với chợ hoa xuân Bến Bình Đông - Ảnh: Tấn Đức
Anh Nguyễn Duy, một thương hồ hơn 20 gắn bó với chợ hoa xuân Bến Bình Đông - Ảnh: Tấn Đức
Anh Nguyễn Duy, một thương hồ hơn 20 gắn bó với chợ hoa xuân Bến Bình Đông - Ảnh: Tấn Đức
Anh Nguyễn Duy, một thương hồ hơn 20 gắn bó với chợ hoa xuân Bến Bình Đông - Ảnh: Tấn Đức
Chợ hoa Bến Bình Đông - Ảnh: Tấn Đức
Chợ hoa Bến Bình Đông - Ảnh: Tấn Đức
TẤN ĐỨC - MẬU TRƯỜNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp