19/04/2018 17:00 GMT+7

Thương hiệu “tôm càng xanh Vĩnh Thuận”

KHOA NAM
KHOA NAM

Từ một vùng quê nghèo đồng chua nước mặn, “đặc sản” duy nhất chỉ có cây dừa nước, đến nay, huyện Vĩnh Thuận (Kiên Giang) đã nổi lên như một trong những địa phương nuôi tôm càng xanh quy mô lớn nhất nhì cả vùng bán đảo Cà Mau.

Thương hiệu “tôm càng xanh Vĩnh Thuận” - Ảnh 1.

Con tôm càng xanh trứ danh của Vĩnh Thuận xuống vỏ lãi tới nơi tập kết để xuất khẩu sang Campuchia. Ảnh: K.NAM

"Có cái lạ là con tôm Vĩnh Thuận luộc lên cho màu đỏ rất đẹp, thịt tôm dai, ngọt hơn tôm các địa phương lân cận nên thương lái rất chuộng. Giá bán tại vuông lúc nào cũng cao hơn nơi khác khoảng 30.000 đồng/kg" - ông Phan Văn Hậu - phó chủ tịch UBND huyện Vĩnh Thuận cho biết.

Đánh thức đồng chua nước mặn

Huyện Vĩnh Thuận hiện có khoảng 23.000 ha đất luân canh lúa-tôm. Trong đó, khoảng 80% diện tích nuôi xen canh tôm thẻ với tôm càng xanh. Hàng năm, Vĩnh Thuận cho ra sản lượng tôm khoảng 13.000 tấn.

Bên dĩa tôm càng mới luộc nước dừa còn nóng hổi, lão nông Nguyễn Văn Dậu (62 tuổi), giám đốc hợp tác xã (HTX) dịch vụ nông nghiệp ấp Căn Cứ, xã Vĩnh Phong, huyện Vĩnh Thuận (tỉnh Kiên Giang), kể lại, cả huyện này cách đây chừng 10 năm còn nghèo rớt mồng tơi.

Lúc đó, người dân chỉ biết sống bám vào cây dừa nước vốn mọc tự nhiên ven sông, rạch. Hàng ngày, phụ nữ bơi xuồng đi chặt lá dừa nước về chằm (đan) từng tàu lá lợp nhà. Ngày nào nắng ráo, thì may ra kiếm đủ tiền đong gạo cho 3, 4 miệng ăn.

Cánh đàn ông lớp thì làm thuê, làm mướn, ai bận bịu con thơ, mẹ cha già yếu thì quanh quẩn ở nhà ra sông chài lưới, câu cá đắp đổi qua ngày. Cái nghèo cứ đeo đẳng hết đời này sang đời khác, bế tắc không có lối thoát.

Nhưng rồi phong trào nuôi tôm sú nở rộ ở Cà Mau, Bạc Liêu (giáp với huyện Vĩnh Thuận) đã thôi thúc nông dân xứ đồng chua nước mặn về một cuộc đổi đời.

Ông Cô Văn Sửa, phó giám đốc HTX ấp Căn Cứ, cho biết thời gian đầu trầy trật lắm. Bởi mình thấy người ta nuôi thì trúng (có hiệu quả), còn mình nuôi lại thất (thua lỗ). Cũng đào vuông, thả giống, cho ăn, mua đường chảy (đường chưa kết tinh) về xử lý nước nhưng không ăn thua.

"Sau nhiều lần thất bại, mới tìm gặp kỹ sư nông nghiệp hỏi về khoa học kỹ thuật, lúc đó mới biết phải xử lý vuông bằng vôi để rửa phèn, độ mặn phải điều tiết… Từng cánh đồng bỏ hoang cỏ năng, cỏ lác mọc um tùm mới dần dần được cải tạo thành ruộng tôm" - ông Sửa nói.

Thoát nghèo bằng nông nghiệp "sạch"

"Để chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp phù hợp với lợi thế của địa phương, giúp nông dân thoát nghèo, đồng thời ứng phó với biến đổi khí hậu nước biển dâng, tỉnh Kiên Giang đã định hướng vùng nào phù hợp với nuôi tôm thì phát triển con tôm, không nhất thiết đeo bám cây lúa mãi.

Bên cạnh đó, Vĩnh Thuận nói riêng, nhiều địa phương ven biển có nuôi tôm khác nói chung, đều đã và đang phát triển mô hình nuôi tôm "sạch" phục vụ nhu cầu xuất khẩu.

Ở Vĩnh Thuận, không chỉ con tôm, mà cả cây lúa cũng là lúa "sạch" nên có thể nói địa phương này đang đi đúng định hướng phát triển nông nghiệp xanh, sạch và bền vững" – ông Nguyễn Văn Tâm – Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Kiên Giang nói.

thu hoach tom o vinh thuan

Thu hoạch tôm ở Vĩnh Thuận. Ảnh: K.NAM

Ông Võ Hoàng Nguyên - trưởng phòng nông nghiệp huyện Vĩnh Thuận - cho hay, do quá trình xử lý phèn, mặn trên đất hoang để nuôi tôm, nên từ lúc nào không biết, cây lúa bắt đầu sinh trưởng và cho năng suất cao. Và cũng chỉ có giống lúa mùa, sử dụng phân bón hữu cơ, kháng sâu bệnh là phát triển tốt trên đất nuôi tôm.

"Có thể nói ngay từ đầu, nông dân Vĩnh Thuận đã khởi nghiệp nuôi tôm thoát nghèo bằng nông nghiệp "sạch", tức là không phụ thuộc vào phân bón hoá học và các loại thuốc trừ sâu độc hại khác" - ông Nguyên nói.

Ông Lê Minh Liệt, ngụ ấp Đồng Tranh, xã Vĩnh Bình Bắc, nói rằng những năm qua, nhờ con tôm phát triển ổn định và giá luôn dao động ở mức cao khoảng 105.000 đồng/kg (tôm thẻ) và 130.000 đồng - 150.000 đồng (tôm càng xanh), nên người nuôi luôn có lãi.

"Gia đình tôi có 7 ha đất nuôi tôm kết hợp trồng lúa năm cho lợi nhuận khoảng 700 triệu đồng. Quy trình chăm sóc tôm, nhất là tôm càng xanh thì rất khỏe, bởi mình tận dụng được rạ, sinh vật trên ruộng lúa để làm thức ăn cho tôm, giảm chi phí đáng kể. Lúa thì xay ra cho hạt gạo dài, thơm ngon để ăn hay bán quanh vùng đều có lợi" - ông Liệt bộc bạch.

Ông Phan Văn Hậu - phó chủ tịch UBND huyện Vĩnh Thuận - cho biết, hiện tại gần như toàn bộ sản lượng tôm càng xanh của địa phương này đều được xuất khẩu sang nước láng giềng Campuchia.

Ông Hậu khẳng định, ngay trong năm 2018 này, UBND huyện sẽ phối hợp với các chuyên gia nông nghiệp ở ĐBSCL tiến hành định tính chất lượng con tôm Vĩnh Thuận.

Quy trình thả nuôi, thu hoạch, sơ chế đều phải đảm bảo đúng tiêu chí theo hướng xanh, sạch để ổn định chất lượng. Mục tiêu là tiến tới xây dựng thương hiệu "tôm càng xanh Vĩnh Thuận" để đặc sản này vươn rộng ra nhiều thị trường khác.

KHOA NAM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp