17/07/2020 10:22 GMT+7

'Thương hiệu quốc gia' nhưng không được xem trọng?

MI LY
MI LY

TTO - Xây dựng liên hoan phim (LHP) như một thương hiệu tầm cỡ quốc gia có vẻ khá xa vời khi với chính người trong nghề, uy tín của LHP vẫn còn gây tranh cãi.

Thương hiệu quốc gia nhưng không được xem trọng? - Ảnh 1.

Đạo diễn Leon Lê (phải) và diễn viên Liên Bỉnh Phát của phim Song Lang tại thảm đỏ Liên hoan phim Việt Nam năm 2019 ở Vũng Tàu - Ảnh: GIA TIẾN

Hội thảo “Xây dựng và quảng bá thương hiệu quốc gia - Liên hoan phim Việt Nam” vừa diễn ra ngày 16-7 tại TP.HCM. Đây là hội thảo đầu tiên của Cục Điện ảnh ở TP.HCM, do ông Vi Kiến Thành chủ trì với tư cách cục trưởng.

Giải thưởng không được xem trọng

Năm 2019, LHP Việt Nam trao giải Bông sen vàng cho Song Lang của đạo diễn Leon Lê và nhà sản xuất Ngô Thanh Vân. Đây là kết quả xứng đáng với bộ phim có chất lượng vượt trội. Mặc dù vậy, với đạo diễn Leon Lê, chiến thắng cũng vướng phải dư âm không mấy tích cực.

Đạo diễn Leon Lê kể: "Khi tôi nói về giải thưởng trong nước của Song Lang, người trong nghề và ngoài nghề đều không xem trọng. Đối với tôi, đó là một sự xúc phạm. Trong khi đó, thật ra giải thưởng trong nước mới quan trọng với Song Lang vì đó là một bộ phim về Việt Nam".

Leon Lê nhận được những phản hồi thiếu tôn trọng như "Giải thưởng Việt Nam làm gì? Chả có ý nghĩa gì". Anh cho rằng trong ban tổ chức (BTC), giám khảo và những người đoạt giải không nên khen nhau để rồi giậm chân tại chỗ, giải ngày càng mất uy tín.

Bên cạnh đó, một nhận định phổ biến là phải chăng BTC "rải đều" giải thưởng để lấy lòng các bên tham dự? 

"Hầu như giải thưởng nào của chúng ta cũng tạo ra phản ứng trái chiều ngay hôm sau. Trái chiều quá mãnh liệt, người trong nghề không tin vào sự công tâm - Leon Lê nói - Có suy nghĩ rằng nếu không rải đều giải thưởng thì năm sau các nhà sản xuất không tham gia nữa, phải rải đều để lấy lòng họ. Cứ tiếp tục như vậy thì không tốt cho ai cả".

Là nghệ sĩ kỳ cựu ở LHP Việt Nam (tiền thân là Bông sen vàng), diễn viên - đạo diễn Hồng Ánh cho rằng trong 10 năm qua, LHP Việt Nam lẫn giải Cánh diều không còn danh giá như thuở ban đầu.

Nữ diễn viên chỉ ra thực trạng các giải thưởng nhận được trong các kỳ liên hoan được bổ sung vào hồ sơ xin danh hiệu NSƯT, NSND nên giới làm phim nhà nước mới quan tâm. Còn các đơn vị tư nhân tham gia để giữ mối quan hệ với cục, thuận tiện hơn cho quá trình duyệt phim.

“Trước đây, tôi nhận giải cảm giác rất vinh dự, trân trọng. Nhưng 10 năm trở lại đây, giới làm phim không còn hào hứng với Bông sen và Cánh diều.

Diễn viên - đạo diễn Hồng Ánh

LHP "du mục", thiếu định vị thương hiệu

Trong báo cáo về thực trạng LHP Việt Nam của Cục Điện ảnh, gần 20 trang nội dung tập trung giới thiệu tổng quát về LHP và các chủ trương, đường lối. Nội dung chính là "thực trạng, hạn chế" chỉ được nêu trong 4 trang cuối với cách trình bày dàn trải, thiếu cụ thể.

Diễn viên Hồng Ánh nhận xét báo cáo "chung chung và mơ hồ, đề cao thành tích và danh hiệu cũ", đồng thời "giảm nhẹ những tồn tại đã lâu và ngày càng trầm trọng" của LHP. Đặc biệt, phần giải pháp "sơ sài, không có căn cứ, trong khi giải pháp là rất quan trọng để đổi mới".

Một hạn chế nổi cộm là cách tổ chức "du mục" của LHP, liên tục chuyển đổi giữa các tỉnh thành. Trong 20 năm tồn tại, LHP tổ chức 5 lần tại Hà Nội, 3 lần tại TP.HCM, các lần còn lại ở Đà Nẵng, Hải Phòng, Nha Trang, Vinh, Nam Định, Huế, Vũng Tàu... Năm 2021, LHP sẽ diễn ra tại Huế.

BTC tự hào vì cách tổ chức này giúp đưa điện ảnh đến với khán giả nhiều vùng miền trên cả nước. Nhưng vấn đề là không phải địa phương nào cũng đủ cơ sở vật chất, hệ thống rạp chiếu hiện đại và điều kiện giao thông để đăng cai LHP tầm cỡ quốc gia.

Việc diễn ra ở nhiều tỉnh thành phụ thuộc vào trình độ tổ chức ở địa phương cũng khiến LHP thiếu hoạt động chất lượng. Năm 2019, nhiều diễn viên, đạo diễn nổi tiếng đến Vũng Tàu tham dự LHP nhưng hầu như không có sự kiện đặc sắc để kết nối họ và khán giả thành phố biển.

Theo diễn viên Hồng Ánh, cách tổ chức "du mục" này gây lãng phí và thiếu chuyên nghiệp, không tạo được định vị thương hiệu của LHP Việt Nam. Chị đề xuất mô hình đấu thầu để công ty tư nhân đảm nhận kêu gọi tài trợ và tổ chức LHP sao cho chuyên nghiệp, hoành tráng.

Để không lãng phí sự có mặt các ngôi sao điện ảnh và những nhà làm phim, có ý kiến cho rằng nên tổ chức những đêm tiệc điện ảnh do các công ty sản xuất phim tư nhân đầu tư để thêm phần sôi động.

Cục trưởng Vi Kiến Thành: ưu tiên người đang song hành cùng nền điện ảnh

vi kien thanh 3(read-only)

Cục trưởng Vi Kiến Thành

Cục trưởng Cục Điện ảnh nêu hai điểm mới sẽ có ở LHP Việt Nam 2021 tại Huế: "Một là ban giám khảo sẽ được trẻ hóa về độ tuổi, về quan niệm, xu hướng nghệ thuật trong tư duy của từng thành viên. Họ phải là những nghệ sĩ đang làm việc trong môi trường điện ảnh, đang song hành cùng nền điện ảnh, chứ không phải là những người có thành tựu ở quá khứ.

Cái mới thứ hai: khách mời cũng sẽ là những nghệ sĩ đang máu lửa sáng tạo, cống hiến cho điện ảnh. Còn thế hệ nghệ sĩ đã hoàn thành sứ mệnh với giai đoạn trước, cục sẽ gửi quà lưu niệm và mời các bác ở nhà để dành suất tham dự cho các thế hệ đang cống hiến".

'Song Lang' đoạt Bông sen vàng, Trấn Thành đoạt giải Diễn viên chính xuất sắc

TTO - 'Song Lang' đoạt Bông sen vàng, Leon Lê đoạt giải Đạo diễn xuất sắc đầy thuyết phục, còn Trấn Thành và Hoàng Yến Chibi thắng giải diễn xuất tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 21.

MI LY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp