10/04/2022 08:10 GMT+7

Thượng Hải và ý tưởng thoát 'zero COVID'

BẢO ANH
BẢO ANH

TTO - Giới chức Trung Quốc từng tìm cách nới lỏng chiến lược "zero COVID", nhưng khi đợt dịch nghiêm trọng ập vào Thượng Hải, họ buộc phải quay lại phong tỏa khắt khe.

Thượng Hải và ý tưởng thoát zero COVID - Ảnh 1.

Những con đường gần như không bóng người trong những ngày Thượng Hải đang bị phong tỏa phòng COVID-19 - Ảnh: Bloomberg

Ngày 9-4, chính quyền Thượng Hải cho biết TP này đã ghi nhận thêm hơn 23.000 ca nhiễm mới trong ngày trước đó. Con số này vượt xa kỷ lục 13.436 ca nhiễm mà TP Vũ Hán từng ghi nhận ngày 12-2-2020.

Không thể "nằm yên và mặc kệ"

TP lớn nhất Trung Quốc tiếp tục đợt xét nghiệm kháng nguyên toàn TP trong ngày 9-4. Chính quyền yêu cầu người dân báo cáo ngay nếu kết quả xét nghiệm bất thường.

Thượng Hải có trên 20.000 ca nhiễm một ngày lần đầu tiên hôm 7-4 và ghi nhận số ca nhiễm mới tăng gấp gần 5 lần trong tuần qua. Theo Ủy ban Y tế Thượng Hải, từ ngày 1-3 tới 7-4, TP đã ghi nhận 131.524 ca nhiễm, trong đó 127.131 ca không triệu chứng.

Theo Thời báo Hoàn Cầu ngày 8-4, ông Ngô Tôn Hữu, trưởng nhóm dịch tễ học tại Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Trung Quốc, nói rằng đối với TP 26 triệu dân như Thượng Hải, nếu đợt xét nghiệm PCR toàn TP hoàn tất chỉ trong 2 - 3 ngày và có tối đa 4 đợt xét nghiệm liên tiếp nhau, thì có thể dập tắt đợt dịch trong cộng đồng sớm nhất là 10 - 15 ngày.

Trong bối cảnh nhiều người bắt đầu lo lắng không biết có thể kiểm soát được tình hình dịch bệnh ở Thượng Hải và các khu vực khác của Trung Quốc hay không, ông Ngô bày tỏ niềm tin vào chiến lược "zero COVID" của Trung Quốc.

Ông Trịnh Quân Hoa, tổng chỉ huy bệnh viện dã chiến tại Trung tâm triển lãm quốc tế Thượng Hải, cho biết Thượng Hải là TP có tốc độ già hóa dân số nhanh. 

Người già tại đây là bộ phận dân cư có tỉ lệ mắc các bệnh nền cao như tim mạch, hệ thần kinh, hệ tiêu hóa..., nếu mắc COVID-19, các bệnh này sẽ nặng thêm. Do đó, nếu chọn "nằm yên và mặc kệ" (tức sống chung với dịch), tình hình sẽ vô cùng đáng sợ đối với cả người già và trẻ nhỏ.

Trong khi đó, ông Lư Vĩnh Hùng, chủ báo Bastille Post tại Hong Kong, đặt ra hai câu hỏi cho những người ủng hộ việc "sống chung" với dịch: Bao nhiêu người sẽ chết nếu Trung Quốc chọn sống chung? Và Trung Quốc có sẵn sàng chấp nhận cái giá phải trả đó không?

Cảnh đường phố vắng vẻ những ngày phong tỏa ở Thượng Hải - Video: Tân Hoa xã

Từng muốn sống chung với dịch

Báo Wall Street Journal (Mỹ) dẫn các nguồn thạo tin cho biết trước khi diễn ra đợt dịch mới nhất ở Thượng Hải, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và các quan chức khác từng muốn coi Thượng Hải là mô hình thí điểm cho mục tiêu lâu dài

của Trung Quốc là sống chung với dịch.

Họ thử nghiệm một cách tiếp cận mới mẻ cho Thượng Hải trước những tổn thất kinh tế và bức xúc của người dân, đó là cho phép Thượng Hải chỉ phong tỏa những khu phố và chung cư bị ảnh hưởng. Nếu thành công, ý tưởng này sẽ là mô hình để sống chung với dịch trong những năm tới.

Tháng 1-2022, ông Lương Vạn Niên, trưởng nhóm chuyên gia về phản ứng với COVID-19 của Chính phủ Trung Quốc, đã ca ngợi cách tiếp cận chính xác của Thượng Hải. Ông nói cách làm này hiệu quả hơn so với việc áp lệnh phong tỏa toàn TP.

Theo Hãng tin Tân Hoa xã, trong cuộc họp với các quan chức cấp cao Trung Quốc ngày 17-3, ông Tập cũng đã kêu gọi điều chỉnh các biện pháp chống dịch để giảm thiểu tác động lên cộng đồng.

Tuy nhiên, đợt dịch nghiêm trọng do biến thể Omicron vốn lây lan nhanh đã khiến Thượng Hải phải quay lại chiến lược "zero COVID" và lại phong tỏa toàn TP. Quân đội Trung Quốc đưa hơn 2.000 nhân viên quân y tới hỗ trợ, khoảng 38.000 nhân viên y tế từ các tỉnh thành được huy động tới Thượng Hải.

Trong bối cảnh đó, theo Wall Street Journal, nhiều người dân từng ủng hộ chiến lược "zero COVID" đã trở nên mệt mỏi. Cô Alexandra Wang (33 tuổi), làm việc cho một công ty đa quốc gia, cho biết cách chống dịch hiện nay của Trung Quốc khiến cô đang tính chuyện sang nước ngoài làm việc.

Khu phức hợp nhà ở tại Thượng Hải mà cô Wang cùng 500 gia đình khác sinh sống đã bị phong tỏa từ hôm 24-3 do có vài ca mắc COVID-19. Vài ngày sau, cả TP bắt đầu áp lệnh phong tỏa hai giai đoạn. "Tôi hoàn toàn sốc vì các quan chức lúc đầu bác bỏ tin đồn phong tỏa", cô nói.

23 TP bị phong tỏa

Nhiều TP khác của Trung Quốc cũng đang đẩy mạnh các biện pháp chống dịch như hạn chế đi lại, xét nghiệm diện rộng và lập trung tâm cách ly.

Theo Hãng tin Reuters, Công ty Nomura tuần này ước tính 23 TP ở Trung Quốc - chiếm 193 triệu dân và 22% GDP của Trung Quốc - đã bị phong tỏa toàn diện hoặc bán phong tỏa.

TP Trịnh Châu ở tỉnh Hà Nam cho biết sẽ xét nghiệm toàn bộ 12,6 triệu dân sau khi ghi nhận vài ca nhiễm không có triệu chứng. Tại TP Quảng Châu, tỉnh Quảng Đông ở miền nam Trung Quốc, toàn bộ 11 quận đã phát thông báo xét nghiệm PCR cho người dân vào ngày 8 và 9-4.

Chính quyền Thượng Hải thừa nhận thiếu sót trong chống dịch Chính quyền Thượng Hải thừa nhận thiếu sót trong chống dịch

TTO - Ngày 9-4, phó thị trưởng Thượng Hải (Trung Quốc), bà Tôn Minh, thừa nhận những thiếu sót trong cách chống dịch của thành phố khi số ca mắc mới theo ngày tiếp tục tăng cao kỷ lục và thành phố vẫn tiếp tục bị phong tỏa.

BẢO ANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp