Chuyện giá cước tăng nhưng chất lượng tăng không tương xứng, rồi dấu hiệu lạm dụng vị thế thống lĩnh thị trường, vi phạm Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng... diễn ra ở lĩnh vực này không ít, nhưng chưa thấy có động thái xử lý rốt ráo từ cơ quan chức năng.
Truyền hình trả tiền đang cung cấp dịch vụ cho 4 triệu khách hàng và theo Cục Quản lý cạnh tranh, doanh thu năm 2012 lên tới khoảng 2 tỉ USD. Thế nên trong ngành này đã có những cuộc cạnh tranh vô cùng căng thẳng, nhất là từ khi K+ xuất hiện với quyết tâm mua bản quyền Giải bóng đá ngoại hạng Anh để hút khách. Thường xuất hiện cạnh tranh thì người tiêu dùng được lợi. Nhưng thực tế các “thượng đế” ở VN có nguy cơ ngày càng thiệt thòi khi giá thuê bao cứ tăng dần, trả giá cho việc các nhà đài liên tục có chiến thuật qua mặt nhau, nổi bật là mua bản quyền truyền hình với giá khủng. Đó là chưa kể những chiêu cạnh tranh như ký với chủ đầu tư khu đô thị để độc quyền cung cấp dịch vụ, loại trừ quyền lựa chọn của người dân, thậm chí gần đây nhiều người còn bị... cắt cáp!
Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã có hiệu lực từ lâu. Một trong những biện pháp để bảo vệ người tiêu dùng là yêu cầu những nhóm dịch vụ nhạy cảm phải đăng ký các hợp đồng mẫu với cơ quan chức năng. Truyền hình trả tiền là một trong những lĩnh vực bắt buộc phải đăng ký hợp đồng mẫu. Thế nhưng, còn tới gần 30 nhà đài (trên tổng số trên 40 nhà cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền) vẫn kiên trì... không đăng ký hợp đồng mẫu theo quy định. Trong khi thực tế Cục Quản lý cạnh tranh xác nhận các nhà đài đang đưa các hợp đồng mẫu (khách hàng không có quyền sửa) với nhiều điều khoản vi phạm trắng trợn, như loại trừ quyền khiếu nại của khách hàng, bắt buộc người tiêu dùng phải tuân thủ nghĩa vụ về tài chính ngay cả khi bên bán không hoàn thành nghĩa vụ của mình... Dù thế, chưa có trường hợp nào được thông báo bị xử lý. Tại hội thảo ngày 10-9, lãnh đạo Cục Quản lý cạnh tranh cũng mới chỉ có thể... nhắc nhở.
Ngành truyền hình trả tiền đang có vấn đề! Đó là nhận định của không ít chuyên gia, thậm chí ông Nguyễn Hà Yên, cục phó Cục Quản lý phát thanh truyền hình và thông tin điện tử Bộ Thông tin - truyền thông, đã phải khẳng định ngành này đang có “nhu cầu cấp bách phải áp dụng cơ chế quản lý mới”. Nhưng dù cơ chế nào, trước tiên các cơ quan chức năng cũng cần siết chặt quản lý, thực thi nghiêm các quy định, nhất là đối với những doanh nghiệp cố tình trì hoãn hoặc phớt lờ quyền lợi của người tiêu dùng.
Lĩnh vực truyền hình trả tiền vốn liên quan đến nhiều bộ như Bộ Thông tin - truyền thông, Bộ Công thương, Bộ Tài chính (về giá)... nhưng có thể người tiêu dùng vẫn sẽ phải chịu thiệt, nghe những giải thích nhàm chán của các nhà đài nếu các bộ không sớm ngồi lại với nhau. Đừng để các doanh nghiệp cứ cạnh tranh rồi cuối cùng thiệt nhất, hay bị “dính đòn” nhất lại chính là người tiêu dùng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận