Phái đoàn đàm phán thương mại Mỹ do ông Jeffrey Gerrish (giữa) - phó đại diện thương mại Mỹ - dẫn đầu, tới Bắc Kinh - Ảnh: REUTERS
Thị trường chứng khoán ngay lập tức phản ứng tích cực. Sáng 7-1, nhiều chỉ số chứng khoán châu Á đã đồng loạt tăng như Nikkei của Nhật tăng 2,44%, Kospi của Hàn Quốc tăng 1,34%, ASX 200 của Úc tăng 1,14%.
Ông Trump tự tin Mỹ "trên cơ"
Dẫn đầu đoàn đàm phán thương mại của Mỹ là ông Jeffrey Gerrish, phó đại diện thương mại Mỹ, cùng các quan chức khác ở Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp. Đây là đợt đàm phán thương mại chính thức đầu tiên giữa hai bên kể từ sau cuộc hội đàm bên lề hội nghị G20 ở Argentina đầu tháng 12 của Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình.
Kết quả của cuộc họp tại Bắc Kinh nếu tích cực sẽ mở đường cho các cuộc gặp ở cấp cao hơn tại Washington trong vài tuần tới.
Ngay trước thềm cuộc đàm phán, cuối tuần qua, cùng với báo cáo của Bộ Lao động Mỹ cho biết số việc làm ở Mỹ đã tăng vọt so với những ước tính trước đó, ông Trump bày tỏ quan điểm tự tin là nước Mỹ đang ở thế "trên cơ" so với Trung Quốc khi bước vào đàm phán. Theo báo New York Times, một số quan chức chính quyền Mỹ cũng tự tin như ông Trump.
Báo Wall Street Journal dẫn một số nguồn tin có tham gia vào tiến trình đàm phán này cho biết lãnh đạo Trung Quốc thừa nhận tranh chấp thương mại Trung - Mỹ gây tổn hại đến tăng trưởng kinh tế của nước này.
Tuy nhiên tại Mỹ, việc Apple tuần qua lần đầu công bố cắt dự báo lợi nhuận quý với mức giảm đáng kể với lý do nhu cầu thị trường Trung Quốc giảm và ảnh hưởng từ thương chiến Mỹ - Trung cũng cho thấy Trung Quốc không phải bên duy nhất "nếm trải" hậu quả thương chiến.
Ông Kevin Hassett, chủ tịch Hội đồng cố vấn kinh tế của Nhà Trắng, bày tỏ quan điểm trên Đài CNN cho rằng trừ khi hai bên sớm đạt được thỏa thuận, xóa bỏ các mức thuế quan đã áp lên nhau trong năm ngoái, còn không "sẽ có rất nhiều" doanh nghiệp Mỹ rơi vào tình cảnh sụt giảm lợi nhuận như Apple, cụ thể là các doanh nghiệp coi Trung Quốc là thị trường trọng yếu của họ.
Điều tốt nhất có thể hi vọng là chấm dứt được tình trạng xung đột thương mại gia tăng, các lệnh trừng phạt thương mại hai bên đã áp đặt lên nhau sẽ vẫn giữ nguyên.
Báo New York Times dẫn lời ông Eswar Prasad, chuyên gia thương mại của Đại học Cornell, nói.
Không nhiều kỳ vọng
Thời gian qua, theo giới quan sát, trong nỗ lực giảm bớt căng thẳng trước thời hạn chót của đình chiến thương mại ngày 2-3 (theo thỏa thuận đạt được giữa ông Trump và ông Tập tại Argentina), Trung Quốc đã có một số đề xuất nhượng bộ, trong đó có giảm thuế với hàng Mỹ. Tới hạn chót này, nếu không đạt được thỏa thuận nào, Mỹ sẽ tăng thuế nhập khẩu từ 10% lên 25% với 200 tỉ USD hàng Trung Quốc.
Ngày 7-1, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết cả Bắc Kinh và Washington đều bày tỏ mong muốn hợp tác với nhau để thực hiện được một thỏa thuận về thương mại. Đài NBC dẫn lời ông Lục Khảng, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, nói nước này sẵn sàng giải quyết những bất đồng thương mại với Mỹ trên cơ sở bình đẳng.
Mặc dù những thỏa hiệp phía Trung Quốc đề xuất là tích cực, song các chuyên gia về thương mại Trung Quốc của Mỹ cho rằng họ không chắc những thỏa hiệp thương mại sẽ mau chóng và dễ dàng được hiện thực hóa, bởi chúng liên quan tới những thay đổi thiết yếu về cấu trúc cũng như pháp lý.
Do đó, nhiều chuyên gia vẫn cho rằng thương chiến Mỹ - Trung sẽ còn tiếp tục kéo dài, ít nhất qua mốc 2-3 và tiếp tục gây tổn hại cho người tiêu dùng, lợi nhuận doanh nghiệp và tăng trưởng kinh tế của cả hai bên.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận