Phó thủ tướng Lưu Hạc trong một lần ở Washington tham gia đàm phán thương mại - Ảnh: AFP
Nối lại đàm phán không đồng nghĩa hai bên sẽ tiến gần đến nhau hơn hay bớt cứng rắn hơn.
Cựu quan chức Bộ Thương mại Trung QuốcZhou Xiaoming
Bộ Thương mại Trung Quốc sáng 5-9 ra thông báo giúp thị trường chứng khoán châu Á khởi sắc. Theo đó, Phó thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc đã điện đàm với đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer và Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin.
Hai bên nhất trí tổ chức vòng đàm phán giải quyết tranh chấp thương mại thứ 13 vào đầu tháng 10 ở thủ đô Washington.
Khó có bước ngoặt
Đây sẽ là lần đầu tiên hai phái đoàn đàm phán thương mại Mỹ - Trung gặp nhau từ lúc căng thẳng thương mại leo thang vài tuần gần đây, với việc Mỹ và Trung Quốc tăng mức thuế nhập khẩu lên hàng hóa đối phương.
Báo chí quốc tế đa số cho rằng dù nối lại đàm phán là tín hiệu tốt nhưng chưa nhiều chuyển biến cho thấy một cuộc gặp gỡ như trên sẽ đáng kỳ vọng trong việc tìm thấy bước ngoặt. Ngược lại, áp lực dài hơi của cuộc đàm phán này là điều đáng lo, đặc biệt sau khi Mỹ tố Trung Quốc phá hỏng những nội dung được phái đoàn hai nước xây dựng cả năm qua.
Trước đó, Đài ABC dẫn lời đại sứ Trung Quốc tại Úc Cheng Jingye tố Mỹ hành động "bắt nạt" khi tăng thuế nhập khẩu lên hàng Trung Quốc, đồng thời khẳng định dù Bắc Kinh không muốn chiến tranh thương mại song vẫn sẵn sàng trả đũa.
Lu Xiang, một nhà nghiên cứu về vấn đề Mỹ tại Học viện Khoa học xã hội Trung Quốc, cũng cho rằng phái đoàn Mỹ - Trung sẽ thảo luận và thống nhất được chương trình nghị sự cho vòng đàm phán sắp tới, nhưng chưa rõ liệu phái đoàn Mỹ sẽ trình bày những ý định của ông Trump ở mức độ nào.
Ông này nhận định: "Những gì ông Trump sẽ làm đang ngày càng khó đoán vì ông ta đang bước vào giai đoạn "phút bù giờ" trên cương vị tổng thống Mỹ (sắp hết nhiệm kỳ - PV)... Chúng tôi tốt nhất không nên kỳ vọng quá nhiều vào kết quả đàm phán".
Chuẩn bị cho đường dài
Với tình trạng hiện nay trong tổng thể mối quan hệ Mỹ - Trung, có lý do để cho rằng còn phải mất nhiều thời gian nữa để hai bên đạt được đồng thuận.
Thông báo của Bộ Thương mại Trung Quốc về cuộc gặp tháng 10 được đưa ra ngay sau khi lãnh đạo Hong Kong tuyên bố rút dự luật dẫn độ.
Đáng chú ý, trước đó Tổng thống Mỹ Donald Trump từng nói sẽ đưa vấn đề Hong Kong vào đàm phán thương mại. Nó tạo cảm giác "Trung Quốc nhịn một bước, Mỹ nhường lại một bước".
Và việc đưa thời gian đàm phán tới đầu tháng 10 cũng nhiều khả năng sẽ khiến ngày này rơi vào thời điểm sau quốc khánh Trung Quốc. Với một số luồng quan điểm nhất định, đây cũng là cách giải tỏa áp lực cho dàn lãnh đạo Trung Quốc trên chính trường quốc tế.
Công luận Trung Quốc đang đá quả bóng sang phần sân Mỹ. South China Morning Post dẫn nhận định từ Taoran Notes, một tài khoản mạng xã hội thuộc nhánh hoạt động của tờ báo Trung Quốc Economic Daily, cho rằng các quan chức Mỹ - Trung có thể chỉ mặt đặt tên những mối quan tâm cốt lõi của hai bên trong vài ngày tới. Taoran viết: "Xu hướng tới đây, dù phát triển theo hướng tích cực hay lặp lại (các căng thẳng trước đó), cũng có lẽ sẽ được quyết định bằng các hành động của Mỹ".
Đó là một trong những tín hiệu cho thấy Trung Quốc vẫn trong tình trạng "chờ" đối với những yêu cầu từ phía Mỹ. Các nhà nghiên cứu của Deutsche Bank hôm 3-9 cũng khẳng định Trung Quốc có thể đã chuẩn bị cho một cuộc thương chiến dài hơi với Mỹ.
Hai lý do chính cho nhận định này là: Trung Quốc không xem việc giải quyết tranh chấp thương mại với Mỹ là vấn đề ưu tiên cho quan hệ Mỹ - Trung; thứ hai, Chính phủ Trung Quốc có lẽ đã quả quyết rằng tác động từ chiến tranh thương mại là chuyện có thể kiểm soát được.
Nhà kinh tế của Deutsche Bank tại Trung Quốc, Yi Xiong, viết: "Chúng tôi nghĩ nội bộ Trung Quốc dường như đang chấp nhận chiến tranh thương mại là một thực tế và sẽ cố gắng duy trì khả năng ổn định kinh tế dưới những mức thuế quan đang bị tăng lên".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận