15/07/2019 14:25 GMT+7

Thương cảng Hội An và những thách thức của một điểm đến hấp dẫn

THÁI BÁ DŨNG thực hiện
THÁI BÁ DŨNG thực hiện

TTO - Hội thảo 'Giao lưu văn hóa các thương cảng quốc tế thời trung đại tại VN và Đông Nam Á' diễn ra ở Hội An, câu chuyện Hội An nói riêng và dọc biển miền Trung VN từng tồn tại hàng loạt cảng biển tầm cỡ được nhiều nhà nghiên cứu chú trọng.

Thương cảng Hội An và những thách thức của một điểm đến hấp dẫn - Ảnh 1.

hiện là một trong những điểm đến hấp dẫn nhất của thế giới với lượng khách bình quân mỗi năm đạt trên 3 triệu lượt người - Ảnh: T.B.D.

Với Hội An, nếu sự phát triển mà để quá tải, quá ngột ngạt dẫn đến mất cân bằng, mất linh hồn thì cũng sẽ như các đô thị khác. Lúc đó Hội An không còn là phố cổ trầm mặc nữa mà giống... một cái chợ.

PGS.TS Đoàn Lê Giang

Để những thương cảng Việt Nam "bừng tỉnh" đồng thời vẫn giữ gìn được bản sắc văn hóa riêng, cần sự quan tâm đúng mực từ nhiều cấp, nhiều phía. Tuổi Trẻ ghi nhận ý kiến của các học giả, các nhà sử học.

* PGS.TS Nguyễn Ngọc Thơ (học giả ĐH Harvard, Hoa Kỳ):

Những bài học quý giá cho đến nay

Thương cảng Hội An và những thách thức của một điểm đến hấp dẫn - Ảnh 3.

Hội An cùng các thương cảng dọc miền Trung từng là những viên ngọc của khu vực. Đây là những thương cảng rất nổi tiếng trên tuyến hàng hải thế giới với sự kết nối về vị trí địa lý thuận lợi đã đem lại những vị thế, lợi ích rất to lớn đưa đất nước phát triển.

Những tư liệu lịch sử đó cho chúng ta bài học quý giá về vai trò của Việt Nam, vị thế của kinh tế biển đối với sự phát triển kinh tế, quốc phòng của quốc gia.

Một quốc gia muốn phát triển, muốn làm chủ, điều tiên quyết là phải mở biển, mở cảng biển để chào đón người bên ngoài đến giao lưu, khuyến khích người trong nước ra giao lưu với bên ngoài.

Trong quá khứ nếu chúng ta chưa chú trọng việc đưa người Việt Nam ra với thế giới thì hiện nay chúng ta sẽ thúc đẩy việc này. Thông qua việc bám biển, chúng ta giữ được ngư trường, đưa ngư dân vươn khơi. Việc này cũng giúp lưu thông được hàng hóa với thế giới bên ngoài chứ không thụ động ngồi đợi thế giới đến với mình.

Tại sao Hội An từng vô cùng phát triển? Đó là sự thuận lợi về vị trí địa lý. Hội An được xem là khoảng trung chuyển, điểm dừng chân của các hải trình dài ngày trên biển.

Và ngoài vị trí địa lý, tôi cho rằng yếu tố con người rất quan trọng. Người Hội An lúc bấy giờ đã có sự chuẩn bị sẵn cho việc tiếp đón tàu bè nước ngoài, mở lòng giao lưu với bên ngoài.

* PGS.TS Đoàn Lê Giang (Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM):

Không để tư liệu lịch sử chỉ là sự khảo cứu

Thương cảng Hội An và những thách thức của một điểm đến hấp dẫn - Ảnh 4.

Từ xa xưa, dọc biển miền Trung chúng ta đã có sự giao lưu rất phong phú, đa sắc của một đất nước biển, hướng ngoại, hay nói khác đi là một "đất nước mở".

Chúng ta thấy cảng Vân Đồn, Hải Dương, Hưng Nguyên, cảng Nước Mặn, Thanh Chiêm, Thanh Hà, Hội An, Bao Vinh... từng rất nổi tiếng trên hệ thống hàng hải của thế giới, nơi tập trung hoạt động mậu dịch của các chuyến tàu hàng quốc tế.

Rất tiếc chúng ta lại có một quá trình đóng cửa, nép mình quá dài. Chính vì vậy, các học giả, nhà khoa học khi công bố những thông tin tư liệu lịch sử rất mong muốn được nhìn nhận đúng vị trí, tầm vóc của đất nước.

Đó là chúng ta trên bản đồ thế giới từng là một cường quốc biển, một thời kỳ từng hoàng kim của Việt Nam. Cảng biển dày đặc với bất cứ quốc gia nào cũng là một đòn bẩy cho sự phát triển.

Vấn đề hiện nay chúng ta phải nhìn nhận lại lịch sử để có những bài học, sự điều chỉnh hợp lý trong bối cảnh kinh tế biển đang được ưu tiên.

* Ông Nguyễn Văn Sơn (phó chủ tịch UBND TP Hội An):

Một Hội An đa sắc màu, đậm bản sắc

Thương cảng Hội An và những thách thức của một điểm đến hấp dẫn - Ảnh 5.

Lịch sử cho thấy thời kỳ trung đại, thương cảng quốc tế Hội An từng giữ vai trò rất quan trọng ở xứ Đàng Trong cũng như mạng lưới giao thông hàng hải quốc tế.

Tại Hội An xa xưa, bên cạnh các hoạt động mậu dịch sôi nổi còn có các hoạt động giao lưu văn hóa mạnh mẽ giữa cư dân địa phương với thương gia nhiều nước trên thế giới.

Dù du nhập nhiều nền văn hóa, tộc người, quốc tịch khác nhau nhưng tất cả đều được điều chỉnh hợp lý và tạo nên một đô thị đa sắc màu mang đậm bản sắc. Hội An đang được thừa hưởng những giá trị đó.

Đây là một bài học thường thức đặt ra cho các nhà quản lý: Làm sao để có thể du nhập và trở thành điểm đến của thế giới nhưng vẫn tạo được bản sắc, giá trị cho riêng mình.

Thách thức cho một điểm đến hấp dẫn

Hội thảo quốc tế Giao lưu văn hóa các thương cảng quốc tế thời trung đại tại VN và Đông Nam Á với sự tham dự của gần 100 học giả, chuyên gia trong và ngoài nước, được tổ chức trong hai ngày 12 và 13-7 tại Hội An.

Tại hội thảo, khi đề cập đến hình ảnh Hội An trong lịch sử cũng như hiện tại, các nghiên cứu đã dành nhiều lời khen ngợi cho những nỗ lực của Hội An trong việc bảo tồn, gìn giữ một đô thị cổ giàu sức sống, đặc biệt mới đây được vinh danh là "đô thị tốt nhất thế giới" (theo bình chọn của độc giả tạp chí Travel and Leisure).

Cũng theo tư liệu của Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An, nơi đây hai lần được Unesco công nhận là di sản văn hóa thế giới, và hiện là một trong những điểm đến hấp dẫn nhất của thế giới.

Tuy nhiên, nhiều nhà nghiên cứu cũng cảnh báo về mật độ xây dựng quá lớn, chật chội, quá tải, thiếu quy hoạch tổng thể, sự biến đổi trong thói quen sinh hoạt, lối sống cư dân bản địa đang khiến Hội An đứng trước nhiều nguy cơ...

Hội An đứng đầu 15 thành phố tuyệt vời nhất thế giới

TTO - Thành phố miền Trung của Việt Nam nhảy từ vị trí thứ 8 lên dẫn đầu trong bảng xếp hạng những thành phố hàng đầu trong mắt du khách của tạp chí Travel and Leisure.

THÁI BÁ DŨNG thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp