Phóng to |
Điều đáng chú ý, các thuốc này đều rất ít bị cạnh tranh và giá cao hơn nhiều so với thuốc cùng hoạt chất, cùng nguồn gốc VN với hàm lượng thông thường trên thị trường.
Chưa có cách ngăn chặn
Khảo sát của Bảo hiểm xã hội VN cho thấy giá thuốc Cefalexin 350mg của Công ty cổ phần tập đoàn Merap (VN) trúng thầu tại tỉnh Bình Dương có giá 1.400 đồng/viên, trong khi cùng thuốc này, hàm lượng 250mg (loại hàm lượng thường thấy) cùng sản xuất tại VN, cùng trúng thầu vào tỉnh Bình Dương của một công ty dược khác giá chỉ có 470 đồng/viên. Thậm chí loại Cefalexin 500mg (cũng là loại hàm lượng thông thường) của công ty dược này trúng thầu vào tỉnh Bình Dương có giá 725 đồng/viên, rẻ hơn gần một nửa so với loại thuốc hàm lượng mới là 350mg, cùng nguồn gốc VN và cùng trúng thầu vào tỉnh Bình Dương.
Cũng trong danh mục này, thuốc phối hợp Cefoperazol + Sulbactam 1,5g + 750mg có giá trúng thầu bao gồm VAT là 99.000 đồng/lọ, trong khi sản phẩm của công ty dược khác cùng dạng phối hợp, cùng trúng thầu trong danh mục nhưng hàm lượng 1,5g + 1,5g giá rẻ hơn gần một nửa, chỉ còn 59.000 đồng/lọ. Thuốc Cefotaxim hàm lượng 1,5g (duy nhất trúng thầu trong danh mục) có giá 35.000 đồng/lọ, trong khi cùng hoạt chất, loại hàm lượng 1g chỉ có giá 9.350-25.000 đồng/lọ. Thuốc Ceftazidim hàm lượng 1,25g trúng thầu giá 59.000 đồng/lọ, trong khi Ceftazidim hàm lượng 1g cùng nguồn gốc VN, cùng danh mục trúng thầu chỉ có giá 30.000 đồng/lọ...
Theo PGS.TS Lê Văn Truyền - nguyên thứ trưởng Bộ Y tế, nguyên chủ tịch Hiệp hội Các nhà sản xuất kinh doanh dược VN, theo dược thư quốc gia thì hàm lượng thuốc kháng sinh Cefalexin viên nén, viên nang gồm các loại 250mg, 500mg, 1g; còn Ceftazidim lọ 250mg, 500mg, 1g, 2g, 6g. Nhưng gần đây thấy cả Cefalexin viên 350mg, 700mg, Ceftazidim lọ 1,25g... Một chuyên gia về dược của Bảo hiểm xã hội VN cho rằng về lý thuyết có thể sản xuất thuốc với bất kỳ hàm lượng nào, nhưng điều quan trọng là giá. Khó có thể chấp nhận hàm lượng chỉ nhỉnh hơn chút đỉnh mà giá cao hơn gấp nhiều lần. “Có thể đây là cách lách của doanh nghiệp để tạo sự độc quyền” - vị này đánh giá.
Khảo sát tại năm địa phương đầu tiên hoàn tất đấu thầu theo thông tư 01 mới, Cục Quản lý dược vừa cho biết so với năm 2012, gói thầu tương tự của năm 2013 đã giảm được chi phí mua thuốc lên tới 28-57 tỉ đồng. Tuy nhiên, theo ông Vũ Xuân Hiển, trưởng Ban Dược - vật tư y tế (Bảo hiểm xã hội VN), đang có xu hướng xuất hiện thuốc hàm lượng không giống bình thường, hàm lượng cao hơn 1-2 lần so với thông thường nhưng giá cao hơn trên ba lần. “Chúng tôi đã có trao đổi với Cục Quản lý dược về hiện tượng này, nhưng hiện nay chưa có biện pháp ngăn chặn”- ông Hiển cho biết.
Lo ngại thuốc Trung Quốc
Cơ quan chức năng cũng đang lo ngại xu hướng “Trung Quốc hóa thị trường thuốc”. Thực hiện đấu thầu theo quy định mới, các thuốc đạt tiêu chuẩn kỹ thuật sẽ tham gia đấu giá từng sản phẩm, nhưng khi đấu về giá thì rất nhiều thuốc Trung Quốc trúng thầu vì giá rất rẻ. Đơn cử danh mục trúng thầu của tỉnh Bình Dương có Ceftriaxone 1g của Qilu (Trung Quốc); danh mục trúng thầu của Hải Phòng có Conxime 0,75g của Shandong Hualu (Trung Quốc), Biloxim 1,5g của Shijiahuang (Trung Quốc), Cefuroxim lọ bột của Shenzhen Zhijum (Trung Quốc) trúng thầu; danh mục của Thừa Thiên - Huế có Tinidazol của Sichuan Kelun (Trung Quốc), Ampicilne + Sulbactam của Shandong (Trung Quốc) trúng thầu...
“Chúng tôi rất lo ngại vì ngay cả xe máy, quần áo, trái cây, thậm chí cả gừng của Trung Quốc cũng đã phát hiện độc chất, mặc dù bề ngoài chúng đều rất đẹp, bóng bẩy, giá rẻ. Nếu dùng thuốc giá rẻ mà thời gian điều trị kéo dài thì thiệt hại còn lớn hơn nhiều so với vấn đề giá thuốc” - một chuyên gia của Bảo hiểm xã hội VN cho biết.
Theo thông tin của Tuổi Trẻ, hiện Bảo hiểm xã hội VN đang tổng hợp danh mục thuốc Trung Quốc trúng thầu vừa qua, xem mức độ của xu hướng này và nhanh chóng đề xuất biện pháp quản lý phù hợp.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận