18/12/2024 11:42 GMT+7

Thuốc trị bạo lực trên đường

Đó là những camera trên đường, là sự vào cuộc kịp thời của các cơ quan chức năng đã và sẽ buộc những người nóng nảy, hung hăng, ưa thích bạo lực phải chùn tay nếu không phải trả giá.

Thuốc trị bạo lực trên đường - Ảnh 1.

Nam tài xế đánh người đi đường gần Bệnh viện Từ Dũ. Dù được người đi cùng xe ngăn cản, nam tài xế vẫn tỏ ra rất hung hăng - Ảnh: NNCC

Những vụ việc xảy ra gần đây đã nhắc nhở mọi người chúng ta hãy tôn trọng văn hóa giao thông, hãy hành xử theo pháp luật, qua rồi thời của kẻ mạnh, bạo lực hung hăng mà không bị trừng phạt.

Thực tế, ai tham gia giao thông ở TP.HCM cũng ít nhiều gặp những tình huống va quẹt. Tôi cũng vậy, có lúc mình lỡ tông vào đuôi xe người đi trước chỉ vì không xử lý kịp tình huống thắng gấp của một ai đó. Bản thân cũng từng bị húc bay biển số xe khi có người cũng xử lý không kịp giống mình.

Tất nhiên, tôi cũng từng nghe những lời "khó nghe" của những người mà mình vô tình va chạm trên đường, thậm chí có cả chửi tục.

Thường những tình huống ấy tôi sẽ xin lỗi và lướt qua để tránh những xung đột có thể bùng lên. Nếu mình là người va trước thì xin lỗi là đương nhiên, nhưng cũng có lúc mình bị húc mạnh mà vẫn... bị chửi: "Bộ mày không biết chạy xe hả?". Những lúc như vậy, "thần chú" mà tôi hay niệm chính là "một điều nhịn, chín điều lành".

Đi lại trong đô thị đông đúc như TP.HCM, sự tử tế không thiếu ở trên đường.

Một lời nhắc bật chân chống xe; một hành động nép mình vào lề, chạy chậm lại để xe cứu thương có không gian chạy qua chỗ đông; hay người xa lạ sẵn sàng giúp người đi đường bị tai nạn cũng là việc tử tế giữa phố...

Bản thân tôi từng bị tai nạn đến gãy chân. Trong khi ngã xuống giữa đường Bà Hom (quận Bình Tân), người dân xung quanh khu vực đó đã đưa tôi vào lề, dắt xe, bảo vệ hiện trường, giữ tài xế taxi gây tai nạn và gọi người thân tới giúp.

Do vậy, tôi không đồng ý khi ai đó quơ đũa cả nắm về việc người Sài Gòn manh động, người Việt hung hãn... khi nhìn cảnh một vài người, vài nhóm "chiến nhau" trên phố, bất chấp pháp luật.

Đâu đó vẫn có sự dễ thương đáng quý; còn ở đâu, ai, vụ việc nào vi phạm pháp luật thì cần phải được truy xét, xử lý đúng người, đúng tội.

Tôi cũng không đồng ý với những lý giải mang tính cảm tính, rằng người ta căng thẳng, nhiều bức bách nên dễ hành xử vô pháp, vô thiên. Sự bản năng trong ứng xử trước mọi sự, mọi việc là điều không thể chấp nhận trong một xã hội hiện đại, văn minh, thượng tôn pháp luật.

Đó có lẽ cũng là điều lý giải được cho phản ứng của dư luận trước lời thú tội của bị can Bùi Thanh Khoa trong những ngày vừa qua. Tôi đọc hàng trăm bình luận trên Tuổi Trẻ, gần như không ai chấp nhận giải thích cho hành vi vi phạm của người này.

Áp lực cuộc sống hay đường sá kẹt xe, nóng nực, khó chịu... không thể và không nên là điểm khoan hồng, bởi ai cũng có áp lực, cũng chung sống trong một môi trường ấy. Nếu ai cũng vì áp lực mà làm loạn, hung hãn, hành xử kiểu "luật rừng" thì còn gì là an ninh, trật tự!

Tất nhiên, nếu áp lực cuộc sống là một trong những lực đẩy khiến con người không kiềm chế được mình, thì đây có thể là bài học quý cho tất cả mọi người trong việc cân bằng lại chính mình.

Quản lý cảm xúc bản thân để không suy nghĩ, nói năng, hành động bột phát, phạm pháp không bao giờ thừa.

Đó cũng là một cách tự bảo an, đóng góp cho sự bình an chung của cộng đồng. Và bài học lớn cũng rút ra, đó là để giữ gìn trật tự trị an, cơ quan chức năng cần nhanh chóng vào cuộc, xử lý nghiêm, kịp thời những hành vi bạo lực. Đây cũng là thuốc trị nạn bạo lực trên đường phố.

Thuốc trị bạo lực trên đường - Ảnh 2.Xử phạt người đạp ngã xe chở hàng ở Bình Tân

Nam thanh niên chở theo bạn gái đạp ngã xe của người đàn ông chở hàng ở quận Bình Tân (TP.HCM) bị xử phạt 6,5 triệu đồng vì cố ý gây thương tích hoặc xâm phạm sức khỏe của người khác.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp