27/03/2023 07:29 GMT+7

Thuốc lá điện tử: Chưa chấp nhận mà tính áp thuế tiêu thụ đặc biệt là sao?

Bộ Tài chính vừa có công văn gửi các bộ ngành, địa phương và doanh nghiệp lấy ý kiến về việc đề nghị xây dựng dự án Luật thuế tiêu thụ đặc biệt sửa đổi, trong đó có tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với thuốc lá và thuốc lá điện tử.

Thuốc lá điện tử: Chưa chấp nhận mà tính áp thuế tiêu thụ đặc biệt là sao? - Ảnh 1.

Các loại thuốc lá điện tử nhập lậu đã được phát hiện trên thị trường

Nhiều ý kiến còn băn khoăn về việc tăng thuế với thuốc lá và áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt với thuốc lá điện tử, trong khi thuốc lá điện tử hiện chưa được cho phép lưu hành chính thức tại Việt Nam. Vậy nên như thế nào?

Tăng thuế thuốc lá để giảm người hút?

Theo ông Nguyễn Huy Quang - nguyên vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế), trưởng ban tư vấn, phản biện và giám định xã hội của Tổng hội Y học Việt Nam, đối với thuốc lá việc điều chỉnh cơ cấu thuế theo hướng bổ sung thuế tuyệt đối vào mặt hàng thuốc lá phù hợp.

Tuy nhiên, theo ông Quang, cần có lộ trình điều chỉnh mức thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt nhằm giảm tiêu dùng thuốc lá theo mục tiêu Chính phủ đề ra, trong Kế hoạch hành động phòng chống bệnh không lây nhiễm và rối loạn sức khỏe tâm thần giai đoạn 2022-2025, Chương trình sức khỏe Việt Nam đến năm 2030, tiến tới đạt được mức khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới và Ngân hàng Thế giới.

TS Nguyễn Huy Quang phân tích những lý do điều chỉnh thuế tiêu thụ đặc biệt với thuốc lá như sau:

- Xu hướng cải cách thuế thuốc lá trên thế giới là áp dụng hệ thống thuế tuyệt đối hoặc thuế hỗn hợp (kết hợp giữa thuế suất theo tỉ lệ và mức thuế suất tuyệt đối).

Trên thế giới, số nước áp dụng hệ thống thuế hỗn hợp đã tăng từ 48 quốc gia (2008) thành 64 quốc gia (2020). Trong đó, số quốc gia áp dụng hệ thống thuế hỗn hợp với mức thuế suất tuyệt đối chiếm phần lớn giá sản phẩm so với thuế tỉ lệ tăng từ 22 quốc gia (2008) lên 39 quốc gia (2020).

Đồng thời, trong cùng khoảng thời gian này, số quốc gia áp dụng hệ thống thuế tỉ lệ (như Việt Nam hiện nay) đã giảm từ 57 quốc gia xuống 42 quốc gia.

- Việc áp dụng thuế hỗn hợp (thuế tỉ lệ và thuế tuyệt đối) sẽ có lợi cho mục tiêu y tế công cộng và cả mục tiêu tài chính hơn so với việc áp dụng hệ thống thuế tỉ lệ hiện tại. Thuế tiêu thụ đặc biệt theo mức tuyệt đối dễ quản lý hơn thuế theo tỉ lệ vì dễ đếm số lượng của sản phẩm hơn là xác định giá trị sản phẩm.

Thêm vào đó, căn cứ để tính thuế theo thuế tỉ lệ (dựa trên giá bán ra của nhà sản xuất/giá của nhà nhập khẩu) hiện nay là rất yếu. Cơ sở tính thuế này đã được ghi nhận trên thế giới là có khả năng bị thao túng bởi ngành công nghiệp hoặc các nhà sản xuất thuốc lá.

Cách tính này thiếu sự minh bạch, gây tốn kém trong việc giám sát và dễ dàng bị khai thấp hơn bởi người nộp thuế. "Thậm chí ngay cả khi thuế suất theo tỉ lệ tăng lên như trong những năm vừa qua thì giá tới người tiêu dùng có thể không thay đổi nếu nhà sản xuất hạ giá thành bán ra. WHO khuyến nghị các quốc gia sử dụng thuế tỉ lệ thì áp dụng giá tính thuế là giá bán lẻ, và ngày càng nhiều quốc gia áp dụng cách này" - ông Quang nhấn mạnh.

Tuy nhiên, việc áp dụng thuế suất tỉ lệ dựa trên giá bán lẻ cũng có những hạn chế mà việc áp dụng thuế tuyệt đối có thể giải quyết được. Áp dụng thuế tuyệt đối hoặc thuế hỗn hợp làm cho giá trung bình sản phẩm cao hơn, đặc biệt là ở các sản phẩm có giá thấp trong phổ giá, giúp hạn chế được sử dụng thuốc lá ở giới trẻ và người nghèo. 

Việc này cũng làm giảm sự đa dạng của sản phẩm và làm giảm khoảng cách của giá bán lẻ thuốc lá, ngược với thuế suất theo tỉ lệ do làm tăng khoảng cách về giá.

Do vậy, nhìn chung, áp dụng thuế tuyệt đối là hiệu quả hơn thuế tỉ lệ trong giảm tiêu dùng và tạo ra lợi ích lớn hơn cho sức khỏe từ việc tăng thuế.

Đặc biệt, theo ông Quang, thuế thuốc lá ở Việt Nam hiện nay chưa đáp ứng mục tiêu đề ra của Chính phủ trong giảm tiêu dùng và giảm tỉ lệ hút thuốc lá. Giai đoạn năm 2015 - 2019, Việt Nam đã 2 lần tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá (theo Luật thuế tiêu thụ đặc biệt sửa đổi 2014). Nhưng mức tăng thấp (5% với mỗi lần tăng), cơ sở tính thuế là giá nhà sản xuất bán ra, khoảng cách giữa các lần tăng dài nên mức tăng giá do tăng thuế là rất nhỏ. 

Theo đánh giá tác động tăng thuế giai đoạn 2015-2020, với hai lần tăng thuế (kết hợp thực hiện các chính sách phòng chống tác hại thuốc lá khác), thì tỉ lệ sử dụng thuốc lá chung chỉ giảm 1,2% (22,5% năm 2015 và 21,3% năm 2020). 

Riêng với nhóm nam giới đã giảm được 2,5% (từ 45,3% xuống 42,8%), và không đạt mục tiêu giảm tiêu dùng thuốc lá được xác định trong Chiến lược phòng chống tác hại thuốc lá đến năm 2020 (nam giới là 39%). 

Ông Quang cho biết thêm, hiện Việt Nam thuộc nhóm các nước có mức thuế kém hiệu quả và giá thuốc lá thấp nhất thế giới, thấp hơn so với mặt bằng chung của các nước trong khu vực ASEAN. 

Theo báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), năm 2020 giá trung bình một bao thuốc nhãn hiệu phổ biến nhất ở Việt Nam là 2,82$ quốc tế PPP/bao, bằng một nửa so với trung bình của các quốc gia trên thế giới (5,62$ quốc tế PPP/bao).

Hiện nay, tỉ lệ thuế thuốc lá tính theo giá bán lẻ (bao gồm thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế giá trị gia tăng) chỉ chiếm 38,8% (2020), thấp hơn so với trung bình của các quốc gia có thu nhập trung bình (59%), bằng một nửa của hầu hết các nước ở khu vực ASEAN (Thái Lan 78,6%, Singapore 67,1%, Indonesia 62,3%). Tổ chức Y tế thế giới và Ngân hàng Thế giới đã khuyến cáo tỉ trọng thuế thuốc lá trên giá bán lẻ chiếm ít nhất 75%.

Có đưa thuốc lá điện tử vào thuế tiêu thụ đặc biệt?

Trả lời câu hỏi nhiều người còn băn khoăn về việc đưa thuốc lá điện tử vào chịu thuế lần này, theo ông Quang, việc bổ sung thuốc lá mới (bao gồm cả các sản phẩm nicotine) vào đối tượng chịu thuế trong Luật thuế tiêu thụ đặc biệt sửa đổi (chính sách 1 tại tờ trình và điều 2 của đề cương dự thảo luật) tại thời điểm này là chưa phù hợp và đề nghị chưa đưa vào trong Luật thuế tiêu thụ đặc biệt với những lý do sau:

1. Luật phòng, chống tác hại thuốc lá (Luật số 09/2012/QH13) chưa quy định khái niệm về các sản phẩm nicotine và thuốc lá mới, nên các sản phẩm này không nên được điều chỉnh theo Luật thuế tiêu thụ đặc biệt sửa đổi này.

2. Hiện nay, Chính phủ đang lấy ý kiến của các bộ, ngành về phương án quản lý đối với sản phẩm thuốc lá mới (bao gồm các sản phẩm nicotine) và các ý kiến còn chưa thống nhất do còn chưa rõ ràng về cơ chế để quản lý các sản phẩm này. Thuốc lá mới (bao gồm các sản phẩm nicotine) là sản phẩm chưa được lưu hành. Vì vậy nếu đưa vào Luật thuế tiêu thụ đặc biệt sẽ gây cách hiểu rất nguy hiểm trong xã hội là sản phẩm này sẽ được phép lưu hành tại Việt Nam và coi đây là việc đã rồi.

3. Nguy cơ gia tăng sử dụng các sản phẩm nicotine và thuốc lá mới trong giới trẻ, đặc biệt là thanh thiếu niên. Các sản phẩm nicotine và thuốc lá mới được sản xuất với nhiều hình dạng (bút, USB, hình trái tim, với đèn nhấp nháy…) và hương vị thu hút giới trẻ (có khoảng 16.000 hương vị trong đó trẻ em rất thích như dâu, vani, mật ong, sô cô la...).

Việc xuất hiện những sản phẩm mới, được quảng cáo hấp dẫn sẽ gia tăng nhu cầu sử dụng (đặc biệt ở giới trẻ), đồng thời kìm hãm nỗ lực cai nghiện thuốc lá hoàn toàn của người đang hút thuốc và có nhu cầu bỏ thuốc. Bản chất sản phẩm vẫn là lệ thuộc chất gây nghiện nicotine, gây ảnh hưởng xấu tới thanh thiếu niên và tạo thế hệ những người hút thuốc lá mới.

Tại Việt Nam, tỉ lệ sử dụng thuốc lá điện tử trên 15 tuổi tăng từ 0,2% năm 2015 lên 3,5% học sinh 13-15 tuổi hút thuốc lá điện tử (GYST, 2022). Ở các quốc gia, nơi có quy định yếu hoặc trì hoãn việc cấm sản phẩm này đã cho thấy sự gia tăng sử dụng các sản phẩm thuốc lá mới trong giới trẻ.
80-90% người bị ung thư phổi do hút thuốc lá, số còn lại do đâu?80-90% người bị ung thư phổi do hút thuốc lá, số còn lại do đâu?

Nhiều người dù không hút thuốc lá nhưng vẫn được chẩn đoán mắc ung thư phổi. Vậy nguyên nhân là do đâu?

 

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp