Phóng to |
PARACETAMOL
Hippocrates, người được coi là ông tổ của Y học hiện đại, đã viết trong một tài liệu của mình về một loại bột có vị đắng chiết suất từ vỏ cây có tác dụng hạ sốt và giảm đau được sử dụng nhiều từ thế kỷ thứ 5 trước công nguyên.
Đó là vỏ cây liễu và chất chiết xuất mang tên là salicin, chất mà sau này được điều chế lại thành acid salycilic, được biết đến bằng một tên nổi tiếng và thông dụng hơn là Aspirin. Trong quá trình tinh chế và phân lập acid salycilic, Paracetamol đã được tạo ra. Tên hóa học Paracetamol hay Acetaminophen xuất phát từ công thức hóa học của chất này là N-acetyl-para-aminophenol và para-acetyl-amino-phenol.
Với công dụng hạ sốt, giảm đau nhưng ít gây cảm giác khó chịu ở đường ruột cũng như ít các tác dụng phụ hơn so với Aspirin, Paracetamol đã dần dần trở thành một loại thuốc hạ sốt và giảm đau phổ biến nhất trên thế giới cho đến tận ngày hôm nay.
Tại Việt Nam, cũng như các nước khác, Paracetamol được xem là loại thuốc được bán không cần phải có đơn thuốc của bác sĩ. Vì tính phổ biến của mình, Paracetamol được nhiều công ty sản xuất và vì vậy có nhiều tên thương mại khác nhau và được trình bày theo nhiều dạng sử dụng khác nhau.
Các dạng trình bày
Hiện tại có 4 dạng thuốc hạ sốt chứa paracetamol phổ biến có thể sử dụng rộng rãi trong cộng đồng:
- Thuốc viên nén hoặc viên nhộng với nhiều loại , nhiều liều lượng khác nhau, có 3 liều lượng phổ biến cho dạng viên là 100 mg, 325 mg và 500 mg. Một số nhà sản xuất có loại thuốc dạng viên nén sủi bọt, có 2 dạng viên thường gặp là viên chứa 330 mg và 500 mg paracetamol.
- Thuốc dạng bột chứa trong gói: thường có vị ngọt thích hợp cho trẻ em. Có 3 liều lượng phổ biến cho dạng thuốc gói này là 80 mg, 150 mg và 250 mg.
- Dạng sirô: thông thường liều lượng là 120 mg cho 5 ml dung dịch. Dạng sirô thường có dụng cụ đong thuốc kèm theo giúp các phụ huynh có thể lường được liều thuốc mỗi 2,5 ml như 2,5 ml, 5 ml, 7,5 ml. Trên nhãn chai, các nhà sản xuất thường in liều lượng uống theo lứa tuổi, nhưng vì liều lượng thuốc ở trẻ em phụ thuộc vào cân nặng nên có thể liều lượng hướng dẫn trên nhãn chai thuốc sẽ không phù hợp.
- Dạng thuốc viên nhét hậu môn: phải làm cứng viên thuốc trước khi nhét cho trẻ bằng cách làm đông lạnh. Dạng thuốc này chỉ nên sử dụng hạn chế khi trẻ không uống được, nôn ói nhiều, đang co giật hoặc trẻ đang ngủ mà bạn không muốn đánh thức trẻ dậy. Vì đường hấp thu tự nhiên của cơ thể là đường uống nên các phụ huynh chuyển sang cho trẻ uống càng sớm càng tốt. Dạng thuốc nhét hậu môn sẽ không dùng được khi trẻ bị tiêu chảy, bị viêm hoặc có vết thương vùng hậu môn và dạng thuốc này cũng có thể gây ngứa hậu môn khi dùng.
Thời gian tác dụng
Như đã đề cập đến trong những bài viết trước, thời gian tác dụng của đa số thuốc có chứa paracetamol là khoảng 30 phút sau khi dùng thuốc. Tuy vậy, thời điểm thuốc có tác dụng nhiều nhất tốt nhất là 2 giờ sau khi dùng thuốc. Do đó, sau khi uống thuốc , các phụ huynh nên chờ đợi cho đủ thời gian như trên thì thuốc mới có tác dụng, không nên lo lắng mà cho trẻ uống thêm thuốc sẽ gây quá liều có thể làm trẻ bị tổn thương gan.
Liều dùng
Nhiều nghiên cứu ở các nước cho thấy mặc dù các loại thuốc hạ sốt được sử dụng không cần theo đơn rất nhiều nhưng tỷ lệ sử dụng sai liều thuốc vẫn chiếm xấp xỉ 50%.
Liều dùng được tính theo cân nặng của trẻ với mức dao động từ 10 đến 15 mg cho mỗi kg cân nặng cho 1 lần uống. Khoảng cách giữa 2 lần uống được khuyến cáo là từ 4 đến 6 giờ nếu trẻ bị sốt.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận