Do tin tưởng vào công dụng của những “thần dược” này nên kết quả là túi “lủng” mà gan cũng “thủng” theo…
Chỉ cần tra cụm từ “thuốc giải rượu” hoặc “thuốc chống say” trên Google là xuất hiện hàng loạt thông tin về những loại thuốc từ tây, đông y, gia truyền, thực phẩm chức năng, đặc biệt nhiều loại thuốc có xuất xứ từ Trung Quốc, Nhật Bản.
Tốn tiền nhưng vẫn say
Hầu hết thuốc này được quảng cáo rất kêu: bảo vệ gan, chống nhanh say, giải hết độc tố trong cơ thể do uống rượu bia… Giá những loại thuốc này dao động 200.000-800.000 đồng/hộp. Khách hàng có nhu cầu sẽ được nhân viên giao hàng tận nơi.
Ngày 18-2, chúng tôi đến một số tiệm thuốc trên đường Hoàng Văn Thụ (Q.Phú Nhuận, TP.HCM) hỏi mua các loại thuốc, thực phẩm chức năng giải rượu. Đưa ra hai loại thực phẩm chức năng, nhân viên bán thuốc giới thiệu đây là những mặt hàng được nhiều người mua để uống giải độc tố của bia rượu.
“Trước khi nhậu 30 phút anh uống hai viên, nhậu xong uống hai viên nữa là tỉnh táo. Giá 14.000 đồng. Loại tám viên 20.000 đồng” - nhân viên này tư vấn.
Đặc điểm chung của những thực phẩm này là thành phần có chứa các loại vitamin B1,C và một số khoáng chất; công dụng ngăn chặn các tác hại do rượu gây ra đối với cơ thể, giúp người say trở lại trạng thái bình thường, làm giảm triệu chứng say…
Anh Nguyễn Minh Long (27 tuổi, Q.Bình Thạnh, TP.HCM) cho biết qua lời quảng cáo của một số “chiến hữu” cùng công ty, anh bỏ ra cả triệu đồng mua một hộp “thần dược” chống say rượu có xuất xứ Đài Loan (Trung Quốc).
“Những buổi đi tiếp khách hàng, tôi đều uống vài viên để chống say sớm. Do tự tin có thuốc rồi nên nhiều buổi nhậu uống quá chừng. Về đến nhà vẫn nằm vật vã như thường” - anh Long cho biết.
Còn anh Lê Tiến Dụng (ngụ huyện Hóc Môn, TP.HCM) cũng kể trước đây anh uống một số thuốc gia truyền để giải rượu. “Anh em thường xuyên nhậu truyền tai công dụng của loại thuốc gia truyền. Nhưng giải độc đâu không thấy, chỉ thấy uống nhiều thì nôn và say thôi” - anh Dụng thừa nhận.
Bác sĩ Trần Văn Năm, phó viện trưởng Viện Y dược học cổ truyền TP.HCM, cho biết những loại thuốc trên thị trường được cho là có tác dụng giải bia rượu thực chất chỉ làm chậm sự hấp thu rượu ồ ạt vào máu, hoặc tăng thải trừ một phần bia rượu qua đường tiểu hay mồ hôi nên làm chậm tình trạng say rượu.
“Nhưng nó không hoàn toàn giảm hết tác hại của bia rượu cho cơ thể. Thực tế nhiều người chủ quan và dựa vào các loại thuốc, thức ăn giải bia rượu mà uống quá nhiều bia rượu dẫn đến ngộ độc rượu, thậm chí tử vong” - bác sĩ Năm nói.
Ngoài ra, bác sĩ Năm cho biết tác dụng không mong muốn của các loại thuốc tây hiện được truyền nhau sử dụng để giải độc rượu đa số chứa hoạt chất paracetamol (acetaminophen hay N-acetyl-paraminophenol) hoặc các chất kháng histamine.
Hiện nay, Cục Quản lý dược Việt Nam vừa thông báo thuốc này ngoài tác dụng xấu trên gan còn có thể gây phản ứng có hại nghiêm trọng trên da.
Muốn khỏe: hạn chế rượu bia
ThS.BS Nguyễn Thị Phương Lan, phó trưởng khoa cấp cứu Bệnh viện cấp cứu Trưng Vương TP.HCM, cho biết thời gian qua khoa cấp cứu tiếp nhận nhiều trường hợp bị ngộ độc rượu rất nặng.
“Uống quá nhiều rượu bia hoặc rượu pha cồn công nghiệp (methanol) đều có nguy cơ bị ngộ độc và sẽ hại gan, chứ không có loại thuốc nào có thể giải độc được. Tôi cũng chưa biết đến loại thuốc nào giúp người uống bia rượu không bị hại gan, không say. Một số người uống bia rượu truyền nhau trước khi nhậu uống một số khoáng chất và vitamin sẽ khó say. Tuy nhiên, y khoa chưa có nghiên cứu nào khẳng định điều này và có thể chỉ có tác dụng tâm lý” - ThS.BS Nguyễn Thị Phương Lan nói.
Theo bác sĩ Lan, để khỏi “lấn cấn” khi sử dụng rượu bia, tốt nhất là biết lượng sức và uống chừng mực để bảo vệ gan. “Thực tế khi điều trị những ca ngộ độc rượu hoặc cấp cứu do uống quá nhiều rượu, một số bệnh nhân uống rượu sáng sớm trong lúc bụng đói. Uống bia rượu nhưng không ăn hoặc ăn không đầy đủ. Dùng những loại thuốc truyền miệng mong muốn giảm cảm giác say, ngăn tác hại của rượu bia nên cứ thế uống quá nhiều dẫn đến say, hại sức khỏe. Đó là sai lầm” - bác sĩ Lan cho biết.
Bác sĩ Năm nói thêm việc uống các loại thuốc, thực phẩm chức năng chỉ mang tính chất tạm thời, không thể dựa vào đó để uống bia rượu quá nhiều. “Trường hợp phải uống rượu, một số giải pháp giúp hạn chế một lượng lớn acetaldehyd (chất có trong máu sau khi uống rượu) như: không uống ngay một ly lớn rượu mà từng ít một, đặc biệt rượu có độ cồn cao. Cần uống nhiều nước tinh khiết để bù nước (cơ thể mất nước qua mồ hôi, đường tiểu tiện khi uống rượu)” - bác sĩ Năm tư vấn. Bên cạnh đó nước ép trái cây như cà rốt, rau má, cà chua, nước mía sạch, trà đường nóng, cà phê, nước đậu xanh, nước ép sắn dây có tác dụng giải rượu.
“Tỉnh rượu mới tự trách mình” Bác sĩ Trần Văn Năm cho biết một người trung niên có sức khỏe bình thường sử dụng một lượng bia rượu ít, vừa phải (bia dưới 250 ml/ngày/người, rượu dưới 100ml/người) sẽ thấy tác dụng gây hưng phấn nhẹ hệ thần kinh giai đoạn đầu (hoạt bát, suy nghĩ nhanh hơn), chống xơ vữa động mạch và kích thích tiêu hóa. Nhưng người lạm dụng bia rượu sẽ giảm hiệu suất làm việc, sức làm việc, thiệt hại kinh tế gia đình. “Điều tôi băn khoăn là giờ bàn công việc làm ăn, hội họp, giải quyết việc công tư, người ta đều kéo nhau ra quán nhậu. Việc này nếu lạm dụng quá sẽ ảnh hưởng sức khỏe. Say vào rồi quyết định sai lầm. Tỉnh bia rượu mới tự trách mình” - bác sĩ Năm nói. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận