Thuốc giả tràn lan, cách nào nhận diện?

Việc sử dụng thuốc giả không chỉ ảnh hưởng về kinh tế mà còn tiềm ẩn những nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe.

thuốc giả - Ảnh 1.

Lực lượng chức năng tỉnh Thanh Hóa vừa triệt phá đường dây sản xuất, bán thuốc giả lớn - Ảnh: CA Thanh Hóa

Ngay sau khi lực lượng chức năng triệt phá đường dây sản xuất sữa giả, một đường dây khác sản xuất thuốc giả cũng bị bắt. Hàng ngàn viên thuốc người mua kỳ vọng chữa được bệnh thì lại trở thành mối nguy, đe dọa tới sức khỏe. Thuốc giả tràn lan, người bệnh lo lắng.

Thuốc giả chứa thành phần corticoid rất nguy hiểm cho người dân khi dùng nhiều, nguy cơ gây hại cho sức khỏe rình rập người bệnh.

Sự hiện diện của thuốc giả tạo ra vòng xoáy: thất bại điều trị - biến chứng - chi phí điều trị cao hơn - gánh nặng cho hệ thống y tế - và nguy cơ tử vong gia tăng.

BS Nguyễn Huy Hoàng

Thủ đoạn tinh vi, nhắm đến người cao tuổi

Công an tỉnh Thanh Hóa mới triệt phá đường dây sản xuất, buôn bán thuốc chữa bệnh giả với quy mô lớn, bắt giữ 14 nghi phạm về tội "sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc phòng bệnh, thuốc chữa bệnh".

Theo thông tin từ cơ quan chức năng, nhóm sản xuất thuốc giả, làm việc và cất giấu thuốc tại 6 địa điểm ở 6 tỉnh, thành là Hà Nội, TP.HCM, Vĩnh Phúc, Hưng Yên, An Giang, Đồng Tháp, số lượng là hàng ngàn loại thuốc tân dược.

Cơ quan chức năng đã thu giữ toàn bộ 21 loại tân dược, thuốc chữa xương khớp giả và hàng ngàn hộp thuốc "bảo vệ sức khỏe", thuốc nhập khẩu với công dụng phòng bệnh khác.

Về thủ đoạn buôn bán thuốc giả ra thị trường, dưới vỏ bọc là dược sĩ buôn bán thuốc cho công ty dược, nhóm người này thông qua mạng xã hội Zalo, Facebook quảng cáo có nguồn thuốc kháng sinh của công ty chính hãng, "tuồn" ra từ nguồn hàng đấu thầu, hoặc bán chạy doanh số không xuất được hóa đơn nên giao bán rẻ hơn so với hàng chính hãng.

Với các loại thuốc "giả mạo" nguồn gốc nước ngoài, các bị can giới thiệu là hàng "xách tay" nên không có hóa đơn, chứng từ kèm theo để lấy lòng tin của người mua hàng. Để tạo lòng tin, các bị can mua thuốc thật trà trộn vào thuốc giả để bán ra thị trường. Khi khách hàng tin, nhóm này chỉ bán thuốc giả tự sản xuất.

Với loại thuốc giả chữa bệnh về xương khớp, nhóm tự đặt ra tên thuốc và tên công ty sản xuất thuốc có trụ sở ở... nước ngoài. Từ đó tạo tin cậy, gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng sẵn sàng bỏ tiền mua thuốc.

Đồng thời đường dây này nhằm vào nhóm người cao tuổi có nhu cầu mua, sử dụng các loại thuốc có tác dụng chữa bệnh về xương khớp, đau nhức, tê bại với giá thành rẻ, phù hợp với thu nhập của người già.

Ngoài ra các bị can còn lợi dụng sơ hở trong quản lý nhà nước đối với hoạt động kinh doanh dược phẩm tại các quầy thuốc, nhà thuốc.

Hoạt động suốt từ năm 2021 đến nay, khi bị bắt, nhóm này đã bán ra thị trường số lượng thuốc giả rất lớn, số tiền thu lời bất chính ước tính gần 200 tỉ đồng.

Thuốc giả thường được bán với giá rẻ bất thường để thu hút người mua, người bán thường đưa ra đủ các lý do để hợp thức hóa việc bán giá rẻ. Do đó, nếu giá quá thấp so với thị trường, người dân cần cẩn trọng. Đồng thời, tránh tin vào các lời quảng cáo "thần dược", hoặc thuốc không rõ nguồn gốc được rao bán qua mạng và truyền miệng.

Ông Tạ Mạnh Hùng

Nhiều người bệnh đã dùng phải thuốc giả

Những loại thuốc giả này đã được đưa ra thị trường, hàng ngàn sản phẩm, thu lời bất chính gần 200 tỉ đồng. Điều đó đồng nghĩa với việc hàng ngàn người bệnh đã bỏ "tiền thật" để mua và sử dụng những sản phẩm giả, kém chất lượng.

Việc sử dụng thuốc giả không chỉ ảnh hưởng về kinh tế mà còn tiềm ẩn những nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe.

Bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng, Trung tâm Oxy cao áp Việt - Nga, Bộ Quốc phòng, cho hay vấn nạn toàn cầu và thực trạng tại Việt Nam thuốc kê đơn - loại dược phẩm đòi hỏi chỉ định nghiêm ngặt của bác sĩ - đang bị làm giả với mức độ ngày càng tinh vi.

"Đây không chỉ là hành vi gian lận thương mại, mà còn là mối đe dọa trực tiếp đến sinh mạng con người, tạo áp lực cho hệ thống y tế, bóp nghẹt ngành dược phẩm chân chính và làm xói mòn niềm tin vào hệ sinh thái chăm sóc sức khỏe", bác sĩ Hoàng nhận định.

Bác sĩ Hoàng chỉ rõ hậu quả trực tiếp khi sử dụng thuốc giả là dẫn đến thất bại điều trị - đây là hậu quả phổ biến nhất. Với các bệnh lý nguy cấp như nhiễm khuẩn, tim mạch, ung thư, việc bỏ lỡ thời điểm vàng vì dùng thuốc giả đồng nghĩa với mất cơ hội sống.

Bên cạnh đó thuốc giả có thể dẫn đến ngộ độc, dị ứng. Nhiều thuốc giả chứa tạp chất nguy hiểm, gây tổn thương gan, thận, tim mạch hoặc phản ứng phản vệ, có thể gây tử vong.

Thuốc giả còn có thể dẫn đến các hậu quả gián tiếp như kháng kháng sinh, khi thuốc kháng sinh giả khiến vi khuẩn không bị tiêu diệt hoàn toàn, thúc đẩy khả năng đề kháng. Đây là cuộc khủng hoảng y tế toàn cầu.

Tránh thuốc giả: dứt khoát không mua thuốc kê đơn qua mạng

Ông Tạ Mạnh Hùng cho hay hiện nay thuốc giả phân phối qua hai kênh chủ yếu là kênh bán lẻ và trực tuyến.

Theo quy định mới từ 1-7, thuốc không kê đơn được bán trên các sàn thương mại điện tử, thuốc kê đơn không được bán trực tuyến. Do đó người dân lưu ý thứ nhất không mua thuốc kê đơn qua mạng xã hội, trên sàn thương mại điện tử. Thứ hai không mua bán thuốc qua cá nhân.

Ngoài ra khi mua thuốc ở các nhà thuốc, quầy thuốc, người dân chỉ mua thuốc ở nơi được cấp phép, có uy tín và địa chỉ rõ ràng. Không mua từ nguồn không rõ ràng như chợ, hàng rong hoặc qua các livestream...

Quản chặt nhưng thuốc giả vẫn tồn tại

Thuốc giả tràn lan, cách nào nhận diện? - Ảnh 2.

Tang vật là thuốc chữa bệnh giả vừa bị công an thu giữ - Ảnh: Công an tỉnh Thanh Hóa

Ông Tạ Mạnh Hùng, phó cục trưởng Cục Quản lý dược, Bộ Y tế, cho biết thuốc chữa bệnh là loại hàng hóa đặc biệt, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng người bệnh, do vậy yêu cầu quản lý rất nghiêm ngặt.

Các hoạt động sản xuất, kinh doanh, buôn bán, sử dụng thuốc phải tuân thủ các nguyên tắc, tiêu chuẩn thực hành tốt được quy định tại Luật Dược và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan.

Vậy làm sao để ngăn thuốc giả ra thị trường? Ông Tạ Mạnh Hùng cho hay các đơn vị đã thống nhất tiếp tục đẩy mạnh công tác đấu tranh phòng chống thuốc giả, thuốc không rõ nguồn gốc và xử lý nghiêm các vi phạm theo quy định của pháp luật trong thời gian tới.

Dù việc đấu tranh phòng chống thuốc giả "vẫn đã và đang" được thực hiện, nhưng thực tế vẫn có hàng ngàn loại thuốc giả được đưa ra thị trường mỗi năm. Đơn cử vụ việc ở Thanh Hóa hoạt động đến 4 năm, thu lời bất chính 200 tỉ đồng rồi mới bị bắt, để lại hệ lụy khôn lường cho xã hội.

Theo bác sĩ Hoàng, việc vẫn còn tồn tại thuốc giả một phần do khung hình phạt nghiêm ngặt nhưng chưa đủ răn đe. Các đường dây thuốc giả vẫn tồn tại dai dẳng, đặc biệt trên không gian mạng. Điều này cho thấy rào cản lớn không nằm ở khung luật mà ở năng lực thực thi, khả năng phát hiện và phối hợp liên ngành.

"Cần có thêm nhiều giải pháp như siết chặt kiểm soát kê đơn; rà soát quy định về bán thuốc trực tuyến; minh bạch hóa quy trình cấp phép và quản lý giá; xử lý nghiêm minh, công khai các vụ việc lớn...

Đặc biệt, dược sĩ và bác sĩ là hàng rào đầu tiên phát hiện thuốc giả. Người trực tiếp bán thuốc cho người bệnh cần chủ động tư vấn, báo cáo nghi ngờ, hướng dẫn người bệnh.

Tiến tới có thể ứng dụng công nghệ như áp dụng mã hóa truy xuất nguồn gốc, blockchain, QR code; phát triển cơ sở dữ liệu quốc gia về thuốc lưu hành", bác sĩ Hoàng đề xuất.

5 tác hại nghiêm trọng của thuốc giả đối với sức khỏe

Không điều trị được bệnh

Thuốc giả thường không chứa hoạt chất hoặc chỉ chứa với hàm lượng rất thấp, dẫn đến hiệu quả điều trị không có hoặc không đáng kể.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ước tính mỗi năm có hơn 1 triệu người tử vong liên quan đến việc sử dụng thuốc giả và thuốc kém chất lượng.

Gây ra tác dụng phụ nguy hiểm

Một số thuốc giả có thể chứa tạp chất độc hại, sản xuất trong điều kiện mất vệ sinh, dễ bị nhiễm nấm, vi khuẩn. Hậu quả có thể là ngộ độc, dị ứng nặng, suy gan, suy thận, rối loạn tiêu hóa, nhiễm trùng... thậm chí tử vong.

Làm tăng tình trạng kháng thuốc

Đặc biệt nguy hiểm là thuốc kháng sinh giả. Khi hoạt chất không đủ liều hoặc không đúng loại, vi khuẩn có thể "học cách" kháng lại thuốc, gây khó khăn trong điều trị về sau.

Tổn hại tâm lý và tài chính

Người bệnh khi dùng thuốc giả sẽ mất niềm tin vào thuốc men, bác sĩ và hệ thống y tế. Đồng thời, họ còn phải tốn kém thêm chi phí điều trị biến chứng do thuốc giả gây ra, chưa kể mua thuốc không có tác dụng.

Nguy cơ tử vong cao

Trong nhiều trường hợp, thuốc giả không chỉ làm chậm trễ việc điều trị mà còn gây độc cho cơ thể. Một số thống kê từ WHO cho thấy có từ 72.000 đến 169.000 trẻ em tử vong mỗi năm do thuốc kháng sinh giả.

Thuốc giả tràn lan, cách nào nhận diện? - Ảnh 3.Tên 21 loại thuốc giả vừa bị triệt phá ở Thanh Hóa cần tránh

Công an tỉnh Thanh Hóa vừa triệt phá đường dây sản xuất, buôn bán tân dược giả với quy mô lớn trên phạm vi toàn quốc. Trong đó, công an đã thu giữ 21 loại tân dược được làm giả, người dân cần biết để phòng tránh.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp