20/05/2019 10:12 GMT+7

Thuốc diệt cỏ Roundup gây ung thư: bê bối liên tiếp từ 'cục nợ Monsanto'

HOÀNG DUY LONG
HOÀNG DUY LONG

TTO - Người dân nhiều thành phố trên thế giới lại xuống đường tuần hành, biểu tình chống thuốc trừ sâu của Monsanto khi phiên tòa xử vụ kiện của hai công dân Mỹ bị ung thư vì thuốc trừ sâu còn chưa hết gây chấn động.

Thuốc diệt cỏ Roundup gây ung thư: bê bối liên tiếp từ cục nợ Monsanto - Ảnh 1.

Người biểu tình chống Monsanto ở quảng trường Cộng hòa, thủ đô Paris (Pháp) ngày 18-5. Pháp là nơi tiêu thụ thuốc trừ sâu nhiều thứ hai ở châu Âu và nhiều thứ ba trên thế giới - Ảnh: REUTERS

Giới truyền thông nhận định cuộc xuống đường thường niên năm nay, lần thứ bảy liên tiếp, ở nhiều thành phố khắp châu Âu, Mỹ, châu Mỹ và cả ở Nhật đã mang một vị thế khác. Giờ đây, Bayer - Monsanto đã suy yếu vì các vụ kiện với phán quyết có lợi cho các nguyên cáo là những người bị ung thư vì các sản phẩm của Monsanto trước đây.

Những người biểu tình đã xuống đường với các biển hiệu và mặt nạ, thường là mang hình đầu lâu ghê rợn, tố cáo những ảnh hưởng chết người từ các sản phẩm của Monsanto, gồm cả các sản phẩm biến đổi gen. Nhà sản xuất thuốc diệt cỏ chứa glyphosate và các thực phẩm biến đổi gen này của Mỹ hiện đang gặp nhiều bất lợi do liên tiếp thua kiện.

Những người biểu tình nay càng tin động cơ tranh đấu của mình là đúng đắn khi các phiên tòa xử bất lợi cho Bayer - Monsanto.

Ngày 13-5, Monsanto đã bị tòa án tại thành phố Oakland, bang California (Mỹ) yêu cầu bồi thường 2 tỉ USD cho hai vợ chồng tên Alva và Alberta Pilliod, ở độ tuổi 70, bị ung thư do đã sử dụng thuốc diệt cỏ Roundup của hãng này chứa glyphosate. Mức bồi thường kỷ lục này được đưa ra sau hai bản án khác tại Mỹ.

Bayer tuyên bố sẽ kháng cáo, nhưng giới phân tích đều cho rằng họ chỉ có thể giảm được mức phạt chứ khó có thể xóa được án. Diễn biến thị trường cũng đã cho thấy điều đó.

Chỉ ngay ngày hôm sau của phán quyết, trị giá cổ phiếu Tập đoàn Bayer của Đức - nơi mua lại Tập đoàn Monsanto của Mỹ gần một năm trước - đã giảm xuống mức thấp nhất trong vòng bảy năm qua.

Các vụ kiện cùng nhiều vụ bê bối liên tiếp đang khiến cổ đông đặt nghi ngờ về quyết định của Bayer - tập đoàn dược phẩm hàng đầu của Đức từng làm nên danh tiếng với thuốc aspirin - mua Monsanto với giá 66 tỉ USD.

Từ khi lấy Monsanto về với tham vọng đón gió nhu cầu nông nghiệp của toàn thế giới, ban lãnh đạo của Bayer có thể không ngờ rằng mình đã rước về cục nợ.

Trong một công bố kinh doanh gần cuối tháng 2 vừa qua, Bayer cho thấy đã giảm lợi nhuận thuần đến 76,9% so với năm trước. Trong cuộc bỏ phiếu tín nhiệm với tổng giám đốc Werner Baumann của tập đoàn này vào tháng trước, các cổ đông đã cho thấy vị trí của ông này đang bị lung lay.

Hôm 12-5, Tập đoàn Bayer còn phải chính thức xin lỗi sau khi công ty con Monsanto bị cáo buộc thuê một công ty quảng bá lập danh sách các chính trị gia, nhà khoa học, nhà báo và quan điểm của họ về thuốc trừ sâu và cây trồng biến đổi gen để có thể gây tác động.

Tuyên bố của Bayer cho biết sau khi đánh giá sơ bộ, tập đoàn thừa nhận việc lập danh sách này đã "gây quan ngại và chỉ trích". Bayer khẳng định đây không phải là cách mà tập đoàn tìm kiếm đối thoại xã hội và các bên liên quan. Theo đó, Bayer chính thức xin lỗi vì cách hành xử như vậy, dù cho rằng danh sách này không vi phạm pháp luật.

Hiện Bayer thông báo đã ngừng hợp tác với nhà cung cấp dịch vụ bên ngoài này, đồng thời cam kết thuê một công ty luật đánh giá các cáo buộc và sẽ thông báo tới tất cả những người liên quan cũng như phối hợp đầy đủ với cơ quan công tố Pháp.

Trước đó, nhà chức trách Pháp đã điều tra sơ bộ về việc Monsanto thu thập thông tin bất hợp pháp về quan điểm của hàng trăm nhân vật cao cấp cũng như phương tiện truyền thông.

Theo đó, Monsanto bị cáo buộc đã thuê một công ty PR lập dữ liệu về quan điểm của họ đối với thuốc trừ sâu glyphosate và cây trồng biến đổi gen, cũng như cách thức có thể gây tác động.

13.400

Đó là số vụ kiện nhắm vào Monsanto đang chờ xét xử ở Mỹ.

Vào tháng 3-2019, một tòa án liên bang ở San Francisco (cũng thuộc bang California) đã tuyên bố sản phẩm Roundup gây bệnh u lympho không Hodgkin cho một người đàn ông và phải bồi thường 80 triệu USD.

Tháng 8-2018, tòa án thành phố San Francisco cũng phán quyết Roundup gây ung thư cho một người thợ làm vườn và phải bồi thường 289 triệu USD. Một thẩm phán đã giảm con số này còn 78 triệu USD. Tập đoàn Monsanto đã kháng cáo tất cả các phán quyết này.

Bayer phải bồi thường 80,9 triệu USD trong vụ thuốc diệt cỏ Roundup

TTO - Bồi thẩm đoàn tại tòa án liên bang ở San Francisco, Mỹ quyết định Công ty Bayer AG sẽ phải bồi thường và đền bù thiệt hại cho nguyên đơn Edwin Hardeman 80,9 triệu USD liên quan đến căn bệnh ung thư của ông này.

HOÀNG DUY LONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp