Các chuyên gia cho rằng không thể khuyến cáo hay kêu gọi nông dân hạn chế sử dụng, cần phải cấm những thuốc bảo vệ thực vật đã được cảnh báo là độc, có hại mới giảm thiểu được nguy cơ đến sức khỏe và môi trường - Ảnh minh họa: QUANG ĐỊNH
Việt Nam cần có nghiên cứu quyết liệt hơn để sớm loại bỏ chất này ra khỏi danh mục được sản xuất và kinh doanh ở Việt Nam.
Đó là khẳng định của TS Nguyễn Đăng Nghĩa, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và tư vấn nông nghiệp nhiệt đới. Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nghĩa nói: "Việc tòa án liên bang ở San Francisco ngày 19-3 kết luận Roundup của Monsanto (thành phần chính là glyphosate) gây ung thư cho một người đàn ông Mỹ là cảnh tỉnh cho Việt Nam, nơi hóa chất này cũng như nhiều thuốc bảo vệ thực vật độc hại khác vẫn đang được sử dụng rộng rãi".
TS Nguyễn Đăng Nghĩa, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và tư vấn nông nghiệp nhiệt đới
* Liên tiếp thời gian qua tòa án Mỹ phán quyết chất glyphosate liên quan đến ung thư. Ông có cho rằng đã đến lúc Việt Nam cần nghiên cứu đánh giá tiến tới loại chất này khỏi danh mục được phép kinh doanh tại Việt Nam?
- Phán quyết ngày 19-3 của tòa án Mỹ cho thấy ngày càng có nhiều bằng chứng chỉ ra rằng các hóa chất diệt cỏ gốc glyphosate độc hại cho môi trường, có thể gây ung thư cho con người chứ không phải an toàn như Monsanto tuyên bố hơn 40 năm qua.
Tháng 8-2018, bồi thẩm đoàn cũng tại bang California đã phán quyết thuốc diệt cỏ Roundup của Monsanto gây ung thư giai đoạn cuối cho công dân Mỹ Dewayne Johnson và yêu cầu Monsanto bồi thường cho nguyên đơn 289 triệu USD.
Sau vụ kiện năm ngoái, cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật Việt Nam đã hứa xem xét, nghiên cứu nếu có đủ bằng chứng sẽ đề xuất Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn loại bỏ chất glyphosate ra khỏi danh mục chất trừ cỏ tại Việt Nam. Tuy nhiên không biết hiện nay tiến độ này diễn ra đến đâu.
Cách đây 2 năm, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã loại bỏ 2 chất độc hại là Paraquat và 2.4-D ra khỏi danh mục thuốc được lưu hành tại Việt Nam. Thế nhưng vẫn cho thêm thời gian 2 năm để các doanh nghiệp sản xuất và tiêu thụ hết lượng đã nhập khẩu.
Hồi đầu tháng 2 vừa qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cũng ban hành quyết định loại bỏ 2 hoạt chất bảo vệ thực vật là Chlorpyrifos Ethyl và Fipronil khỏi danh mục sử dụng tại Việt Nam.
Tuy nhiên, cũng như các lần trước, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho phép các loại thuốc có chứa 2 hoạt chất trên được phép sản xuất, nhập khẩu tối đa 1 năm và buôn bán sử dụng tối đa 2 năm kể từ ngày quyết định có hiệu lực. Với khoảng thời gian cộng thêm này, các doanh nghiệp sẽ tận dụng để nhập khẩu và sản xuất thật nhiều và đẩy ra thị trường.
Nguồn: Cục Bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn - Đồ họa: TẤN ĐẠT
* Vì sao glyphosate và các chất độc hại như vậy nhưng vẫn được sử dụng rất phổ biến, có nguyên nhân từ việc quản lý của Nhà nước còn lỏng lẻo và chưa đánh giá hết nguy cơ?
- Cần nhớ rằng hóa chất càng độc hại thì hiệu quả trên đồng ruộng càng cao nên càng dễ bán. Hậu quả là ruộng đồng, nông sản và người dân Việt Nam hứng chịu những hóa chất độc hại này thêm ít nhất 2 năm nữa. Thiệt hại là không thể đánh giá.
Nếu đã là hóa chất độc hại nhiều quốc gia đã cấm, nhiều công trình khoa học đã chứng minh và các cơ quan trong nước cũng kiểm chứng thì tại sao không cấm ngay để ngăn ngừa những nguy cơ gây độc hại cho môi trường, cho sản phẩm và con người?
Yêu cầu về an toàn thực phẩm đang phát triển nhanh chóng trên quy mô toàn thế giới. Người tiêu dùng ngày càng đòi hỏi nhiều hơn những sản phẩm an toàn, chất lượng, không dùng các hóa chất độc hại trong canh tác.
Việt Nam xuất khẩu trên 40 tỉ USD sản phẩm nông nghiệp mỗi năm, không thể đứng ngoài xu hướng đó. Ngay như Trung Quốc được coi là một thị trường dễ tính cũng ngày càng đòi hỏi gắt gao hơn về tính an toàn.
Kể từ tháng 6-2019, nếu không đáp ứng được các yêu cầu về an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc, nông sản của Việt Nam cũng sẽ không xuất khẩu được vào nước họ. Có đến 70-80% nông sản xuất khẩu của Việt Nam là đến Trung Quốc, chúng ta sẽ phải giải cứu những gì nếu như không sớm thay đổi?
Đành rằng ngưng sử dụng các hóa chất độc hại sẽ tác động đến năng suất, sản lượng lương thực thực phẩm tại Việt Nam. Nhưng với sự tiến bộ của khoa học, đã có những loại phân bón, chế phẩm sinh học hay phương thức sản xuất sạch có thể thay thế các biện pháp sử dụng hóa chất truyền thống.
Nếu không mạnh dạn loại bỏ các hóa chất độc hại ra khỏi ruộng đồng và thực phẩm người dân ăn hằng ngày, hậu quả trong tương lai là vô cùng to lớn.
Hoạt chất glyphosate hiện có trên 30 tên thương mại được nhiều công ty, doanh nghiệp sản xuất. Trong ảnh: nông dân phun thuốc bảo vệ thực vật ở xã Vĩnh Tế, TP Châu Đốc, An Giang - Ảnh: B.ĐẤU
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận