Mua "thuốc độc" dễ như mua rau
Tại Hà Nội, những loại thuốc diệt chuột được bày bán tràn lan, từ người bán hàng rong đến những cửa hàng tạp hóa. Điều đáng nói, nhiều loại không có nhãn mác, xuất xứ rõ ràng.
Tìm đến một cửa hàng gia dụng tại dãy chợ Thành Công B (Hà Nội) hỏi mua thuốc diệt chuột, chủ cửa hàng lấy ra 3 loại thuốc diệt chuột giới thiệu: "Thuốc chuột sinh học, thuốc chuột thóc, thuốc chuột dạng lỏng giá từ 20.000 - 30.000 đồng.
Nếu dùng mấy loại sinh học với trộn thóc thì chuột lâu chết hơn. Còn dùng loại lỏng (có màu đỏ - PV) thì cam đoan chuột chết ngay tại chỗ".
Sau đó, người này lấy ra một hộp nhựa, bên trong chứa nhiều túi ni lông trắng không nhãn mác, lấy ra một lọ thuốc nhỏ. Khi được hỏi về nguồn gốc xuất xứ thì người bán trả lời hàng của Trung Quốc.
"Thành phần thì sao biết được, nhưng cam đoan thuốc tốt, độc tố cao tiêu diệt cả đàn chuột cùng một lúc cũng được. Em chỉ cần nhỏ vài giọt vào miếng bánh hay trộn vào thức ăn, chuột ăn vào là chết ngay", người này khẳng định.
Trên các trang thương mại điện tử, chỉ cần gõ từ khóa "thuốc diệt chuột" sẽ có hàng trăm kết quả hiển thị với đầy đủ các loại. Một cửa hàng giới thiệu lọ thuốc diệt chuột với giá chỉ 8.000 đồng, giống như lọ siro nhỏ màu đỏ, không nhãn mác.
Chủ cửa hàng giới thiệu: "Những loại thuốc liều nhẹ thông thường không thể tiêu diệt được chuột sống, chuột đồng, phải dùng loại "cực độc" này mới hiệu quả. Chuột ăn vào sẽ bị xuất huyết nội tạng và chết rất nhanh".
Loại thuốc này không hề có nhãn mác hay kèm theo lời cảnh báo khi sử dụng. Trong khi đó, theo quy định về nhãn mác thuốc bảo vệ thực vật (bao gồm thuốc diệt chuột) của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thì trên nhãn mác phải bao gồm tên, thành phần, hàm lượng hoạt chất, định lượng, số đăng ký, ngày sản xuất, số lô sản xuất, hạn sử dụng, xuất xứ, hướng dẫn sử dụng, hướng dẫn bảo quản, thông tin về mối nguy, hướng dẫn các biện pháp sử dụng thuốc an toàn.
Ngộ độc, tử vong vì thuốc diệt chuột bị cấm từ nhiều năm trước
Tháng 2-2023, Trung tâm Chống độc Bệnh viện Bạch Mai tiếp nhận bệnh nhân nữ (21 tuổi, quê Hà Nam) trong tình trạng hôn mê sâu, co giật mạnh, chân tay co quắp, nôn nhiều. Sau khi làm các xét nghiệm, bệnh nhân được chẩn đoán ngộ độc chất fluoroacetate.
"Đáng chú ý, đây là loại thuốc diệt chuột đã bị cấm cách đây hàng chục năm", bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, giám đốc trung tâm, cho biết.
Theo bác sĩ Nguyên, thuốc diệt chuột fluoroacetate khi ăn hay uống phải độc chất này, nạn nhân sẽ có hiện tượng co giật, hôn mê, suy hô hấp, rối loạn nhịp tim, toan chuyển hóa, suy thận, có thể dẫn đến tử vong.
"Dù đã bị cấm lưu hành trên thị trường nhiều năm, hiện nay người dân có thể mua thuốc diệt chuột ở các cửa hàng bán thuốc bảo vệ thực vật hay xe hàng rong, quầy đồ gia dụng, thú y... rất dễ dàng. Việc sử dụng không an toàn, tràn lan rất dễ gây ra ngộ độc", bác sĩ Nguyên nói.
Trước đó, tháng 2-2022, tại huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An xảy ra sự việc đau lòng khi 3 anh em uống nhầm thuốc diệt chuột khiến em gái út tử vong.
Được biết, 3 anh em đang chơi trước cổng nhà thì nhặt được thuốc diệt chuột và đã uống. Sau khi phát hiện, gia đình đã đưa 3 cháu đến bệnh viện nhưng do chuyển biến nặng nên bé gái út đã không qua khỏi.
Một trường hợp khác tại tỉnh Nghệ An, bé gái 32 tháng tuổi uống nhầm thuốc diệt chuột vì tưởng là nước ngọt dẫn đến hôn mê phải nhập viện cấp cứu trong tình trạng nguy kịch.
Bác sĩ Nguyên khuyến cáo khi mua hóa chất bảo vệ thực vật (thuốc diệt chuột), người dân phải mua ở quầy kinh doanh hóa chất bảo vệ thực vật hoặc cơ sở có đăng ký, có đăng ký lưu hành trong nước và nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.
"Đặc biệt, chỉ sử dụng hóa chất diệt chuột ở khu vực cách biệt hẳn so với nơi ở, nơi ăn uống, đặc biệt xa thức ăn, nước uống, trẻ em (trẻ em không thể với tới hoặc mở ra được). Người dân không dự trữ các hóa chất độc hại, bao gồm hóa chất diệt chuột tại gia đình", bác sĩ Nguyên nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận