11/02/2017 09:15 GMT+7

Thuốc bảo vệ thực vật gây ung thư: Vô tư sử dụng

L.ANH - C.QUỐC - S.LÂM - T.TÚ - L.DÂN - T.MẠNH
L.ANH - C.QUỐC - S.LÂM - T.TÚ - L.DÂN - T.MẠNH

TTO - Bộ NN&PTNT vừa loại hai chất nguy hiểm 2,4D và Paraquat ra khỏi danh mục thuốc bảo vệ thực vật, nhưng lại cho phép sử dụng thêm 2 năm nữa...

Một nông dân ấp 2, xã Tân Nhựt, huyện Bình Chánh, TP.HCM sử dụng thuốc trừ cỏ Zico có thành phần 2,4D-Dimethylamonium 720 g/l (ảnh chụp chiều 10-2) - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Một nông dân ấp 2, xã Tân Nhựt, huyện Bình Chánh, TP.HCM sử dụng thuốc trừ cỏ Zico có thành phần 2,4D-Dimethylamonium 720 g/l (ảnh chụp chiều 10-2) - Ảnh: QUANG ĐỊNH

“Ở nhiều nước trên thế giới người ta đã cấm sử dụng cả 2,4D và Paraquat. Còn nước mình thời gian qua do nhiều thuốc chứa hai hoạt chất trên có trong danh mục được phép lưu hành nên nông dân sử dụng vô tư

Thạc sĩ Lê Quốc Cường (phó giám đốc Trung tâm BVTV phía Nam)

 

Nông dân khắp nơi đang sử dụng nhiều loại thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) có chứa hai chất 2,4D và Paraquat.

Trong khi đó, Bộ NN&PTNT ngày 8-2-2017 đã kết luận hai chất 2,4D và Paraquat là nguy hiểm, có thể ảnh hưởng tới mắt và gây ung thư, ảnh hưởng nghiêm trọng tới môi trường..., đồng thời đưa nhiều loại thuốc có chứa hai chất này khỏi danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng.

Dùng phổ biến trên nhiều loại cây trồng

Theo quyết định ngày 8-2 của Bộ NN&PTNT, Paraquat có 46 sản phẩm, 2,4D có 4 sản phẩm thương mại sẽ bị loại khỏi danh mục được phép lưu hành.

Bộ NN&PTNT cũng công nhận các thuốc BVTV chứa hai chất này được nhiều doanh nghiệp trong nước cung ứng, đăng ký cung cấp để sử dụng cho rất nhiều loại cây trồng, như: trừ cỏ cho lúa, bắp, cao su, mía, cà phê, bông, đậu tương... và đặc biệt là trừ cỏ cả ở các vùng đất không trồng trọt.

Nhiều người còn dùng để làm chín trái cây.

Theo Trung tâm Nghiên cứu và tư vấn nông nghiệp nhiệt đới, 2,4D và Paraquat được sử dụng rộng rãi trong canh tác cây công nghiệp, cây lương thực, cũng như tại các công viên công cộng, sân golf và cả trong vườn nhà.

Thời gian gần đây việc sử dụng 2,4D để diệt cỏ đã giảm so với trước nhưng Paraquat thì vẫn còn rất phổ biến. Trên 90% diện tích trồng lúa ở VN đều phải sử dụng chất diệt cỏ ở mức độ khác nhau.

PGS.TS Mai Thành Phụng - nguyên trưởng bộ phận thường trực Nam bộ Trung tâm Khuyến nông quốc gia - cho biết thuốc BVTV có chứa hai chất trên đều được sử dụng rất nhiều ở ĐBSCL.

Đặc biệt thuốc có chứa chất Paraquat chủ yếu dành cho các nhà làm vườn, làm rẫy, cây công nghiệp. Trong các loại thuốc diệt cỏ nhập vào VN thì có một nửa có gốc Paraquat.

Thạc sĩ Lê Quốc Cường, phó giám đốc Trung tâm BVTV phía Nam (xã Long Định, huyện Châu Thành, Tiền Giang), nêu khi biết tin Bộ NN&PTNT công bố loại hai chất 2,4D và Paraquat bản thân ông rất mừng, bởi thời gian qua chất này đã được người dân trồng lúa ở ĐBSCL sử dụng khá phổ biến.

Đặc biệt, khi sử dụng nhiều đã có hiện tượng lờn thuốc, nông dân lại tăng “đô” lên gấp hai, gấp ba lần.

“Rất nguy hiểm” - ông Cường lo ngại.

Theo ông Lê Quốc Cường, hai chất 2,4D và Paraquat có “họ hàng” gần với dioxin - loại chất gây ung thư, quái thai ở trẻ em... Hai chất này đã được sử dụng ở nước ta từ rất lâu, như 2,4D được sử dụng từ thời bao cấp, loại này thường dùng để diệt cỏ ướt dưới ruộng như cỏ chét, cỏ lát; còn Paraquat thường dùng diệt cỏ trên cạn, trên đồi...

Ông Cường khẳng định ở nhiều nước, ngay cả Trung Quốc người ta cũng đã cấm sử dụng, còn VN thời gian qua nông dân vẫn sử dụng vô tư.

Ai gánh chịu hậu quả?

Nhiều ý kiến cho rằng hai chất vừa bị cấm là hóa chất độc, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe con người nhưng việc loại bỏ khỏi danh mục quá chậm.

Trả lời Tuổi Trẻ, ông Hoàng Trung - cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) - khẳng định VN đã thực hiện đúng theo công ước quốc tế chứ không chậm!

Tuy nhiên, TS Nguyễn Đăng Nghĩa, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và tư vấn nông nghiệp nhiệt đới - cho rằng độ độc hại của 2,4D và Paraquat đã được cảnh báo từ lâu và nhiều nước đã cấm sử dụng từ 20 năm nay. Đến nay VN mới đưa ra khỏi danh mục sử dụng là quá chậm.

Theo ông Nghĩa, hai loại hóa chất trừ cỏ nói trên không chỉ độc hại cho môi trường mà còn độc hại với con người qua đường tiếp xúc trực tiếp hoặc qua tồn dư trong thực phẩm. Thế nhưng các cơ quan quản lý vẫn cho sử dụng rộng rãi ở khắp cả nước trong nhiều năm qua.

“Hậu quả về môi trường, về tính mạng và sức khỏe con người như ung thư, chết người... ai là người gánh chịu? Chính các nhóm lợi ích liên quan đến việc thương mại hóa rộng rãi các loại hóa chất này đã che đậy những nguy hiểm của chất trừ cỏ để bán ra thị trường?” - ông Nghĩa đặt câu hỏi.

Ông Trần Ngọc Thể, chi cục trưởng Chi cục BVTV tỉnh Hậu Giang, cho biết Paraquat trước đó nằm trong danh mục hạn chế sử dụng nhưng sau đó Bộ NN&PTNT đã đưa vào danh mục thuốc BVTV được sử dụng rộng rãi.

Thuốc BVTV có hoạt chất Paraquat là thuốc diệt cỏ cháy, theo nhiều chuyên gia, đáng ra nên loại khỏi danh mục 5-6 năm trước chứ không phải đến bây giờ.

Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ, việc loại 2,4D và Paraquat ra khỏi danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng là thực hiện theo điều 48 và 49 của Luật bảo vệ và kiểm dịch thực vật.

Luật có hiệu lực thực hiện từ ngày 1-1-2015 và đã quy định sản phẩm có bằng chứng gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người, môi trường, vật nuôi, hệ sinh thái thì loại ra khỏi danh mục.

2,4D và Paraquat là nhóm cực độc, có nguy cơ gây ung thư và nhiều ảnh hưởng khác tới sức khỏe và môi trường, nhưng hai năm sau khi luật quy định mới bị loại.

2,4D và Paraquat có trong thuốc BVTV nào?

Hiện trong danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng tại VN có chứa hoạt chất 2,4D có 36 tên thương phẩm như AD 600DD, Anco 720DD, Rada 80WP... được bà con nông dân hay dùng để trừ cỏ chọn lọc, kích thích sinh trưởng thực vật, diệt trừ các loại cỏ năn, lát và lá rộng cho các ruộng lúa, đồng bắp, mía.

Còn chất Paraquat hiện có trên 46 tên thương phẩm thuốc BVTV được cấp phép tại VN. Ngoài thị trường, dễ tìm thấy các loại thuốc diệt cỏ có chứa Paraquat dưới nhãn hiệu Glamoxone, Cyclone, Surefire... để diệt trừ các cây cỏ lá rộng.

Đây là loại thuốc được sử dụng rất nhiều do thuốc chỉ tác dụng vào phần xanh của cây trên mặt đất. Người dân cũng ưa thích và hay dùng loại thuốc này ở các bờ mương, bờ ruộng vì chúng chỉ gây rụng lá nhưng không úng rễ, giúp tránh sạt lở bờ đất.

SƠN LÂM

Rất nguy hại

2,4D: Các chuyên gia khẳng định theo sự phân loại năm 1987 của Cơ quan Nghiên cứu ung thư quốc tế (IARC), đây là chất có thể gây ung thư. 2,4D cũng là một thành phần trong chất độc da cam, một loại hóa chất gây hậu quả khủng khiếp và kéo dài nhiều thế hệ.

Theo IARC, con người có thể bị phơi nhiễm với chất 2,4D trong khi đang sử dụng nó hoặc ở nơi mà các sản phẩm hóa chất cũng như chất diệt cỏ này được sản xuất. Họ có thể bị phơi nhiễm qua thức ăn, nước, bụi hoặc khi chất 2,4D được phun lên đồng ruộng và sau đó phát tán trong không khí.

Chất này được biết có thể phát tán cả ở thể lỏng và thể khí.

Paraquat: Được coi là một loại hóa chất diệt cỏ được sử dụng rộng rãi nhất và cũng lâu đời nhất (từ những năm 1950) trên thế giới. Nhưng từ lâu các chuyên gia y tế đã cảnh báo loại hóa chất này khi hít phải đã có thể độc hại với gan, thận, tim và hệ hô hấp.

Loại hóa chất này bị cho là có liên quan tới sự phát triển của chứng bệnh Parkinson. Từ năm 2007, chất Paraquat đã bị cấm sử dụng tại EU.

Tại Mỹ, loại hóa chất này được xếp vào diện được sử dụng hạn chế, có nghĩa chỉ có những nơi được cấp phép mới có thể sử dụng hóa chất này.

D.KIM THOA

 

L.ANH - C.QUỐC - S.LÂM - T.TÚ - L.DÂN - T.MẠNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp