27/06/2024 11:12 GMT+7

Thuở khai sinh của tiểu thuyết Việt Nam hiện đại

NXB Tri Thức vừa cho ra mắt bạn đọc cuốn Tiểu thuyết Việt Nam hiện đại 1925 - 1945 khai sinh và tiến trình của GS Bùi Xuân Bào (1916- 1991), do Ngân Xuyên dịch, sau hơn 60 năm công trình này ra đời.

Cuốn sách của GS Bùi Xuân Bào - Ảnh: T.ĐIỂU

Cuốn sách của GS Bùi Xuân Bào - Ảnh: T.ĐIỂU

Tiểu thuyết Việt Nam hiện đại 1925 - 1945 khai sinh và tiến trình nguyên là luận án thứ hai (phụ) mà tác giả Bùi Xuân Bào đệ trình cùng luận án thứ nhất (chính) để lấy bằng tiến sĩ văn chương quốc gia tại Đại học Sorbonne (Pháp) vào năm 1961.

Năm 1972, luận án được in thành sách tại Sài Gòn trong tủ sách Nhân văn Xã hội.

Năm 1985, nó được in tại Paris trong tủ sách Đường Mới. Cuốn sách lần này là bản tiếng Việt đầu tiên dịch từ tiếng Pháp theo bản in ở Paris.

Theo dịch giả Ngân Xuyên, tuy là luận án phụ nhưng thực chất đó đã là một công trình nghiên cứu văn học công phu và nghiêm túc.

Sách cho thấy tác giả đã phải đọc cả một khối lượng lớn không chỉ tiểu thuyết giai đoạn 1925 - 1945 mà còn cả các báo chí thời ấy và các công trình nghiên cứu về lịch sử văn xuôi Việt Nam hiện đại trước đó.

Hướng đi trong nghiên cứu tiểu thuyết Việt Nam hiện đại của Bùi Xuân Bào là xem xét ảnh hưởng của văn chương Pháp tới văn chương Việt. Sự so sánh này rất có ích cho các nhà nghiên cứu về văn xuôi Việt Nam hiện đại nửa đầu thế kỷ XX.

Một ưu điểm khác của cuốn sách nằm ở sự phân tích đánh giá tác phẩm của các nhà văn được xét đến. Ông đọc kỹ văn bản để có những nhận xét kỹ lưỡng, nghiêm cẩn.

Theo dịch giả, cố nhiên một số ý kiến đánh giá của Bùi Xuân Bào vẫn còn phải tranh luận, bàn cãi, nhưng không thể phủ nhận thái độ sòng phẳng, khách quan trong nghiên cứu văn học của ông là điều đáng quý.

Theo GS Trần Đình Sử, đọc sâu vào cuốn sách, bạn đọc sẽ được biết thêm nhiều tư liệu quý báu, những tác phẩm ngày nay ít biết, những nhận định thỏa đáng của người đương thời.

Tác giả tỏ ra là một nhà giáo có ngòi bút phân tích tinh tế các hình tượng tác phẩm tiểu thuyết nửa đầu thế kỷ XX.

Dù vậy, ông Trần Đình Sử cũng chỉ ra một số hạn chế khó tránh khỏi của một công trình đã ra đời cách nay gần 70 năm.

Sách có những nhận định chưa thỏa đáng đối với nhà văn và tác phẩm nào đó, khác hẳn với những nhận định hiện thời, chẳng hạn Thạch Lam.

Sách thiếu những nghiên cứu về hai tác giả quan trọng của văn xuôi thời kỳ này là Kim Lân, Nam Cao. Đồng thời thiếu vắng các tác phẩm có giá trị hiện thực sâu sắc như Bước đường cùng, Vỡ đê, Tắt đèn, Chí Phèo, Sống mòn…

Ngoài ra, một số thông tin trong sách đã lạc hậu. Khi đề cập thời điểm ra đời của văn xuôi quốc ngữ, Bùi Xuân Bào vẫn lấy mốc năm 1925 - khi xuất hiện hai tác phẩm Quả dưa đỏ của Nguyễn Trọng Thuật và Tố Tâm của Hoàng Ngọc Phách.

Nhưng nghiên cứu mới đây chỉ ra cuốn truyện Thầy Lazaro Phiền của Nguyễn Trọng Quản xuất bản năm 1887 tại Sài Gòn mới được coi là cuốn tiểu thuyết đầu tiên viết bằng chữ quốc ngữ của Việt Nam.

Sau hết, GS Trần Đình Sử vẫn đánh giá cuốn sách là một tài liệu tham khảo quý dành cho những ai muốn tìm hiểu tiểu thuyết Việt Nam và đông đảo bạn đọc.

Chiếc xe buýt bay đến tận cùng mùa hạChiếc xe buýt bay đến tận cùng mùa hạ

Ai từng dạo bước tới Đường sách Nguyễn Văn Bình hẳn sẽ ấn tượng với chiếc xe buýt màu xanh bên trong đựng đầy sách.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp