Ngày 28-9, Bệnh viện Bạch Mai thông tin vừa tiếp nhận điều trị cho nữ bệnh nhân 69 tuổi vào viện trong tình trạng viêm phúc mạc toàn thể, khí tự do ổ bụng, thủng ruột non và dụng cụ tránh thai nằm ngoài thành tử cung. Được biết bệnh nhân có tiền sử đặt vòng tránh thai 30 năm trước.
Bác sĩ Triệu Văn Trường - trưởng tua trực cấp cứu, phó trưởng khoa ngoại tổng hợp Bệnh viện Bạch Mai - cho hay đây là ca bệnh khá hy hữu. Bệnh nhân vào viện vì đau bụng dưới rốn kèm ra dịch hồng ở âm đạo sau thủ thuật tháo dụng cụ tử cung.
"Bệnh nhân cho biết đã đặt dụng cụ tử cung cách đây 30 năm, gần đây thấy ra dịch nhầy hồng âm đạo và có đến bệnh viện tháo nhưng thất bại. Bốn ngày sau, bệnh nhân đau hạ vị liên tục kèm nôn, ra dịch máu âm đạo, không trung tiện được, không sốt.
Tại Bệnh viện Bạch Mai, qua siêu âm ổ bụng cho thấy có dịch ổ bụng. Chụp cắt lớp vi tính thấy dị vật xuyên thủng đáy tử cung", bác sĩ Trường thông tin.
Sau đó, bệnh nhân được phẫu thuật cấp cứu cắt bán phần, khâu lỗ thủng ruột non, rửa sạch ổ bụng. Hiện tình trạng người bệnh đã ổn định.
Theo bác sĩ Trường, dụng cụ tử cung là phương pháp tránh thai phổ biến nhất trên thế giới, có đến 14,3% phụ nữ trong độ tuổi sinh sản hiện đang sử dụng phương pháp này.
Tuy nhiên, dụng cụ này khi được đặt vào buồng tử cung cũng có thể gây ra một số biến chứng như đau, chảy máu bất thường. Dụng cụ lạc chỗ có thể gây thủng ruột non, thủng đại tràng hoặc thủng bàng quang.
Ngoài ra, biến chứng liên quan đến thủ thuật tháo vòng hiếm gặp như thủng tử cung, nhiễm trùng với tỉ lệ khoảng 1/1.000 nhưng hậu quả rất nghiêm trọng.
"Ở phụ nữ đã mãn kinh nên lấy dụng cụ tử cung ra khỏi cơ thể để phòng tránh các biến chứng. Ngoài ra, cần định kỳ tháo dụng cụ tử cung sau 5 năm/lần hoặc khi hết tuổi sinh sản. Trong trường hợp không thể lấy được qua đường âm đạo thì người bệnh cần được theo dõi lâm sàng chặt chẽ hoặc tìm một hướng tiếp cận khác khả thi hơn", bác sĩ Trường khuyến cáo.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận