- Trong định hướng phát triển kinh tế biển, tỉnh Kiên Giang đã xác định du lịch biển góp một phần rất quan trọng và đã có quan tâm quy hoạch để khai thác các tiềm năng này. Trong đó, trước mắt chủ yếu tập trung phát triển cho Phú Quốc và bước đầu đã đem lại hiệu quả. Chỉ tính từ đầu năm đến nay, lượng khách nước ngoài đến Phú Quốc tăng gần 40% so với cùng kỳ với doanh thu tăng hơn 60%.
* Nhưng Kiên Giang không chỉ có Phú Quốc mà các quần đảo Bà Lụa, Tiên Hải (còn gọi là quần đảo Hải Tặc), Nam Du cũng rất đẹp và giàu tiềm năng...
- Đúng như vậy. Trước hết, các quần đảo gần bờ nằm giữa Phú Quốc và Kiên Lương, Hà Tiên rất phong phú về cảnh quan và như một khu vực trung chuyển kết nối đất liền với đặc khu hành chính - kinh tế Phú Quốc trong tương lai. Chúng tôi có kế hoạch thuê tư vấn nước ngoài quy hoạch tổng thể khu vực này để khai thác một cách hiệu quả nhất những tiềm năng đang có.
Riêng cụm đảo thuộc huyện Kiên Hải, cùng với U Minh Thượng nằm trong đề án mà chúng tôi đang xây dựng để tranh thủ nguồn vốn từ Ngân hàng ADB. Trong đó dự kiến vốn đầu tư cho cụm du lịch đảo Kiên Hải khoảng 70 tỉ đồng.
* Thời gian qua, khách du lịch vẫn tìm đến các đảo thuộc quần đảo Bà Lụa, Tiên Hải, Nam Du và người dân địa phương cũng làm du lịch một cách tự phát. Ông nhìn nhận vấn đề này như thế nào?
- Như tôi đã nói, các đảo trên biển Tây có sức hấp dẫn lớn nên du khách tìm đến là một điều đáng mừng. Và trong lúc Nhà nước chưa có điều kiện đầu tư, khai thác thì việc người dân tự phát cung cấp các dịch vụ tại chỗ phục vụ nhu cầu của du khách là điều dễ hiểu. Ngay như Phú Quốc dù được đầu tư mạnh trong mấy năm gần đây nhưng hiện nay cơ sở lưu trú phục vụ khách du lịch cũng rất hạn chế, với chỉ khoảng 2.700 phòng, trong đó phòng cao cấp chỉ trên dưới 700.
Chúng tôi đã tính đến phát triển loại hình du lịch cộng đồng, như một số hộ dân ở Nam Du tranh thủ nhà trống để cho khách thuê trọ là một ví dụ. Nhưng nếu để thật sự gọi là dịch vụ du lịch thì đòi hỏi phải được đầu tư về chất lượng chứ không phải tạm bợ như bây giờ được.
* Còn như Thổ Châu là cụm đảo xa nhất trên biển Tây với phong cảnh rất đẹp, tỉnh có kế hoạch vươn ra khai thác du lịch ở quần đảo này?
- Trước đây cụm đảo Thổ Châu không được đưa vào quy hoạch không gian du lịch của huyện đảo Phú Quốc do nằm quá xa. Gần đây trong quy hoạch phát triển không gian du lịch của Phú Quốc đã có bổ sung cụm đảo Thổ Châu. Tuy chưa có kế hoạch chi tiết nhưng theo tôi, khả năng đưa khách du lịch ra cụm đảo này bằng trực thăng trong tương lai là khả thi. Vấn đề chúng tôi quan tâm là làm sao phải giữ được các bãi cát trắng tự nhiên, đặc biệt là các đảo như Hòn Từ, Hòn Nhạn...
* Nhưng những vấn đề về môi trường đang là một “điểm trừ” làm nản lòng du khách.
- Không chỉ có chuyện môi trường mà vấn đề ý thức của người dân và sự quan tâm đầu tư của chính quyền địa phương cũng là những vấn đề cần quan tâm. Cho đến nay, trên các đảo không có hệ thống xử lý rác. Trừ Phú Quốc có tổ chức hoạt động thu gom, còn lại hầu như hoàn toàn không có. Trong khi đó người dân chưa ý thức được việc bảo vệ môi trường, cứ coi biển là sọt rác khổng lồ, cái gì cũng vứt ra biển.
Giải quyết vấn đề này cần phải thực hiện đồng bộ từ việc tuyên truyền cho người dân ý thức bảo vệ môi trường, đồng thời phải có sự đầu tư kịp thời, đúng mức từ Nhà nước. Tuy nhiên, đây không phải là vấn đề có thể giải quyết trong một sớm một chiều mà đòi hỏi phải có thời gian, đặc biệt phải có nguồn lực về tài chính, con người. Mà điều này thì điều kiện hiện tại chưa đáp ứng được.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận