Thu hoạch tôm theo mô hình ứng dụng công nghệ cao của một doanh nghiệp ở thị xã Vĩnh Châu (Sóc Trăng) - Ảnh: K.T.
Đây là mức thuế sơ bộ cho lần xem xét hành chính thứ 13 trong vụ kiện chống bán phá giá tôm Việt Nam, mở ra cánh cửa rộng hơn cho con tôm vào thị trường Mỹ.
Theo ông Hồ Quốc Lực - tổng giám đốc Công ty cổ phần thực phẩm Sao Ta, một trong hai bị đơn bắt buộc trong vụ kiện bán phá giá, cho biết với mức thuế 0%, chứng tỏ các doanh nghiệp Việt Nam đã cung cấp số liệu thỏa đáng tới Bộ Thương mại Hoa Kỳ.
"Mức thuế này sẽ tạo lòng tin cho các nhà nhập khẩu Hoa Kỳ duy trì và mở rộng mua tôm từ Việt Nam" - ông Lực nói.
Ông Trần Văn Phẩm - tổng giám đốc Công ty cổ phần thủy sản Stapimex - cũng tin mức thuế trên tạo thêm cơ hội cho tôm VN vào thị trường Hoa Kỳ, có thể cạnh tranh với các nước như Ấn Độ, Indonesia.
Ông Nguyễn Văn Nhiệm - chủ một trang trại nuôi tôm ở xã Liêu Tú, huyện Trần Đề (Sóc Trăng) - cho hay sáng nay nghe thông tin, ông rất mừng. Theo ông Nhiệm, khi thuế suất cao, doanh nghiệp tính toán vào chi phí, vào giá mua nguyên liệu. Thuế giảm, ông Nhiệm tin giá mua tôm nguyên liệu sẽ khởi sắc hơn.
Theo ông Trần Văn Phẩm, dù vui nhưng đây chỉ mới là kết quả sơ bộ. Dự kiến tới tháng 9-2019, Bộ Thương mại Hoa Kỳ mới công bố mức thuế bán phá giá chính thức.
Ông Phẩm cảnh giác: giảm thuế suất, nếu tăng các rào cản thương mại, việc xuất khẩu tôm vẫn gặp khó khăn như thường. Theo ông Phẩm, mức thuế chỉ là lợi thế bên ngoài. Chỉ khi nào xây dựng được lợi thế nội lực, chúng ta mới chủ động. Để được như vậy, ngành tôm VN còn nhiều việc phải làm.
Đồng tình, ông Hồ Quốc Lực thẳng thắn: khẩu hiệu suông chỉ tạo động lực nhất thời, nhưng hại cho toàn cục. Theo ông Lực, ngành tôm Việt còn nhiều "sạn", nuôi nhỏ lẻ, chi phí đầu vào cao...
Dẫn chứng tháng 3-2019, tại Boston của Hoa Kỳ diễn ra hội chợ thủy sản hàng đầu thế giới, các nhà cung cấp tôm từ Ấn Độ, Indonesia đã có tôm chào bán trong khi cùng thời điểm đó ĐBSCL đang phải cải tạo ao nuôi.
"Hiện giá tôm họ chào bán rất rẻ, thấp hơn 30.000 đồng/kg so với các nhà máy chế biến tôm ở ĐBSCL đang mua" - ông Lực cho biết.
Thực tế, năm 2018 doanh số xuất khẩu tôm giảm so với năm trước. Quý 1-2019 lại giảm mạnh so với cùng kỳ năm rồi. Không phải do Việt Nam không đủ tôm, theo ông Lực, căn bản giá chào bán tôm của ta cao quá.
Ông đề nghị cần khuyến khích các hộ nuôi nhỏ lẻ nuôi một vụ ăn chắc, tính toán thu tôm cỡ lớn. Những vùng chưa đủ điều kiện an toàn sinh học nuôi nên có khuyến cáo đừng thả giống tràn lan.
"Các cơ sở tôm giống, thức ăn nên chia sẻ tốt với người nuôi, đừng gom cái bánh ngon ăn hết về mình" - ông Lực đề xuất.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường thừa nhận để ngành tôm Việt Nam cạnh tranh sòng phẳng với các nước trong khu vực cần có sự chung tay chia sẻ, vào cuộc từ bộ ngành trung ương đến địa phương, doanh nghiệp và người nuôi, trước mắt tập trung giải quyết những hạn chế để giảm chi phí đầu vào.
Tuy "đụng đâu còn vướng đó", nhưng ông Hồ Quốc Lực hi vọng mức thuế sơ bộ được công bố là nền tảng vững chắc để đạt được mức thuế thấp nhất ở phán quyết cuối cùng sắp tới.
* Ông Phan Văn Tình (chủ hộ nuôi tôm ở huyện Phước Long, Bạc Liêu):
Nói không với tồn dư chất cấm
Sau khi điện, xăng dầu tăng giá..., những gì để phục vụ nuôi tôm cũng tăng theo. Chi phí đầu vào mọi thứ đều tăng.
Để cứu mình, trước tiên sẽ phải phối hợp với các doanh nghiệp chế biến xem họ cần gì, loại tôm cỡ nào... để có quy trình nuôi phù hợp, bán được giá tốt. Đặc biệt nói không với tồn dư chất cấm, góp phần đưa thương hiệu tôm Việt Nam vươn xa hơn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận