Tác hại của những loại thức uống này đối với sức khỏe đã được báo động từ lâu!
Phóng to |
Các nhà nghiên cứu Pháp đã chứng minh được mối quan hệ mật thiết giữa việc tiêu thụ thức uống có đường và bệnh béo phì. Nguy cơ này là cấp bách: ở Pháp, trong thời gian từ năm 1997-2009, cân nặng trung bình một người Pháp đã tăng thêm 3,1kg trong khi chiều cao chỉ nhích lên hơn 0,5cm. Bệnh béo phì đã tăng vọt từ 8,5% năm 1997 lên đến 15% năm 2009, nghĩa là tăng đến 70% chỉ trong vòng 12 năm.
Tương tự, Tổ chức Y tế thế giới cũng cho rằng “việc lạm dụng những thức uống có đường được xem là một nhân tố gây ra bệnh béo phì”.
“Dịch bệnh” béo phì
Các nhà khoa học đã nêu rõ có một mối quan hệ rõ ràng giữa việc tiêu thụ các thức uống có đường và bệnh béo phì ở người lớn, trẻ em, thanh thiếu niên, và điều này đã được chứng minh trên khắp thế giới, bất kể là có nguồn gốc di truyền nào. Tạp chí y khoa hàng đầu thế giới New England Journal of Medicine ngày 1-4-2012 đã liên tiếp đăng tải bốn nghiên cứu của các chuyên gia dinh dưỡng.
Kết luận chung đưa ra là: lượng đường được đưa vào các loại thức uống là “nguyên nhân quan trọng gây nên tình trạng thừa cân ở trẻ em, thanh thiếu niên và người lớn. Các nghiên cứu này không thể bị bác bỏ về mặt phương pháp luận và được thực hiện ở nhiều nước khác nhau để không thể bị nghi ngờ”.
Một trong những nghiên cứu này cho thấy trong vòng một năm, những thanh thiếu niên sử dụng thức uống có đường đã tăng trọng đến 3,4kg trong khi những em chỉ uống nước lọc hoặc soda nhẹ tăng trọng 1,5kg. “Cả bốn nghiên cứu đều nhìn nhận việc tích lũy calori có trong soda hoặc trong thức uống có đường như nước trái cây đều tạo nên sự khác biệt này. Đây là hồi chuông cảnh báo cho việc cần giảm lượng tiêu thụ đối với các loại thức uống này ở trẻ em cũng như người lớn” - báo Atlantico (Pháp) dẫn lời bác sĩ nhi khoa Sonia Caprio thuộc ĐH Yale cho biết.
Bệnh béo phì đã trở thành một trong những “dịch bệnh” có tác hại nhất trên thế giới. Ban đầu nó hoành hành ở các nước phát triển, giờ lan rộng sang các nước đang nổi lên do thay đổi đột ngột điều kiện sống cùng với cách ăn uống không kiểm soát và người dân gần như từ bỏ những hoạt động thể thao hằng ngày. Giáo sư Didier Raoult của Pháp báo động bệnh béo phì đã trở thành nguyên nhân hàng đầu gây ra xơ gan, cao hơn cả rượu, ở các nước phát triển do có liên quan giữa bệnh tiểu đường và các bệnh tim mạch.
Bên cạnh đó, các yếu tố như đô thị hóa, sử dụng thực phẩm giàu mỡ và thức uống có đường, thưởng thức nhiều khẩu phần vượt quá nhu cầu, tiếp thị rầm rộ các loại thức ăn nhanh... cũng góp phần khiến bệnh béo phì trở nên phức tạp và trầm trọng hơn.
Tăng thuế, cấm quảng cáo, cấm tài trợ
Theo báo Le Point của Pháp, việc đề nghị tăng thuế đối với các loại thức uống nhẹ (không cồn), do nghị sĩ François Fillon đề nghị vào năm 2011, đã được quốc hội biểu quyết và bắt đầu áp dụng từ tháng 1-2012. Loại thuế này đã được Hội đồng nhà nước đứng ra “bảo lãnh”, nhưng lại không hề đề cập đến những nguyên nhân gây tác hại cho sức khỏe. Mới đây, một dự luật chỉnh sửa mới về tăng thuế đối với các thức uống có đường đã được trình lên quốc hội với mục đích không chỉ dừng lại ở việc giảm thâm hụt ngân sách trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội.
Theo đó, ngoài việc đánh thuế đối với những loại nước uống tăng lực được dự kiến từ 0,5-2 euro mỗi lít, dự luật mới này còn nhắm đến việc “đánh thuế 50% vào ngành công nghiệp chế biến các loại thức uống có đường nhằm hạn chế tiêu dùng, bởi việc tiêu thụ không được kiểm soát các loại thức uống này nơi trẻ em và thanh thiếu niên đang khiến bệnh béo phì và tiểu đường tăng cao cùng với những hậu quả nghiêm trọng”.
Bên cạnh đó, dự luật mới cũng nghiêm cấm việc quảng cáo các loại thức uống có đường, nước tăng lực trên sóng truyền hình hoặc tài trợ cho các trận thi đấu thể thao. Điều 1613 trong bộ luật thuế nêu rõ: “tất cả các chương trình tài trợ trong lĩnh vực thể thao đều bị cấm dưới hình thức quảng bá hoặc tuyên truyền trực tiếp hay gián tiếp cho những thức uống đã được nêu rõ trong dự luật”.
Nghị sĩ Jean-Louis Roumégas, tác giả dự luật chỉnh sửa mới này, hi vọng bằng cách này sẽ dẫn đến chỗ có được những biện pháp để đấu tranh chống lại tình trạng ăn uống không điều độ vốn đang gây hậu quả nghiêm trọng cho sức khỏe, và tạo nên “lỗ hổng” ngân sách khó chấp nhận cho lĩnh vực bảo hiểm xã hội” của Pháp.
Tháng 6 vừa qua, Thị trưởng New York (Mỹ) Michael Bloomberg đã đề nghị cấm bán các loại ly cỡ lớn chứa thức uống có đường và có gas trong nhà hàng, rạp chiếu phim, sân vận động hoặc những địa điểm bán nước lưu động nhằm đấu tranh chống lại bệnh béo phì đang hoành hành ở nước này. Thị trưởng Bloomberg quyết tâm thực hiện và hoàn thành kế hoạch này từ nay đến tháng 3-2013, trong đó chủ yếu nhắm đến sản phẩm Coca-Cola. Theo thống kê ở Mỹ, tại New York, khoảng 58% người trưởng thành và gần 40% trẻ em của các trường công mắc bệnh béo phì hoặc trong tình trạng thừa cân nghiêm trọng. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận